Lúa, bắp cháy khô vì nắng hạn kéo dài

05:07, 04/07/2019
.
(Baoquangngai.vn) – Nắng nóng, hạn hán kéo dài, hơn 740ha diện tích đất nông nghiệp không sản xuất được và 770 ha lúa vụ hè thu chưa gieo sạ.  Nhiều hồ đập trơ đáy, hàng chục ha lúa, bắp ở huyện Bình Sơn, Đức Phổ… chết khô trong nỗi buồn của người dân.
Cây trồng chết khô do thiếu nước
 
Có mặt tại thôn Vĩnh An, xã Bình Thạnh (Bình Sơn), chúng tôi chứng kiến cảnh những ruộng bắp, ruộng mì cháy quắt. Cây cỏ oằn mình dưới cái nắng như chảo lửa.
 
Gia đình ông Lê Tân Hoàng có 4 sào bắp xuống giống hồi tháng ba mất trắng hoàn toàn vì cây bắp cháy sém, lụi tàn không kịp cắt cây về cho bò ăn. Ông Tân không buồn chặt cây dọn ruộng bắp vì dọn cũng chẳng để làm gì trong khi đến tháng 10 âm lịch mới xuống giống vụ mới. 
 
"Những năm trước cũng nắng nóng, nhưng một tuần có mưa dông được vài lần. Năm nay, từ tết giờ ở đây không có mưa, nắng liên tục trong 5 tháng không có cây nào chịu nỗi” - ông Hoàng cho hay.
 
Bắp cháy khô tại thôn Vĩnh An, xã Bình Thạnh (Bình Sơn).
Bắp cháy khô tại thôn Vĩnh An, xã Bình Thạnh (Bình Sơn).
 
Tại thôn Xuân Thành, Bàn Thạch xã Phổ Cường (Đức Phổ) có hàng chục ha không thể gieo sạ được, đồng ruộng bỏ hoang trơ gốc rạ, người dân đã ly hương cầu thực.
 
Trong khi đó, số diện tích lúa đã gieo sạ sớm gần 2 tháng tuổi đang bị cháy đen. Nhiều nông dân chỉ biết thở dài nhìn ruộng lúa chết khô. Một số người dân đã cắt lúa cho bò ăn. Không ít hộ dân “bấm bụng” bỏ tiền triệu đóng giếng cứu lúa.
 
“Lúa này sạ được 1 tháng 20 ngày rồi, đang làm đòng mà thiếu nước cháy bầm đen lá. Bốn ngày trước, huyện thả nước từ hồ Liệt Sơn về “chữa cháy”cũng không ăn thua vì lúa đã mất sức. Nếu trời có mưa thì kiếm vài hạt, không thì cắt cho bò ăn” - ông Trần Hòa, ở thôn Bàn Thạch thở dài.
 
 
Lúa ở xã Phổ Cường khô cháy, không thể cứu được dù nước từ Hồ Liệt Sơn đã về cánh đồng.
 
Trưởng Phòng NN&PTNT huyện Đức Phổ, ông Nguyễn Tấn Lái cho biết, toàn huyện 11 hồ chứa nước thì có đến 5 hồ không còn nước. Có gần 50ha không gieo sạ được và 43ha lúa cần chống hạn kịp thời nếu không mất trắng hoàn toàn. Nếu thời gian tới không có mưa, 100% diện tích ở huyện Đức Phổ sẽ bị hạn.
 
Do nắng nóng gay gắt kéo dài và lượng mưa thấp hơn trung bình nhiều năm nên Quảng Ngãi đã và đang xảy ra hạn hán, thiếu nước sản xuất, nước sinh hoạt trên diện rộng.
 
Theo Sở NN&PTNT, hiện lượng nước của các hồ trên địa bàn tỉnh chỉ còn khoảng 35% dung tích thiết kế. Nhiều hồ chứa chỉ còn từ 10 - 15% dung tích thiết kế. Một số hồ chứa có dung tích trữ dưới mực nước chết như Phước Tích, Hòa Hải, Trung Tín (Bình Sơn); Hóc Cầy (Đức Phổ).
 

Hơn 1.500 ha đất bỏ hoang vì thiếu nước.

 
Hiện đã có trên 11.000 hộ dân thiếu nước sinh hoạt, hơn 740ha diện tích đất nông nghiệp không sản xuất được và 770 ha lúa vụ hè thu chưa gieo sạ. Trong thời gian tới nếu tình hình nắng nóng vẫn tiếp tục diễn ra, dự kiến khoảng 13.000 ha cây trồng khác bị hạn, trong đó 7.400ha lúa, 5.600ha cây trồng khác.
 
Gồng mình chống hạn
 
Trưởng Phòng NN&PTNT huyện Bình Sơn, ông Phạm Hồng Nguyên cho biết,ở các xã khu đông và một số xã khu tây huyện Bình Sơn hầu như từ tết nguyên đán đến nay không có mưa. Toàn huyện đã có 5 cạn khô, không còn một chút nước. Các hồ đập còn lại dung tích hiện còn từ 30 – 50%.
 
Vì lượng nước thiếu hụt nên huyện chỉ đạo tưới luân phiên ướt-ráo, tạo độ ẩm, không thể tưới dầm như các vụ trước. Huyện cũng đã bố trí kinh phí gần 1,1 tỷ đồng để hỗ trợ cho người dân khoan giếng, nhiên liệu xăng dầu để chạy nước bơm tưới cho lúa, rau màu; làm trạm bơm chống hạn, nạo vét kênh mương.
 

Lượng nước ở hầu hết các hồ đã xuống thấp.

 
Các xã cũng chủ động hỗ trợ cho người dân chống hạn cho cây trồng. HTX Dịch vụ nông nghiệp Bình Thạnh vừa trích kinh phí gần 100 triệu đồng để mua 28 máy bơm nước và hệ thống dây ống cấp cho dân, giúp bà con nông dân chống hạn cho cây trồng và bơm nước phục vụ cho sinh hoạt của nhân dân.
 
Trước tình trạng hạn hán xảy ra trên diện rộng, huyện Đức Phổ cũng đang gồng mình chống hạn. Toàn huyện có 43ha lúa đang làm đòng trỗ cần phải chống hạn khẩn cấp, huyện đã chỉ đạo Trạm Quản lý thủy nông số 6 đưa nước từ Hồ Liệt Sơn về chống hạn cho diện tích này.
 
“Cùng với việc linh động điều nước từ hồ Liệt Sơn về, chúng tôi đã huy động nhân dân đóng giếng, làm trạm bơm lấy nước từ sông Trà Câu về tưới bổ sung cho cây trồng. Với diện tích mới gieo sạ được 1 tháng thì tưới theo hình thức ướt - ráo”
 
Sở NN&PTNT đang kiến nghị UBND tỉnh báo cáo Trung ương xem xét, hỗ trợ kinh phí để tỉnh chống hạn và xâm nhập mặn. Sở cũng đề nghị các địa phương triển khai thực hiện cấp bách các biện pháp phòng, chống hạn để hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại cho cây trồng. 

Bài, ảnh: A.KIỀU


.