Giải hạn cho cây trồng cạn

02:04, 30/04/2019
.

(Báo Quảng Ngãi)- Tình hình nắng nóng kéo dài, nhiều địa phương đứng trước nguy cơ bị khô hạn nặng. Trước thực trạng đó, chính quyền và nhân dân một số địa phương trong tỉnh đã triển khai nhiều phương án để “giải hạn” cho cây trồng cạn.

TIN LIÊN QUAN

Khoan giếng cứu cây trồng

Những ngày này, người dân thôn Bình Tân, xã Trà Bình (Trà Bồng) rất phấn khởi khi những giếng khoan đầu tiên của thôn bắt đầu phục vụ nước tưới cho hơn 5ha đất ở cánh đồng Hoóc Cát. Chủ tịch UBND xã Trà Bình Nguyễn Công Hành cho biết: “Vừa qua, xã trích kinh phí hỗ trợ người dân hai thôn Bình Đông và Bình Tân khoan 12 giếng nước, với tổng kinh phí gần 250 triệu đồng”.

Khoan giếng chống hạn cho người dân thôn Bình Tân, xã Trà Bình (Trà Bồng).
Khoan giếng chống hạn cho người dân thôn Bình Tân, xã Trà Bình (Trà Bồng).


Những năm trước, vào mùa nắng, cánh đồng Hoóc Cát phải bỏ hoang. Nhưng năm nay, gần 100 hộ dân ở đây không còn lo thiếu nước tưới. Bà Nguyễn Thị Thu, ở thôn Bình Tân, xã Trà Bình chia sẻ. “Mọi năm, cánh đồng này chỉ sạ lúa vụ đông xuân, còn vụ hè thu thì bỏ hoang. Nhưng giờ có giếng khoan, nguồn nước tưới cũng đảm bảo nên chúng tôi yên tâm tỉa đậu, trồng bắp”.

Tại huyện Minh Long, một số vùng đất ở xã Thanh An, Long Hiệp, Long Sơn thường xuyên bị thiếu nước trong mùa khô, chính quyền đã chỉ đạo người dân chuyển đổi từ cây lúa sang các cây trồng cạn, như đậu phụng, mè, bắp... Sử dụng các loại máy bơm để hút nước từ các giếng khơi đã đào trước đó để phục vụ sản xuất. Chủ tịch UBND xã Thanh An Đinh Ê Hoàng cho hay: “Hiện nay, các thôn Công Loan, Phiên Chá đang đứng trước nguy cơ khô hạn, nên thôn đã hướng dẫn người dân chuyển đổi sang trồng một số hoa màu ít sử dụng nước".

Ở các vùng đất phù sa ven sông, nông dân cũng đang tìm giải pháp chống hạn cho cây trồng. Ông Nguyễn Soạn, ở thôn 6, xã Nghĩa Dũng cho biết: “Tuy đất canh tác nằm gần sông, nhưng chúng tôi cũng rất lo. Trồng rau xà lách thì phải tưới nước thường xuyên thì rau mới tươi. Còn cây cải, hành, quế thì giãn thời gian tưới từ 3 - 4 ngày/lần”.

Chủ động chống hạn

Hiện nay, ở huyện Minh Long có 3 hồ chứa nước lớn. Các hồ này cung ứng nước tưới cho hàng trăm hécta lúa, hoa màu. Tuy nhiên, do nắng kéo dài nên hồ chứa nước Đồng Cần và Biều Qua chỉ còn khoảng 1/3 dung tích thiết kế, ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp của địa phương. “Ngay từ đầu năm, huyện đã xây dựng phương án chống hạn và triển khai đến các địa phương; đồng thời yêu cầu các tổ đội thủy lợi điều tiết nước ở các hồ chứa một cách tiết kiệm”, Trưởng Phòng NN&PTNT huyện Minh Long Lê Minh Chí cho biết.

Ở huyện Trà Bồng, hiện có 91 công trình thủy lợi, nhưng chỉ có 87 công trình hoạt động. Đến mùa nắng, phần lớn các hồ chứa nước, đập dâng trên địa bàn huyện có dung tích trữ thấp, chỉ đạt từ 60 - 70% so với dung tích thiết kế. Vì vậy, khả năng khô hạn cục bộ rất dễ xảy ra, đặc biệt là tại các thôn Bình Đông, Bình Tân (Trà Bình) và một số xứ đồng ở xã Trà Phú. Ngoài ra, nguy cơ thiếu nước sinh hoạt và chăn nuôi trên địa bàn huyện cũng có khả năng xảy ra.

Trưởng Phòng NN&PTNT huyện Trà Bồng Võ Sỹ Phi thông tin: Huyện đã kiến nghị các cấp, ngành hỗ trợ kinh phí sửa chữa, khắc phục các công trình thủy lợi hư hỏng, không phát huy hết tác dụng. Đồng thời, hỗ trợ kinh phí đóng giếng khoan cho các xã có nguy cơ thiếu nước trầm trọng, để người dân chủ động chống hạn”.           

  Bài, ảnh: ĐÌNH DIỆU


.