Phát triển kinh tế phải đi đôi với bảo vệ môi trường

08:03, 23/03/2019
.

(Báo Quảng Ngãi)- Thời gian qua, việc đầu tư hệ thống xử lý nước thải tại các khu kinh tế (KKT), khu công nghiệp (KCN), cụm công nghiệp (CCN) và làng nghề được UBND tỉnh quan tâm thực hiện. Tuy nhiên, tình trạng ô nhiễm môi trường vẫn diễn ra.

Xả thẳng nước thải ra môi trường

Hiện nay, tại 6 CCN Bình Nguyên, Đồng Dinh, Quán Lát, Thạch Trụ, Tịnh Ấn Tây, La Hà chỉ đầu tư hệ thống thoát nước mặt, còn hệ thống xử lý nước thải tập trung chưa được đầu tư, nên nước thải công nghiệp chưa qua xử lý được xả thẳng ra môi trường.

Trưởng Ban Kinh tế - Ngân sách (HĐND tỉnh) Nguyễn Thị Phương Thảo cho biết: Qua quan trắc của các đoàn giám sát HĐND tỉnh tại nước mặt của kênh chìm tiếp nhận nước thải từ CCN Tịnh Ấn Tây cho thấy, thông số photphat vượt ngưỡng 3 lần; nước mặt sông Bàu Giang tiếp nhận nước thải CCN La Hà có thông số TSS vượt ngưỡng 1,1 lần, COD vượt ngưỡng 1,2 lần. Riêng nguồn nước ngầm đo được tại một doanh nghiệp ở CCN La Hà có thông số sắt vượt 1,66 lần.

Cụm Công nghiệp Đồng Dinh một trong những CCN chưa được đầu tư hệ thống xử lý nước thải, nên nước thải tại các doanh nghiệp vẫn xả thẳng ra môi trường.
Cụm Công nghiệp Đồng Dinh một trong những CCN chưa được đầu tư hệ thống xử lý nước thải, nên nước thải tại các doanh nghiệp vẫn xả thẳng ra môi trường.


Trong khi đó, KCN Tịnh Phong có tỷ lệ lấp đầy khoảng 87%, nhưng tại đây chưa có hệ thống xử lý nước thải tập trung, vì thế các doanh nghiệp đấu nối trực tiếp vào hệ thống thoát nước mưa. Đối với KCN Quảng Phú, dù có hệ thống xử lý nước thải tập trung, nhưng lại chưa lắp đặt thiết bị đo lưu lượng nước thải đầu vào cho một số doanh nghiệp, vị trí đấu nối không đúng, nước thải đầu ra của một số doanh nghiệp nhiều thời điểm không đạt tiêu chuẩn tiếp nhận nước thải của Trạm xử lý nước thải...

Tăng cường kiểm tra xử lý

Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Đinh Thị Hồng Minh cho rằng, thực tế quá trình hoạt động sản xuất của doanh nghiệp đã nảy sinh một số bất cập. Đơn cử như qua giám sát một số nhà máy giấy tại CCN Tịnh Ấn Tây cho thấy, trong báo cáo đánh giá tác động môi trường, đề án bảo vệ môi trường cho phép nước thải sau xử lý được tuần hoàn tái sử dụng, nhưng việc đánh giá chất lượng nguồn nước lại chưa được quan tâm. Ngoài ra, nhiều doanh nghiệp vẫn xả trực tiếp nước thải ra môi trường, dù nguồn nước chưa đạt chuẩn và đề án không cho phép.

Đối việc xử lý nước thải, khí thải, tiếng ồn, bụi... cũng đang là vấn đề đáng báo động. Qua giám sát của HĐND tỉnh cho thấy, giữa thực tế dây chuyền sản xuất với thiết kế được phê duyệt vênh nhau hoàn toàn. Nhiều cơ sở sản xuất tự ý lắp đặt thêm thiết bị, nhưng không đánh giá tác động môi trường...

“Thu hút đầu tư để phát triển kinh tế, song cần phải đảm bảo các quy định của pháp luật về môi trường. Không vì chạy theo tăng trưởng kinh tế mà làm môi trường ô nhiễm. Do đó, ngoài công tác đầu tư hệ thống xử lý nước thải tập trung có công nghệ hiện đại, các đơn vị liên quan cần tăng cường hơn nữa việc thanh kiểm tra và xử lý nghiêm các trường hợp gây ô nhiễm môi trường”, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Đinh Thị Hồng Minh yêu cầu.


Bài, ảnh: LÊ ĐỨC



 


.