Cây cầu nối nhịp ước mơ

12:02, 03/02/2019
.

(Báo Quảng Ngãi)- Cầu Cửa Đại nối hai bờ nam - bắc từ Tịnh Khê sang Nghĩa Phú (TP.Quảng Ngãi), nối luôn con đường ven biển có nhiều tiềm năng về du lịch và kinh tế biển của Quảng Ngãi. Chúng ta đã từng đi trên những cây cầu nhỏ bé thời chiến tranh để tới hôm nay và sẽ đi trên những cây cầu dài ngót 2km, thênh thang và thoải mái tới tương lai.

Hội An có cầu Cửa Đại rất hoành tráng đã hoàn thành cách đây vài năm. Khi Quảng Ngãi có dự án xây dựng cầu Cửa Đại thuộc TP.Quảng Ngãi, ít nhiều đã có những băn khoăn về tên gọi cây cầu. Nếu lại gọi là cầu Cửa Đại theo tên Cửa Đại là cửa sông Trà Khúc, thì e trùng với cầu Cửa Đại của Hội An.

Ngay vào lúc ấy, một cái tên lộng lẫy đã hiện ra trong đầu những nhà đầu tư, thiết kế và xây dựng cầu. Cái tên ấy là Thiên Mã (ngựa nhà trời). Đó là tên một ngọn núi chỉ cao khoảng 70m, nhưng rất đẹp và tương truyền là rất thiêng. Tại sao mình có một ngọn núi thuộc hàng danh thắng như thế mà không chọn làm tên cho cây cầu dài nhất Quảng Ngãi? Một cái tên đẹp và đầy ý nghĩa.

Công trình cầu cửa đại.                                                                                                           Ảnh: NGuyễn Hy
Công trình cầu cửa đại. Ảnh: Nguyễn Hy


Với dự toán xây dựng khoảng 2.000 tỷ đồng, cây cầu này sẽ kết nối đường ven biển Dung Quất - Quảng Ngãi với trục đường ven biển kéo dài tới Sa Huỳnh. Đây sẽ là cung đường đẹp nhất Quảng Ngãi và đứng vào hàng đẹp nhất miền Trung. Khi xây dựng xong cầu và đường ven biển này, Quảng Ngãi sẽ có bước đột phá về du lịch - nghỉ dưỡng. Hồi trước, Quốc lộ 1 chạy qua tỉnh Quảng Ngãi là “Từ An Tân tới Sa Huỳnh lộng gió”, còn sắp tới, tuyến đường ven biển Quảng Ngãi sẽ là “Từ Dung Quất tới Sa Huỳnh lộng gió... hơn”.

Khi Giám đốc Sở GTVT Quảng Ngãi Hà Hoàng Việt Phương đưa tôi về công trường thi công cầu Cửa Đại, cảm giác của tôi là rất... bình thường. Công trường này không có hàng vạn công nhân, tiếng búa đe vang vang, xe tải chạy mù trời... Cây cầu đã thành hình vóc, dịu dàng bắc ngang sông Trà Khúc ở gần cửa sông này và những người thi công cầu làm việc một cách lặng lẽ.

Xây cầu bây giờ dùng kỹ thuật mới, không ồn ào mà hiệu quả, không đông người mà chạy việc. Chợt nhớ hồi xưa mình bé con ở Hà Nội vẫn hát “Ánh đèn sáng trên cầu Việt Trì/ Trong đêm khuya vẫn còn vọng về...”. Cầu Việt Trì nhỏ hơn cầu Cửa Đại bây giờ nhiều, nhưng xây vào năm 1957, nên hồi đó chỉ lấy lao động thủ công là chính. Hàng nghìn công nhân mải miết làm việc trên cầu và hai đầu cầu suốt ngày dài lại đêm thâu, vất vả vô cùng.

Tôi nhìn cây cầu Cửa Đại đã tạo hình vóc, với tổng chiều dài khoảng 3.700m, trong đó chiều dài cầu là 1.876,8m, gồm 37 nhịp, lại chợt nhớ “7 nhịp cầu Hiền Lương” bắc qua sông Bến Hải, có một thời thành biểu tượng cắt chia hai miền Nam-Bắc. Cầu Cửa Đại, ngược lại, nối hai bờ nam-bắc từ Tịnh Khê sang Nghĩa Phú, nối luôn con đường ven biển tiềm năng du lịch và kinh tế biển của Quảng Ngãi.

Chúng ta đã từng đi trên những cây cầu nhỏ bé thời chiến tranh để tới hôm nay và sẽ đi trên những cây cầu dài ngót 2km, thênh thang và thoải mái tới tương lai. Theo anh Hà Hoàng Việt Phương, đây sẽ là cây cầu đẹp nhất Quảng Ngãi và là một trong những cây cầu đẹp nhất miền Trung.

Chợt nhớ, 9 cây cầu bắc qua sông Hàn - Đà Nẵng mỗi cầu đẹp mỗi kiểu, lại tiếc cho hai cây cầu của Quảng Ngãi làm xong chưa lâu và mới xong là cầu Trà Khúc 2 và cầu Thạch Bích. Đó mới chỉ là những cây cầu giao thông, chưa phải là những cây cầu như công trình kiến trúc. Trong khi cây cầu đúng nghĩa lại phải vừa mang tính công năng, vừa mang tính mỹ thuật. Hy vọng, cầu Cửa Đại sẽ là một cây cầu như một công trình mỹ thuật.

Tôi thường đi Huế, vì đó là quê ngoại hai đứa con tôi và rất vui khi được đi qua cây cầu Giả Viên mới xây của Huế. Cầu đẹp, có những “vọng giang đình” trên cầu để bà con Huế ngắm cảnh hoặc... câu cá. Ngồi trên vọng giang đình mà thả cần câu cá, dẫu không giật được con cá nào, nhưng vẫn hết sức thư giãn, hết sức thú vị. Ấy, cây cầu như một công trình tổng hợp là vậy.

Từ rất lâu rồi tôi đã có một ước nguyện là được thấy Thành cổ Châu Sa, nơi được coi là một khu vực lưu giữ lại nhiều nhất về văn hóa người Chăm Quảng Ngãi, với nét kiến trúc độc đáo cùng một bề dày những hào sâu bao quanh, sẽ trở thành điểm du lịch kỳ thú cho mọi người khám phá.

Từ bờ bắc, sau khi thăm thú Thành cổ Châu Sa, chúng ta qua cầu Cửa Đại và gặp ngay bên này cầu một bến âu thuyền đánh cá sầm uất, là trung tâm cung ứng hậu cần nghề cá cho cả vùng ven biển thuộc TP.Quảng Ngãi. Đó là mơ ước của lãnh đạo và ngư dân Quảng Ngãi, nhưng việc thực hiện xây dựng khu hậu cần nghề cá này rất cần sự tham gia của các nhà đầu tư, rất cần vốn xã hội hóa.

Lâu nay, Đà Nẵng “thu hút” sản phẩm hải sản do tàu Quảng Ngãi đánh bắt nhiều quá, chỉ vì Quảng Ngãi thiếu trung tâm hậu cần nghề cá, thiếu chợ cá lớn mà nên nỗi. Điều này Chủ tịch UBND TP.Quảng Ngãi Phạm Tấn Hoàng đã nhiều lần nói với tôi, nhưng cho tới nay vẫn chưa thu hút được nhà đầu tư, dù cây cầu Cửa Đại sẽ xây xong trong vòng một năm nữa.

Gặp gỡ với những kỹ sư xây dựng cầu Cửa Đại, tôi rất vui vì anh em đều còn trẻ, say mê và nhiệt huyết. Xây cầu bây giờ, tuy chưa tới thời “4.0” gì đó, nhưng cung cách làm việc đã hiện đại lắm. Những mô-đun kết nối, những trụ dây văng vươn lên trời xanh, những kỹ thuật lao cầu mới đã và sẽ giúp lớp kỹ sư cầu này nhanh chóng trở thành những chuyên gia giỏi. Đó là lực lượng kỹ thuật mà đất nước đang rất cần. Đất nước chúng ta còn rất nhiều cây cầu cần phải xây. Khi đã có nhà đầu tư, đã có tiền, thì phải có lực lượng chuyên môn kỹ thuật xây cầu.

THANH THẢO


.