Giám sát khai thác tài nguyên nước: Cần được quan tâm đúng mức

02:11, 20/11/2018
.

(Báo Quảng Ngãi)- Trên địa bàn tỉnh hiện có nhiều dự án (DA), công trình khai thác, sử dụng nguồn tài nguyên nước với quy mô lớn. Việc này đang đặt ra nhiều thách thức cho các cấp, ngành, địa phương trong việc giám sát, quản lý nguồn tài nguyên nước.

Trong những năm qua, nhu cầu dùng nước phục vụ sinh hoạt, sản xuất nông nghiệp, công nghiệp và dịch vụ trên địa bàn tỉnh không ngừng gia tăng, dẫn đến việc khai thác nguồn nước mặt, nước ngầm để sử dụng ngày càng nhiều.

 

 Theo Thông tư 47, dự án Thủy điện Hà Nang là một trong những công trình được lắp thiết bị giám sát khai thác, sử dụng tài nguyên nước.
Theo Thông tư 47, dự án Thủy điện Hà Nang là một trong những công trình được lắp thiết bị giám sát khai thác, sử dụng tài nguyên nước.


Các DA thủy điện là những công trình sử dụng nguồn nước mặt với quy mô lớn. Toàn tỉnh hiện có 7 DA thủy điện đã hoàn thành và đưa vào khai thác, với tổng công suất xấp xỉ 220MW, gồm: Thủy điện Cà Đú, Hà Nang (Trà Bồng), sông Riềng (Tây Trà), Nước Trong, Sơn Trà 1 (Sơn Hà), Đakđrinh, Huy Măng (Sơn Tây); DA Thủy điện Sơn Tây công suất 18MW đang trong giai đoạn thi công; 3 DA được cấp quyết định chủ trương đầu tư gồm Thủy điện Đakba (Sơn Tây), Thạch Nham (Sơn Hà), Sông Liên (Ba Tơ), với tổng công suất 39,5MW và 6 DA đã trình Bộ Công thương bổ sung quy hoạch, với tổng suất gần 100MW. Hầu hết các DA thủy điện đều ở miền núi, trong đó huyện Sơn Tây có 6 DA, với tổng công suất 233MW.
 

"Việc Bộ TN&MT ban hành Thông tư 47 sẽ giúp công tác quản lý của ngành được toàn diện, sâu sát và chặt chẽ hơn. Hiện tại, sở TN&MT đang hoàn thành việc xây dựng nhiệm vụ đầu tư hệ thống giám sát khai thác, sử dụng tài nguyên nước trên địa bàn tỉnh để trình UBND tỉnh xem xét, quyết định”.


Phó trưởng Phòng Tài nguyên nước – Khí tượng thủy văn –Biến đổi khí hậu (Sở TN&MT) NGUYỄN BIỆN NHƯ SƠN

Các DA thủy điện tăng nhanh, tập trung hầu hết ở vùng núi, đòi hỏi công tác quản lý phải được siết chặt, nhất là quy trình xả lũ vào mùa mưa lũ, nhằm đảm bảo an toàn cho người dân sống trong khu vực và phía hạ du.

Không chỉ gia tăng các công trình khai thác nước mặt quy mô lớn, mà các công trình khai thác nguồn nước ngầm tại nhiều địa phương cũng đang có chiều hướng tăng về số lượng lẫn quy mô. Tại huyện Lý Sơn, do không có nguồn nước mặt tự nhiên từ sông, suối nên người dân trên đảo phải dựa vào nguồn nước ngầm để sinh hoạt và sản xuất.

Nguồn nước ngầm trên đảo không nhiều, nhưng toàn huyện hiện có hơn 1.000 giếng khoan, giếng đào. Trong đó có nhiều giếng khoan quy mô lớn được cấp phép xây dựng, như giếng khoan công suất 60m3/ngày, đêm phục vụ cho khách sạn Đảo Ngọc Lý Sơn; giếng khoan công suất 85m3/ngày, đêm phục vụ cho khách sạn Mường Thanh Lý Sơn...

Trong khi đó, công tác quản lý của nhà nước trong lĩnh vực này mới dừng lại ở việc kiểm tra theo định kỳ, chưa thể giám sát, kiểm tra thường xuyên. Vì vậy, rất khó để phát hiện, kiểm tra chính xác việc tuân thủ quy trình vận hành, khai thác, sử dụng tài nguyên nước của các tổ chức, cá nhân sau cấp phép.

Để tăng cường kiểm soát quá trình khai thác tài nguyên nước của các tổ chức, cá nhân, Bộ TN&MT vừa ban hành Thông tư 47 quy định về việc giám sát khai thác, sử dụng tài nguyên nước. Theo đó, các địa phương phải có trách nhiệm đầu tư hệ thống thiết bị thu nhận, lưu trữ dữ liệu và phần mềm quản lý, xử lý dữ liệu về các công trình khai thác, sử dụng tài nguyên nước, như các công trình hồ chứa, khai thác nước mặt để phát điện với công suất từ 50KW, công trình khai thác nước ngầm quy mô trên 10m3/ngày, đêm...


Bài, ảnh: Ý THU



 


.