Điều tra cơ bản tài nguyên - môi trường biển, đảo: Còn nhiều khó khăn

10:11, 01/11/2018
.

(Báo Quảng Ngãi)- Công tác điều tra cơ bản tài nguyên - môi trường biển, đảo có vai trò quan trọng trong quản lý, khai thác và sử dụng bền vững tài nguyên, môi trường; ứng phó với biến đổi khí hậu (BĐKH). Tuy nhiên, việc thực hiện công tác này còn gặp nhiều khó khăn.

TIN LIÊN QUAN

Thời gian qua, mặc dù Quảng Ngãi không có các dự án, đề tài, nhiệm vụ thuộc Chương trình trọng điểm điều tra cơ bản tài nguyên - môi trường biển và hải đảo, nhưng tỉnh đã linh hoạt lồng ghép hoạt động này trong các quy hoạch, kế hoạch, đề án của UBND tỉnh, để phục vụ yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội.

 

Dữ liệu về trữ lượng nguồn lợi thủy sản vùng biển ven bờ của tỉnh vẫn chưa được điều tra, đánh giá.
Dữ liệu về trữ lượng nguồn lợi thủy sản vùng biển ven bờ của tỉnh vẫn chưa được điều tra, đánh giá.


Các dữ liệu về hiện trạng và sử dụng đất ngập nước ven biển, hải đảo; rừng ngập mặn, rừng phòng hộ ven biển; hiện trạng xói lở bờ biển... thuộc Dự án Quản lý tổng hợp đới bờ tỉnh có giá trị hết sức quan trọng trong hoạt động phục vụ phòng chống thiên tai, thích ứng BĐKH. Các hoạt động điều tra tổng thể về hệ sinh thái vùng triều tại Lý Sơn, đa dạng sinh học vùng biển KKT Dung Quất được xem là tiền đề để triển khai các hoạt động bảo tồn nhằm duy trì, bảo vệ đa dạng sinh học, tạo điều kiện phát triển kinh tế, du lịch sinh thái tại các khu vực này.
 

“Hiện trạng tài nguyên nước ngầm và tình hình BĐKH trên địa bàn tỉnh luôn thay đổi không ngừng, buộc ngành quản lý phải thống kê, cập nhật, làm mới dữ liệu liên tục để đề xuất kịp thời giải pháp ứng phó, nhất là ứng phó với BĐKH. Tuy nhiên, trên thực tế, công tác điều tra dữ liệu liên quan đến lĩnh vực này còn hạn chế, chưa theo kịp tình hình. Nguyên nhân chính là do khó khăn về kinh phí và nhân lực”.


Phó trưởng Phòng Tài nguyên nước-Khí tượng
thủy văn & BĐKH (Sở TN&MT)

NGUYỄN BIỆN NHƯ SƠN

Ngoài ra, những dữ liệu thuộc “Kế hoạch ứng phó sự cố tràn dầu tỉnh và Bản đồ nhạy cảm môi trường” cũng đã giúp các ngành chức năng xác định được các khu vực nhạy cảm cần được bảo vệ khi xảy ra sự cố tràn dầu, hỗ trợ đắc lực cho việc lập kế hoạch và tiến hành các hoạt động ứng phó khi có sự cố xảy ra...

Tuy nhiên, công tác điều tra cơ bản trong lĩnh vực này vẫn còn nhiều hạn chế, chưa đáp ứng yêu cầu phát triển.

Trong "Quy hoạch tài nguyên nước tỉnh giai đoạn 2016 – 2020, tầm nhìn đến năm 2030" có đưa nhiệm vụ điều tra, đánh giá chi tiết tài nguyên nước phục vụ cấp nước sinh hoạt vùng Dung Quất – Vạn Tường và điều tra xác định vùng cấm, vùng hạn chế khai thác nước dưới đất trên địa bàn tỉnh vào danh mục các dự án ưu tiên thực hiện từ năm 2016. Tuy nhiên, đến nay mới chỉ có dự án "Xác định vùng cấm, vùng hạn chế khai thác nước dưới đất" đã triển khai, các dự án còn lại vẫn chưa thể thực hiện theo đúng lộ trình.

Ngoài ra, dù những dữ liệu liên quan đến đa dạng sinh học khu vực biển trên địa bàn tỉnh, công tác điều tra, đánh giá cũng chỉ mới dừng lại ở khu vực ven bờ huyện Lý Sơn, Bình Sơn; còn cơ sở dữ liệu chung về trữ lượng nguồn lợi thủy sản vùng biển ven bờ, vùng nước nội địa trên địa bàn toàn tỉnh và đa dạng sinh học biển phục vụ đánh bắt xa bờ vẫn chưa có số liệu đánh giá.

Theo thống kê và đánh giá của UBND tỉnh, từ trước đến nay, tỉnh mới triển khai khoảng 10 dự án, đề án điều tra dữ liệu cơ bản ở lĩnh vực tài nguyên - môi trường biển, hải đảo. Thế nhưng, các dữ liệu này mới chỉ dừng lại ở vùng biển ven bờ, mức độ điều tra giữa các vùng biển trên địa bàn tỉnh còn khác nhau về độ chi tiết và đối tượng điều tra; nhiều vùng biển chưa được điều tra đầy đủ. Việc đầu tư cho hoạt động điều tra cơ bản để phát hiện các nguồn tài nguyên mới chưa tương xứng với tiềm năng tài nguyên biển, đảo tại địa phương...


Bài, ảnh: Ý THU

 


.