Du lịch vùng biển đảo: Làm gì để "cất cánh" (kỳ 2)

09:10, 23/10/2018
.

Kỳ 2: Hạ tầng và sản phẩm du lịch còn nghèo nàn


(Báo Quảng Ngãi)- Năm 2016, Tỉnh ủy đã ban hành Nghị quyết chuyên đề về phát triển dịch vụ, du lịch của tỉnh giai đoạn 2016-2020, nhằm cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX. Tuy nhiên, trong những năm qua, nguồn ngân sách đầu tư cho lĩnh vực hạ tầng du lịch còn nhỏ giọt; việc kêu gọi doanh nghiệp (DN) đầu tư gặp nhiều khó khăn; năng lực tài chính của một số DN được cấp phép đầu tư hạn chế, chiến lược kinh doanh chưa hợp lý, chưa tạo được nhiều sản phẩm du lịch hấp dẫn du khách...

Dự án nhiều, nhưng chưa hấp dẫn

Hơn 15 năm trước, bãi biển Mỹ Khê hoang sơ như “nàng tiên đang ngủ”. Sau đó, các DN đua nhau “xí phần” khi tỉnh có chủ trương kêu gọi đầu tư phát triển du lịch. Theo đó, nhiều dự án được UBND tỉnh quyết định chủ trương đầu tư, như: Dự án của Công ty CP Du lịch biển Mỹ Khê (thuộc Tổng công ty CP Tài chính dầu khí Việt Nam), Công ty CP 19/8, Công ty CP Du lịch Quảng Ngãi, Công ty TNHH Hà Thành, Công ty TNHH Ánh Sao, khu nghỉ dưỡng Ánh Vân...

 

Điểm du lịch Gành Yến (Bình Sơn) hút khách nhờ địa phương đầu tư các tuyến đường bích họa, nhưng vẫn còn đơn điệu.
Điểm du lịch Gành Yến (Bình Sơn) hút khách nhờ địa phương đầu tư các tuyến đường bích họa, nhưng vẫn còn đơn điệu.


Mỗi doanh nghiệp “xin” hàng chục hécta đất và tiến hành chặt đốn cây dương liễu ven biển để lấy đất xây dựng tường rào, nhà bảo vệ, chuẩn bị xây nhà hàng, khách sạn... Để hấp dẫn nhà đầu tư, UBND tỉnh đã “rót tiền” đầu tư xây dựng hạ tầng giao thông kết nối với khu du lịch (KDL) Mỹ Khê; đồng thời kiến nghị Bộ GTVT đầu tư nâng cấp Quốc lộ 24B... nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho KDL Mỹ Khê “cất cánh”. UBND tỉnh cũng đã điều chỉnh quy hoạch tổng thể khu vực biển Mỹ Khê từ 152ha lên 1.000ha, nhằm khai thác lợi thế bãi biển để phát triển du lịch.

Theo kế hoạch xây dựng của các dự án, thì tại KDL Mỹ Khê có những tòa nhà cao tầng, những  resort 4 – 5 sao đảm bảo cho hàng nghìn khách lưu trú, những khu du lịch nghỉ dưỡng, ăn uống, vui chơi giải trí cao cấp... Thế nhưng, đã hàng chục năm trôi qua, mọi thứ ở KDL Mỹ Khê vẫn không có gì thay đổi, ngoại trừ rừng dương ven biển thì đang dần teo tóp.

Đời sống của nhiều người dân trong vùng dự án bị ảnh hưởng, Nhà nước thì thất thu tiền thuế và quỹ đất bị lãng phí... Nhiều dự án được cấp phép đầu tư nhưng không thực hiện, nên UBND tỉnh phải ra quyết định thu hồi để chuyển cho nhà đầu tư khác. Nhưng rồi, điệp khúc các nhà đầu tư “đến rộn ràng” rồi "lặng lẽ ra đi" cứ lặp đi, lặp lại, nên đến giờ tiềm năng du lịch ở Mỹ Khê vẫn còn “ngủ yên chưa được đánh thức”.

Phó Chủ tịch UBND xã Tịnh Khê, kiêm Trưởng Ban quản lý KDL Mỹ Khê Nguyễn Chí Cường nói: Đa phần các đơn vị được giao đất chỉ đầu tư chiếu lệ rồi bỏ đấy, để cỏ cây, rác thải gây ô nhiễm môi trường, buộc địa phương phải tổ chức thu dọn. “Trước mắt, xã sắp xếp lại hộ kinh doanh và không cho buôn bán phía bãi cát của KDL Mỹ Khê.

Đề nghị tỉnh tiếp tục quan tâm đầu tư hoàn thiện hạ tầng trong KDL Mỹ Khê; tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm những chủ đầu tư triển khai dự án không đúng tiến độ, không triển khai. Có như vậy mới thúc đẩy KDL Mỹ Khê phát triển, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của địa phương”, ông Cường nhấn mạnh.

 

“Du lịch muốn phát triển thì phải có tài nguyên du lịch mang tính độc đáo, khác biệt do thiên nhiên ban tặng hoặc nhân tạo. Nếu tài nguyên du lịch kém thì chúng ta phải nâng cấp, đầu tư để thu hút du khách. Vì vậy, cần khuyến khích các doanh nghiệp vào đầu tư để khai thác có hiệu quả tiềm năng đó, còn nếu chỉ trông chờ nguồn lực của Nhà nước thì khó có thể đạt được mục tiêu mà Nghị quyết 04 của Tỉnh ủy đã đề ra”.


Giám đốc Sở VH-TT&DL NGUYỄN MINH TRÍ


Hạ tầng chắp vá, sản phẩm du lịch đơn điệu

Bờ biển Quảng Ngãi có hàng loạt địa danh du lịch nổi tiếng, từ Gành Yến, Khe Hai (Bình Sơn) đến các bãi biển ở TP.Quảng Ngãi, Mộ Đức, Đức Phổ và huyện đảo Lý Sơn với nhiều danh lam thắng cảnh khá hấp dẫn. Tuy nhiên, khi đến các địa điểm trên nhiều du khách khá thất vọng, bởi hạ tầng và sản phẩm du lịch còn nghèo nàn. Những hàng quán, lều bạt đơn sơ; đường vào các địa điểm du lịch xuống cấp, nhỏ hẹp... Du khách đến những nơi này chỉ mỗi việc tắm biển, thưởng thức hải sản rồi về, vì không còn dịch vụ nào hấp dẫn để níu kéo khách ở lại lâu hơn.

Bãi biển Gành Yến, xã Bình Hải (Bình Sơn) cũng được xem là “nàng tiên” của du lịch huyện Bình Sơn, nhưng cũng chỉ nổi lên một thời gian, rồi trở lại như xưa. Nguyên nhân là do tuyến đường từ khu đô thị mới Vạn Tường dẫn vào Gành Yến dài chưa đầy 3km, nhưng lòng đường nhỏ, quanh co, gấp khúc...

Bãi biển An Sen, xã Bình Phú cũng vậy. Từ đường ven biển Dung Quất-Sa Huỳnh, men theo đường bê tông chạy cắt ngang khu dân cư, băng qua những đồi cát thì thấy hiện ra một bãi biển tuyệt đẹp, nhưng không khí tại đây rất ảm đạm, buồn tẻ. Nhiều hộ dân mở hàng quán kinh doanh, nhưng không có khách nên đành đóng cửa.

Bí thư Huyện ủy Bình Sơn Hà Thị Anh Thư cho biết: Các điểm du lịch dọc bờ biển của huyện phần lớn là tự phát, địa phương đã đưa vào quy hoạch phát triển du lịch, nhưng nguồn lực có hạn nên chưa được đầu tư nhiều về hạ tầng. Huyện chỉ mới dừng lại ở việc tăng cường quảng bá các điểm du lịch, phối hợp với tỉnh để kêu gọi đầu tư và khuyến khích người dân đầu tư kinh doanh dịch vụ du lịch.

 

 Cơ sở hạ tầng ở Khu du lịch Mỹ Khê còn tạm bợ.
Cơ sở hạ tầng ở Khu du lịch Mỹ Khê còn tạm bợ.


Không riêng gì Bình Sơn, mà ở các địa phương khác trong tỉnh cũng vậy. Xuôi về phía nam, những bãi biển như Đức Lợi, Đức Minh (Mộ Đức), Phổ Minh, Sa Huỳnh, Châu Me (Đức Phổ)... cũng có nhiều tiềm năng để phát triển dịch vụ du lịch. Nhưng rồi, những tiềm năng đó vẫn chưa được đánh thức, người dân thì kinh doanh theo kiểu “ăn xổi", nên du khách “một đi không trở lại”. Đối với Lý Sơn, dù được tỉnh quan tâm đầu tư xây dựng hạ tầng du lịch và thu hút được các nhà đầu tư, nhưng cũng để lại nhiều lo ngại khi "bê tông" quá nhiều, dẫn đến mất đi nét hấp dẫn vốn có của hòn đảo xinh đẹp này.

Một số chuyên gia kinh tế cho rằng, hiện trạng du lịch Quảng Ngãi so với một số tỉnh, thành trong khu vực yếu thế hơn rất nhiều. Nguyên nhân do tài nguyên du lịch chỉ ở mức trung bình, chưa có nhiều sản phẩm du lịch đặc sắc. Theo khảo sát của ngành chức năng, tài nguyên du lịch Quảng Ngãi xếp hạng từ 44- 46 của cả nước. Hạ tầng kết nối với các khu du lịch hiện nay thuộc diện dưới trung bình.

Theo Giám đốc Sở VH-TT&DL Nguyễn Minh Trí, để phát triển du lịch Quảng Ngãi, trước hết phải đánh giá đúng thực trạng tài nguyên du lịch của tỉnh thì mới có cơ sở hoạch định chiến lược để phát triển. Phát triển du lịch biển, đảo không phải là mở một vài nhà hàng bán hải sản, xây khách sạn 5 sao, resort cao cấp, bởi du khách chỉ đến tham quan khi nơi đó có tài nguyên, sản phẩm du lịch đa dạng, phong phú. Việc xây dựng nhà hàng, khách sạn, resort chỉ là điều kiện đủ, cái cần ở đây là phải có nhiều sản phẩm du lịch hấp dẫn, thì mới có thể kéo du khách ở lại lâu hơn.


Bài, ảnh: P.DANH-L.ĐỨC

-----------------------
Kỳ 3: Tăng cường quảng bá, kêu gọi đầu tư




 


.