Vùng cao Quảng Ngãi: Những gam màu sáng

04:09, 03/09/2018
.

(Báo Quảng Ngãi)- Trong những năm tháng chiến tranh các huyện miền núi trong tỉnh là vùng căn cứ của cách mạng và bị chiến tranh tàn phá nặng nề. Sau ngày giải phóng, cùng với sự quan tâm đầu tư của Đảng và Nhà nước, đồng bào các dân tộc ở vùng cao Quảng Ngãi đã nỗ lực vươn lên, từng bước giảm nghèo bền vững.  

TIN LIÊN QUAN

Kết nối để phát triển

Đưa chúng tôi đi trên cây cầu treo bắc qua sông Nước Nẻ, dẫn vào thôn Gò Đập, Bí thư Đảng ủy xã Ba Vinh (Ba Tơ) Phạm Văn Rạch phấn khởi nói: Mấy năm trước, không có cây cầu này, người dân phải lội dưới lòng sông để đi qua trung tâm xã. Trẻ em thì xắn quần, đội sách vở để đi học. Hai năm nay, nhờ có chiếc cầu treo này mà gần 100 hộ dân của thôn Gò Đập – Nước Nẻ gần nhau hơn, bởi không còn cách trở như trước”.

 Những cây cầu treo dân sinh tạo thuận lợi trong việc  giao thương, đi lại cho người dân ở các huyện miền núi trong tỉnh.
Những cây cầu treo dân sinh tạo thuận lợi trong việc giao thương, đi lại cho người dân ở các huyện miền núi trong tỉnh.


Từ ngày có chiếc cầu treo, không chỉ bà con hai thôn hưởng lợi, mà bộ mặt của xã Ba Vinh cũng dần thay da đổi thịt. Bà con không còn lo ngại việc “trèo đèo, lội suối” để vận chuyển nông sản khi đến mùa thu hoạch. “Không có cây cầu này, mùa mưa chúng tôi thường xuyên bị cô lập, nông sản thì khó thu hoạch được”, ông Phạm Văn Buôn, thôn Nước Nẻ bày tỏ. Người dân thôn Nước Kỉa và Tà King của xã Sơn Tinh (Sơn Tây) thì vô cùng vui mừng kể từ ngày có cầu treo bắc qua. Bà Đinh Thị Muộn, thôn Tà King cho hay: “Bà con chúng tôi vui lắm. Cảm ơn Đảng và Nhà nước đã quan tâm đầu tư công trình này”.

Những chiếc cầu treo ở các huyện Sơn Hà, Sơn Tây, Ba Tơ sau khi đưa vào sử dụng đều phát huy được tác dụng, không chỉ giúp người dân đi lại dễ dàng, mà còn tạo cho người dân niềm tin rất lớn vào Đảng và Nhà nước. Chủ tịch UBND xã Ba Xa (Ba Tơ) Phạm Văn Tem chia sẻ: “Những cây cầu này đã góp phần kết nối giữa các địa phương, tạo điều kiện cho việc vận chuyển, buôn bán hàng hóa; việc đi lại học tập của con em cũng thuận tiện hơn”. Đó chính là nền tảng cho sự phát triển bền vững ở các huyện miền núi trong tỉnh”.
 

Theo thống kê năm 2017, tổng số hộ nghèo khu vực miền núi là 22.697 hộ (36,97%); cận nghèo 8.518 hộ (13,87%). So với năm 2016, giảm hơn 5%. Đây là một con số rất đáng ghi nhận mà không phải địa phương nào trong cả nước cũng có thể làm được.

Khoác chiếc áo mới

Giờ đây, các xã miền núi trên địa bàn tỉnh đã có những bước đổi thay mạnh mẽ. Như xã Sơn Long (Sơn Tây), từng là địa phương có tỷ lệ hộ nghèo gần 80% khi thành lập. Thế nhưng, bằng nỗ lực của các cấp chính quyền và người dân mà diện mạo các xã vùng cao trên trục đường Đông Trường Sơn đã thay đổi rất nhiều. Các mô hình phát triển kinh tế được triển khai thực hiện, đưa Sơn Long trở thành điểm sáng trong công tác giảm nghèo bền vững ở Sơn Tây.

Chủ tịch UBND xã Sơn Long Đỗ Thanh Vượt cho biết: Năm 2009 khi mới thành lập, tỷ lệ hộ nghèo của xã chiếm 79,9%, nhưng nay chỉ còn 53,41%. Để một xã vùng cao như Sơn Long đạt tỷ lệ giảm nghèo trung bình hơn 2,7%/năm là một kỳ tích mà ngay cả lãnh đạo xã cũng chưa từng nghĩ đến. Với lợi thế trong phát triển kinh tế nông lâm nghiệp, người dân đã dần thay đổi tư duy làm ăn, tạo ra sự bứt phá trong phát triển kinh tế gia đình.

Trên địa bàn huyện Sơn Hà, bộ mặt nông thôn miền núi của huyện cũng có nhiều khởi sắc. Đô thị Di Lăng được đầu tư mở rộng, xứng tầm với vai trò trung tâm chính trị, kinh tế-văn hóa ở miền Tây Quảng Ngãi. Đến cuối năm 2017, huyện Sơn Hà có 1.207 hộ thoát nghèo, tỷ lệ hộ nghèo còn 30,1%. Có 9/14 xã, thị trấn đạt chuẩn quốc gia về y tế; 78,7% hộ gia đình được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh.

Chủ tịch UBND huyện Trà Bồng Nguyễn Xuân Bắc thì phấn khởi trước những đổi thay của địa phương cho biết, đến nay tỷ lệ hộ nghèo của huyện đã giảm xuống còn 37,57%. Thời gian đến, huyện tiếp tục huy động các nguồn lực để triển khai các mô hình kinh tế phù hợp với điều kiện địa phương, giúp người dân nâng cao thu nhập. Hướng các gia đình phát triển theo mô hình kinh tế trang trại, nhóm hộ gia đình, tổ hợp tác, nhằm tạo ra nhiều sản phẩm hàng hóa, để đến năm 2020, Trà Bồng sẽ được công nhận thoát khỏi huyện nghèo.

 

Hướng người dân sản xuất nông nghiệp hàng hóa

Phó Chủ tịch UBND huyện Sơn Hà Phùng Tô Long cho biết, huyện đã hỗ trợ cho 274 hộ và 30 nhóm hộ phát triển sản xuất; đa dạng hóa việc hỗ trợ các cây, con giống phù hợp với điều kiện tự nhiên của địa phương, như bò, heo, gà, dê; cây ớt rừng, cây sao đen, bưởi da xanh, mít Thái... Huyện chủ động xây dựng kế hoạch, định hướng sản xuất, sinh kế theo hướng hội nhập thị trường, xây dựng nhãn hiệu sản phẩm hàng hóa và ký kết hợp tác sản xuất, tiêu thụ sản phẩm với doanh nghiệp tiêu thụ ổn định.



Bài, ảnh: L.ĐỨC- M.KHOA

 


.