Sức bật từ phong trào thi đua

09:09, 24/09/2018
.

(Báo Quảng Ngãi)- Phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh (SXKD) giỏi không chỉ khích lệ nông dân mạnh dạn thay đổi cách nghĩ, cách làm, mà còn giúp nông dân đoàn kết, giúp nhau thoát nghèo, vươn lên làm giàu.

Liên kết làm giàu

Trong những năm gần đây, trên địa bàn tỉnh xuất hiện nhiều mô hình sản xuất mới, phát triển theo hướng an toàn, bền vững và mang lại hiệu quả kinh tế cao. Điển hình là mô hình nuôi heo theo tiêu chuẩn VietGap của trang trại chăn nuôi Phong Thành, ở xã Hành Thuận (Nghĩa Hành), quy mô 3ha, tổng vốn đầu tư 15 tỷ đồng; trồng nấm ăn và nấm dược liệu của HTX Nấm Đức Nhuận (Mộ Đức), hay tổ hợp tác liên kết chăn nuôi bò của nông dân xã Hành Thuận... đã thu hút nhiều hộ dân tham gia.

 

Mô hình trồng nấm ăn và nấm dược liệu ở HTX Đức Nhuận đạt hiệu quả kinh tế cao.
Mô hình trồng nấm ăn và nấm dược liệu ở HTX Đức Nhuận đạt hiệu quả kinh tế cao.


Đơn cử như tổ hợp tác liên kết chăn nuôi bò của nông dân xã Hành Thuận, với sự tham gia của 30 hộ nông dân ở thôn Xuân An. Các thành viên trong tổ không chỉ hỗ trợ và giúp nhau về vốn, chia sẻ kinh nghiệm chăm sóc và phòng, chống dịch bệnh, mà còn liên kết với các đơn vị để bao tiêu sản phẩm... Vì vậy, đàn bò phát triển tốt, đầu ra ổn định, giúp nhiều hộ nông dân thoát nghèo, vươn lên làm giàu. Hay như nhiều nông dân ở xã Hành Minh (Nghĩa Hành), đã liên kết với nhau để phát triển mô hình vườn ao chuồng (VAC). Sự liên kết này không chỉ giúp các hộ sẻ chia kỹ thuật trồng, chăm sóc các loại cây, con trong trồng trọt và chăn nuôi, mà còn thuận lợi trong việc tiêu thụ sản phẩm.
 

Phong trào nông dân thi đua SXKD giỏi thực sự mang lại ý nghĩa chính trị, kinh tế, xã hội sâu sắc; là điều kiện thuận lợi để nông dân học tập, tiếp thu và ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất; là cơ hội để mối liên kết “4 nhà” thêm bền chặt, góp phần thúc đẩy phát triển sản xuất, cũng như nâng cao hiệu quả phong trào xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh.

Ông Ngô Hữu Chánh, một trong những hộ tiên phong thực hiện mô hình “liên kết nhóm” trong sản xuất cho biết: Muốn làm ăn có hiệu quả, bên cạnh sự nỗ lực học hỏi của bản thân, còn phải có sự liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, nhất là với các doanh nghiệp, tổ chức hội, đoàn thể ở địa phương. Qua đó, nông dân sẽ nắm bắt kịp thời thông tin giá cả, thị trường và các tiến bộ khoa học kỹ thuật, từ đó xác định hướng sản xuất phù hợp.

Điểm tựa cho nông dân

Để nâng cao hiệu quả của phong trào nông dân SXKD giỏi, bên cạnh việc hỗ trợ thành lập mới 93 hợp tác xã, tổ liên kết sản xuất và câu lạc bộ nông dân SXKD giỏi, Hội Nông dân tỉnh còn chủ động phối hợp với các tổ chức tín dụng hỗ trợ nông dân tiếp cận các nguồn vốn vay ưu đãi. Năm năm qua, cùng với sự “tiếp sức” của Quỹ Hỗ trợ nông dân, Ngân hàng NN&PTNT-Chi nhánh Quảng Ngãi cũng đã cho nông dân vay tín chấp với tổng nguồn vốn trên 1.300 tỷ đồng; Ngân hàng CSXH cho hội viên nông dân vay với tổng dư nợ gần 1.400 tỷ đồng... giúp nhiều nông dân có nguồn vốn đầu tư phát triển và mở rộng quy mô sản xuất.

Cùng với đó, các cấp hội còn triển khai xây dựng và chuyển giao hàng trăm mô hình sản xuất mới cho nông dân, như nuôi heo bằng thảo dược ở xã Hành Tín Tây (Nghĩa Hành); trồng nấm hữu cơ “5 không”; trồng rau an toàn ở xã Nghĩa Dũng (TP.Quảng Ngãi); sản xuất nông nghiệp sạch ở xã Hành Thịnh (Nghĩa Hành)... Những mô hình trên không chỉ nâng cao hiệu quả kinh tế và thu nhập cho nông dân, mà còn tác động tích cực trong chuyển dịch cơ cấu lao động nông nghiệp, lao động phổ thông.

Phong trào nông dân thi đua SXKD giỏi đã tạo động lực để nông dân thay đổi cách nghĩ, cách làm. Qua đó, thúc đẩy các cấp hội nông dân trong tỉnh đổi mới phương thức hoạt động, góp phần nâng cao vị trí và vai trò “bà đỡ” đối với nông dân.


Bài, ảnh: ĐỒNG XUÂN


 


.