Lập nghiệp và an cư

10:09, 06/09/2018
.

(Báo Quảng Ngãi)- Tuy địa hình cách trở, điều kiện sản xuất không thuận lợi, nhưng vùng miền núi Quảng Ngãi cũng có nhiều lợi thế để phát triển kinh tế- xã hội. Đó là, diện tích đất lâm nghiệp nhiều, thuận lợi cho việc phát triển rừng nguyên liệu, trồng cây gỗ lớn, phát triển chăn nuôi đại gia súc, gia cầm theo hướng trang trại, gia trại. Tuy nhiên, để khai thác có hiệu quả lợi thế này là “bài toán” không đơn giản.

TIN LIÊN QUAN

Nhận thấy được điều đó, tỉnh ta đã “đưa ra lời giải cho bài toán” này là xây dựng làng thanh niên lập nghiệp tại một số huyện miền núi. Bởi lẽ, thanh niên là lớp người có sức lao động, dễ tiếp cận với những giống cây trồng, vật nuôi mới, các tiến bộ kỹ thuật trong sản xuất, chăn nuôi, thì mới có thể khai thác có hiệu quả tiềm năng đất đai ở miền núi... Đây cũng là lý do để Làng Thanh niên lập nghiệp Ba Tơ và Sơn Bua (Sơn Tây) được thành lập.

Mục tiêu của dự án làng thanh niên lập nghiệp là tạo điều kiện thuận lợi để thanh niên các huyện miền núi phát huy vai trò xung kích trong phát triển kinh tế gia đình, vươn lên làm giàu trên mảnh đất quê hương, tạo ra nhiều mô hình giảm nghèo bền vững để người dân làm theo, qua đó góp sức trẻ vào việc phát triển kinh tế- xã hội, giữ vững an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội ở khu vực miền núi. Để đạt được mục tiêu đó, ngân sách nhà nước đã đầu tư hàng chục tỷ đồng để xây dựng cơ sở hạ tầng giao thông, thủy lợi, điện thắp sáng; khai hoang ruộng sản xuất lúa nước; chuyển giao các tiến bộ kỹ thuật trong sản xuất, chăn nuôi cho người dân...

Nhưng rồi, khi triển khai thực hiện thì Làng Thanh niên lập nghiệp Ba Tơ và Sơn Bua (Sơn Tây) chưa đạt được mục tiêu như đã từng kỳ vọng. Bởi lẽ, điều kiện để thanh niên lập nghiệp ở đây chưa đảm bảo, nên họ không thể “an cư” mãi trong vùng dự án. Như Làng Thanh niên lập nghiệp Ba Tơ, được Tỉnh đoàn bàn giao cho UBND huyện Ba Tơ quản lý năm 2008, dù có nhiều có gắng trong việc đầu tư cơ sở hạ tầng, nhưng cũng không thể giữ chân thanh niên ở lại “an cư”. Bởi vì, nhiều công trình phục vụ sản xuất, sinh hoạt, đi lại của người dân không được duy tu, bảo dưỡng, không đảm bảo các điều kiện tối thiểu để người dân sản xuất, sinh sống hằng ngày, nên nhiều thanh niên phải di dời đi nơi khác.

Với Làng Thanh niên lập nghiệp Sơn Bua (Sơn Tây), tuy mới triển khai sau này (2012), nhưng vẫn không rút kinh nghiệm trong quá trình xây dựng Làng Thanh niên lập nghiệp Ba Tơ. Vì thế mà đến nay dự án vẫn trong tình trạng tiến thoái lưỡng nan; cơ sở hạ tầng, đất sản xuất, công trình nước sinh hoạt, điện thắp sáng... chưa được đầu tư hoàn thiện, nên khi đi vận động thanh niên vào lập nghiệp rất khó, vì họ nhìn đâu cũng thiếu thốn, khó khăn hơn rất nhiều so với nơi ở cũ.


Vậy nên, trong trường hợp này chúng ta cần phải thay đổi cách nghĩ, không phải “an cư mới lập nghiệp”, mà là phải đủ các điều kiện cần thiết để “lập nghiệp” thì mới có thể “an cư”, đúng theo tên gọi là làng thanh niên lập nghiệp.

ĐỨC NGUYỄN
 

.