Vựa rau tìm hướng sản xuất an toàn

10:08, 07/08/2018
.

(Báo Quảng Ngãi)- Là thực phẩm ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe con người, nhưng quy trình sản xuất các loại rau, quả lại lạm dụng phân, thuốc hóa học đến mức báo động. Tuy nhiên, người trồng rau đã nhận thức được mức độ nguy hiểm nên đã từng bước thay đổi thói quen lạm dụng thuốc hóa học, để tìm hướng sản xuất rau an toàn.

Lão nông Đặng Văn Minh, ở thôn Bình Đông, xã Nghĩa Hà (TP.Quảng Ngãi) từng hơn 20 năm gắn bó với nghề trồng rau cho hay: Trước đây, tôi từng tham gia lớp tập huấn trồng rau VietGap. Sau đó, tôi về áp dụng các loại phân, thuốc đúng danh mục quy định và tuân thủ thời gian cách ly đến lúc thu hoạch.

 

Vựa rau xanh ở xã Nghĩa Hà (TP. Quảng Ngãi).
Vựa rau xanh ở xã Nghĩa Hà (TP. Quảng Ngãi).

 

Trong quá trình trồng, tôi còn sáng tạo các loại bẫy sâu bệnh để không làm ảnh hưởng đến cây rau. Theo kinh nghiệm của ông Minh, trồng rau an toàn, chi phí phân thuốc giảm hẳn. Dù tốn nhiều công chăm sóc, bù lại, rau an toàn được nhiều người tin tưởng, ưa chuộng.
 

“Nếu rau sạch bán theo giá thị trường thì người trồng rau an toàn thiệt, đầu ra của rau an toàn còn bấp bênh, lẫn lộn với các loại rau khác. Chưa kể, dù trồng theo quy trình nhưng thương lái thu mua, bảo quản không bảo đảm cũng ảnh hưởng đến chất lượng. Do đó, trong sản xuất rau an toàn cần xây dựng hệ thống chuỗi liên kết trong sản xuất, tiêu thụ. Sau khi thu hoạch, rau an toàn có điểm sơ chế, đóng gói bao bì và có nhãn mác chỉ dẫn nơi sản xuất”.


Lão nông ĐẶNG VĂN MINH, ở thôn Bình Đông, xã Nghĩa Hà (TP.Quảng Ngãi).

“Rau thường chỉ 15 ngày là cho thu hoạch, chưa kể có trường hợp còn sử dụng thuốc kích thích để rau nhanh lớn, dày lá, chỉ bốn ngày sau đã cắt bán. Thế nhưng, trồng rau mà chỉ nghĩ đến lợi ích kinh tế trước mắt, bỏ qua sức khỏe người khác thì không làm ăn lâu dài được. Cho nên, tôi mong muốn người trồng rau được tập huấn kiến thức về cách phân biệt các ký hiệu thuốc độc hại; các mô hình trồng rau an toàn được nhân rộng và giám sát kỹ”, ông Minh nói.

Chủ tịch UBND xã Nghĩa Hà Trần Thanh Trạng cho biết, toàn xã có 160ha trồng rau, với 70% hộ dân sống bằng nghề rau. Xác định rau an toàn không chỉ đáp ứng nhu cầu tiêu dùng, mà còn là hướng đi cần thiết góp phần gia tăng giá trị nông nghiệp ở địa phương, xã đã thành lập tổ hợp tác trồng rau an toàn, với 36 hộ tham gia, Nhà nước hỗ trợ 310 triệu đồng để tập huấn, hỗ trợ giống cho các thành viên.

Tại xã Tịnh Long (TP.Quảng Ngãi), trên địa bàn xã có 65ha trồng rau với bốn vụ rau chính, chưa kể các loại rau thu hoạch quay vòng. Ước tính mỗi ngày, vựa rau ở Tịnh Long cung cấp ra thị trường khoảng 14 tấn rau các loại. “Từ năm 2015, UBND xã thường xuyên phối hợp với các cơ quan liên quan tổ chức tập huấn về kỹ thuật trồng rau an toàn, cũng như tuyên truyền về mức độ độc hại từ việc sử dụng tràn lan các loại phân, thuốc hóa học”, Phó Chủ tịch UBND xã Tịnh Long Đỗ Văn Ba cho biết.

Xã Tịnh Long còn tổ chức hội nghị về sản xuất rau an toàn, triển khai các mô hình rau an toàn, đầu tư cơ sở hạ tầng trên vùng sản xuất rau an toàn... Hợp tác xã Nông nghiệp Tịnh Long đã thành lập tổ hợp tác trồng rau an toàn với 16 hộ tham gia, gắn với đề án “Mỗi xã một sản phẩm”.


Bài, ảnh: BẢO HÒA



 


.