Vỡ mộng "vàng trắng"

10:08, 21/08/2018
.

(Báo Quảng Ngãi)- Do thiên tai và giá mủ cao su liên tục giảm mạnh, khiến cho dự án trồng cây cao su ở Bình Sơn rơi vào “bế tắc”. Giờ đây, những vùng từng mệnh danh là “thủ phủ vàng trắng" đã dần được thay thế bằng cây keo, mì.

TIN LIÊN QUAN

Ôm nợ từ cây cao su

Cùng với cao su đại điền, ở Bình Sơn còn có nhiều nông dân vay vốn ngân hàng để trồng cao su tiểu điền từ năm 2001, nhưng đến nay, món nợ ấy vẫn không sao trả được và ngày càng “phình to”.

 Ông Nguyễn Thi đã phá bỏ cây cao su trên diện tích 2ha để trồng cây keo.
Ông Nguyễn Thi đã phá bỏ cây cao su trên diện tích 2ha để trồng cây keo.

 

Cách đây 18 năm, khi nghe có dự án trồng cây cao su, ông Nguyễn Liên, thôn Tây Phước, xã Bình Khương (Bình Sơn), hăng hái phá bỏ 1,7ha keo để chuyển sang trồng cao su. Do không có vốn, ông Liên đã vay của Agribank Bình Sơn gần 26 triệu đồng để mua giống, phân bón... Những tưởng chi phí bỏ ra sẽ được đền đáp khi cao su đến kỳ thu hoạch.

Thế nhưng, khi cây cao su bắt đầu cho mủ, thì cơn bão 2009 ập đến làm ngã đổ 60% số cây đã trồng. Chưa thu hoạch được gì, nên ông Liên cố gắng chăm sóc số cây còn lại với mong muốn có thể vớt vát được phần nào. Song, do giá mủ cao su liên tục giảm, nên số tiền thu được không đủ bù đắp chi phí đầu tư.

Với lãi suất 0,81%/tháng, cộng với thời gian vay quá lâu, nên từ số tiền vay gần 26 triệu đồng ban đầu, đến nay, món nợ ấy đã đội lên gần 80 triệu đồng cả gốc lẫn lãi, khiến khả năng trả nợ của ông Liên lại càng thêm khó. “Giờ thanh lý hết số cao su còn lại cũng chưa tới 20 triệu đồng. Rồi đây không biết lấy gì để trả hết nợ cho ngân hàng”, ông Liên lo lắng. Không riêng gì ông Liên, ở xã Bình Khương hiện còn có 12 hộ, xã Bình An có 4 hộ... cũng bị nợ tiền vay của ngân hàng, nhưng đến nay vẫn chưa trả được, với tổng số tiền hàng trăm triệu đồng.
 

“Thực hiện chỉ đạo của tỉnh, huyện, UBND xã Bình Khương đã xây dựng phương án trình HĐND vào cuối năm nay theo hướng đất của hộ nào giao lại cho hộ đó. Riêng đất của hợp tác xã thì sẽ giao lại cho hợp tác xã quản lý. Tuy nhiên, khi thực hiện dự án cao su đại điền, Công ty TNHH MTV Cao su Quảng Ngãi đã san ủi toàn bộ diện tích, khiến mốc giới phân chia đất giữa các hộ dân bị mất. Vì vậy, việc giao lại đất sẽ gặp khó khăn và dễ xảy ra tranh chấp đất giữa các hộ dân với nhau”.


Phó Chủ tịch UBND xã Bình Khương NGUYỄN ĐỨC SƠN

Quay về với cây trồng truyền thống

Cao su một thời được ví như “vàng trắng”, nên nhiều nông dân đã đồng ý nhường đất cho doanh nghiệp trồng cao su đại điền, đồng thời tham gia trồng cao su tiểu điền, với mong muốn đổi đời. Thế nhưng, giấc mơ có cuộc sống khấm khá hơn từ cây cao su không thành hiện thực. Không thể “đánh đu” mãi với cây cao su, người dân ở các xã Bình Khương, Bình Minh, Bình Nguyên, Bình An lần lượt chặt bỏ cao su, để trở về với cây keo, mì.

Ông Nguyễn Thi, thôn Thanh Trà, xã Bình Khương bày tỏ: “Nhận thấy cây cao su không mang lại hiệu quả, năm 2015, tôi đã phá số cao su còn lại trên diện tích 2ha để trồng keo. Chỉ một năm nữa là keo cho thu hoạch và dự kiến cũng kiếm được khoảng 150 triệu đồng, chứ để cây cao su có nước mang nợ”.

Còn tại xã Bình Minh, từ diện tích 350ha cao su tiểu điền ban đầu, đến nay còn khoảng 260ha, với 120 hộ canh tác, giảm 160ha và 50 hộ so với năm 2008. Tuy nhiên, theo chính quyền địa phương, nếu giá mủ cao su vẫn thấp như hiện nay thì số diện tích cây cao su sẽ tiếp tục bị thu hẹp.

Trước thực trạng trên, tháng 11.2017, UBND tỉnh đã có văn bản chỉ đạo, đối với diện tích 360ha ở 2 xã Bình Khương và Bình Nguyên mà Công ty TNHH MTV Cao su Quảng Ngãi không còn nhu cầu sử dụng thì tiến hành khai thác tận thu số cây cao su trên diện tích còn vướng mắc và giao đất lại cho chính quyền địa phương.


Bài, ảnh: HỒNG HOA


 


.