Tiếng thở dài bên lòng hồ Nước Trong (kỳ 1)

09:08, 29/08/2018
.

(Báo Quảng Ngãi)- Cách đây khoảng 10 năm, người dân nằm trong vùng dự án Hồ chứa nước Nước Trong (Tây Trà) trở nên "giàu có" vì được sở hữu hàng trăm triệu đồng từ tiền đền bù và hỗ trợ tái định cư. Còn nay, làng quê nơi núi rừng này không còn nhộn nhịp, tấp nập xe máy, ô tô ra vào. Cái nghèo, cái khó đã trở lại như xưa...

 

Kỳ 1:  Những phận đời sau dự án nghìn tỷ


Có tiền đền bù, người dân nơi đây chi tiêu thỏa sức, nào là mua xe máy, sắm vật dụng sinh hoạt   đắt tiền trong gia đình, thậm chí có gia đình còn mua cả xe ô tô hàng trăm triệu đồng... Để rồi nay, có không ít người trong số này phải đi làm thuê, cóp nhặt từng đồng để kiếm sống.



“Công tử”… đi làm thuê

Tháng 11.2010, anh Hồ Văn Bường, thôn Tây, xã Trà Thọ (Tây Trà) mua chiếc ô tô 7 chỗ đưa về quê khiến mọi người ngỡ ngàng và đặt cho anh cái tên "công tử". Vừa đưa xe về nhà trên con đường đầy bùn đất, anh Bường mượn tạm căn chòi của công nhân thi công tuyến đường chạy quanh lòng hồ để làm nơi “rửa xe”, với sự tham gia của nhiều người dân trong làng, kéo dài từ ngày này sang ngày khác, vì lần đầu tiên một người Cor ở đây “tậu được trâu sắt”.

 

Người dân xã Trà Xinh mưu sinh ở hồ Nước Trong.
Người dân xã Trà Xinh mưu sinh ở hồ Nước Trong.

Điều khiến nhiều người lấy làm tiếc là, gia đình anh Bường được đền bù và hỗ trợ tái định cư với số tiền 700 triệu đồng, nhưng anh Bường lại dành phần lớn số tiền đó mua xe ô tô chỉ để "làm oai" với thanh niên trong làng. Nhưng rồi, chiếc xe chỉ chạy được một thời gian, sau đó không có tiền đổ xăng, anh Bường bỏ luôn ngoài đường và bán lại với giá rẻ.
 

Bà Hồ Thị Diện, mẹ của anh Bường kể về cuộc sống của người con trai với giọng đượm buồn: Năm 2008, nó cưới vợ, cả nhà phải vay mượn khắp nơi để lo lễ cưới. Nhưng rồi nó không biết lo nghĩ làm ăn, khi nhận tiền đền bù nó quên chuyện nương rẫy, sắm ô tô đi chơi. Giờ đây, nó phải đi làm thuê để kiếm sống!

Chúng tôi trở lại Trà Thọ vào đầu tháng 8.2018, ngoại trừ đoạn đường từ Tỉnh lộ 622B về xã được thảm nhựa, một số công trình công cộng được xây dựng kiên cố, còn lại mọi thứ vẫn như 10 năm trước. Cái nghèo, cái khó đã trở lại như xưa. Trong căn nhà nhỏ bằng tre nứa nằm bên mép đường liên xã, trước mặt là rừng phòng hộ, phía sau là lòng hồ thủy điện, anh Hồ Văn Bường ngồi bó gối trước hiên nhà nhìn cơn mưa rừng trút xuống.

Căn nhà ẩm thấp, tạm bợ, nên ngồi trong nhà nhưng chẳng khác gì ngồi ngoài mưa. Chúng tôi nhắc chuyện cách đây khoảng 10 năm, anh Bường tỏ ra khó chịu và nói: Nhắc chi chuyện đó! Ở làng này đâu chỉ có gia đình tôi xài hết hàng trăm triệu đồng tiền đền bù đâu...

Cơn mưa rừng dai dẳng rồi cũng tạnh. Cuộc trò chuyện giữa Bường với chúng tôi cũng bớt căng thẳng hơn. Bởi lẽ, trong sâu thẳm đáy lòng, anh Bường cũng đã nhận ra sự phung phí của mình trong những lúc có tiền. Anh nhìn chúng tôi rồi kể với đôi mắt đỏ hoe: Nhà không còn đất rẫy nên giờ phải đi làm thuê để kiếm sống qua ngày. Hôm nào may mắn có người gọi đi làm thì kiếm được 200 nghìn đồng, đủ để đong gạo, mua mắm muối.

Ở xã Trà Thọ, những trường hợp như anh Bường không phải là ít. Chủ tịch UBND xã Trà Thọ Hồ Tấn Vũ thở dài: “Hiện gia đình anh Bường thuộc diện hộ nghèo của xã. Đúng là bi kịch, nhưng chúng tôi không biết phải làm gì với những trường hợp như vậy, bởi tiền của người dân, họ sử dụng như thế nào là quyền của họ. Mình chỉ dừng lại ở tuyên truyền, vận động, chứ không can thiệp sâu được”.

Ly hương

Nhìn cảnh làng quê, nhà cửa xơ xác, vắng lặng, đói nghèo đang bủa vây những hộ gia đình mà cách đây 10 năm họ được nhận hàng trăm triệu đồng khiến bao người chua xót. Đất sản xuất quá ít, nguồn thu không có, nên giờ đây nhiều người phải ly hương tìm kế sinh nhai.

 

Thanh niên rời làng tìm kế sinh nhai, nên ở các khu tái định cư chỉ còn lại phụ nữ, người già và trẻ con. Ảnh: Lê Đức
Thanh niên rời làng tìm kế sinh nhai, nên ở các khu tái định cư chỉ còn lại phụ nữ, người già và trẻ con. Ảnh: Lê Đức


Xã Trà Xinh và Trà Thọ như hai cánh cung bọc lấy lòng hồ Nước Trong. Chừng này 10 năm trước, nơi đây tấp nập người ra vào, còn giờ vắng lặng đến lạ thường. Những xóm làng heo hút giữa rừng chỉ còn lại người già và trẻ con. Trong căn nhà xây kiên cố, ông Hồ Văn Rỉ ở xóm 3, thôn Trà Veo (xã Trà Xinh) đang nhâm nhi ly rượu cuối ngày với sui gia. Cuộc hàn huyên của hai người đàn ông chỉ xoay quanh mỗi chuyện "chia cháu ra để cùng nhau nuôi", vì một mình gia đình ông Rỉ không kham nổi.

Ông Rỉ cho biết, nhà ông nhận tiền đền bù hơn 1 tỷ đồng. Ông dành một ít tiền để xây nhà, số còn lại ông chia cho 6 đứa con. “Có tiền, tụi nó mua xe máy đắt tiền, ăn tiêu hết. Giờ 3 đứa con gái đi làm ở dưới huyện Bình Sơn; 3 đứa con trai thì hai đứa đi lên Gia Lai hái cà phê, hồ tiêu, một đứa đi làm biển ở xã Bình Châu, huyện Bình Sơn. Từ Tết đến giờ chưa đứa nào về thăm nhà cả, chúng giao hết con cho vợ chồng tôi nuôi”, ông Rỉ nói.

Bà Hồ Thị Xi, vợ ông Rỉ vừa đưa võng ru hai đứa cháu nội ngủ và cho hai đứa còn lại ăn chiều, nghẹn ngào nói: Giá như ngày đó tụi nó biết giữ đồng tiền thì giờ đâu có khổ như vậy. Vợ chồng ông sui bên xã Trà Phong qua chơi cũng là tính chuyện dẫn một đứa về bên đó chăm sóc. Hai vợ chồng tôi giờ chăm 4 đứa cháu, gạo trong thùng cũng hết, ông nhà chỉ chài lưới kiếm sống qua ngày, nhưng mấy đứa trẻ thì cần có sữa, có cháo, có cơm...

Cách nhà ông Rỉ vài căn nhà là nhà ông Đinh Văn Hóa. Đây là nơi đám thanh niên trong làng tổ chức tiệc linh đình khi gia đình được nhận tiền đền bù hàng trăm triệu đồng. Ông Hóa vừa giữ cháu, vừa vá lại tấm lưới bị rách để chuẩn bị đi kiếm con cá, con tôm ngoài hồ Nước Trong để làm thức ăn nuôi cháu, bởi hai con trai và con dâu của ông đã lên Gia Lai làm thuê từ sau Tết. “Có riêng gì nhà tôi đâu. Cả xóm này giờ toàn là người già và trẻ con thôi. Thỉnh thoảng mới có vài đứa về thăm nhà, thăm con. Có đứa đi biền biệt cả năm chẳng chịu về. Tội mấy đứa nhỏ nhớ cha, nhớ mẹ khóc suốt”, ông Hóa than thở.

Chiều xuống, ánh hoàng hôn buông dài trên lòng hồ mênh mông sóng nước, tiếng trẻ con bật khóc vì nhớ cha, nhớ mẹ, tiếng ông bà ầu ơ dỗ dành con trẻ vang vọng giữa mênh mông núi rừng, khiến ai cũng xót xa.

Những người không nghèo

Ông Đinh Văn Hoa là một trong số ít người có cuộc sống khấm khá nhờ biết cách sử dụng số tiền Nhà nước đến bù, hỗ trợ tái định cư.
Ông Đinh Văn Hoa là một trong số ít người có cuộc sống khấm khá nhờ biết cách sử dụng số tiền Nhà nước đến bù, hỗ trợ tái định cư.


Cũng trên mảnh đất ấy, nhưng câu chuyện sử dụng đồng tiền đền bù như hai gam màu tối-sáng. Căn nhà xây kiên cố nằm cạnh Khu tái định cư Trà Veo của ông Đinh Văn Hoa  là minh chứng cho cách sử dụng tiền đền bù. Số tiền nhận được hơn 400 triệu đồng, ông Hoa mang đi gửi ngân hàng. Sau đó, ông lấy ít tiền về để xây nhà, rồi đi mua thêm đất làm rẫy. Số còn lại ông đầu tư mua xe ô tô chở hàng, mua rạp che đám cưới, dàn nhạc để tạo công ăn việc làm cho các con. Giờ đây, cuộc sống gia đình ông trở nên khấm khá.

Đối diện nhà ông Hoa là cơ ngơi của anh Đinh Văn Chói. Cũng như nhiều hộ gia đình nằm trong vùng dự án, khi nhận tiền đền bù, anh Chói cũng lao vào ăn chơi, chi tiêu phung phí, nhưng may cho anh là đã kịp nhận ra việc làm không đúng của mình. “Số tiền ít ỏi còn lại tôi đầu tư mua đất rẫy ở quê và ở huyện Sơn Hà để trồng keo. Nay tôi có gần 30ha keo, ở nhà còn buôn bán hàng hóa, nên cuộc sống giờ đỡ vất vả hơn nhiều, có tiền lo cho các con ăn học...”, anh Chói tâm sự.

 


Bài, ảnh: N.QUANG -N.VIÊN


--------
Kỳ 2: Chưa an cư, sao lạc nghiệp

 


.