Hoạt động khoa học - công nghệ ở cơ sở: Còn nhiều khó khăn

02:08, 27/08/2018
.

(Báo Quảng Ngãi)- Những năm qua, nhiều hộ gia đình, địa phương trong tỉnh đã ứng dụng khoa học - công nghệ (KH-CN) vào sản xuất và đã mang lại hiệu quả kinh tế. Tuy nhiên, hoạt động này ở các huyện còn gặp nhiều khó khăn, bất cập cần tháo gỡ.

TIN LIÊN QUAN

Những mô hình thiết thực

Nghĩa Hành là một trong những huyện quan tâm đầu tư cho lĩnh vực KH-CN và áp dụng vào sản xuất. Tận dụng ưu thế về thổ nhưỡng, khí hậu, huyện Nghĩa Hành đã đẩy mạnh tuyên truyền, chuyển giao các kỹ thuật mới trong việc trồng và chăm sóc cây ăn quả, nhằm thúc đẩy phát triển đa sản phẩm hàng hóa trong sản xuất nông nghiệp.

Nhờ ứng dụng các kỹ thuật mới trong trồng và chăm sóc, nên cây chôm chôm ở Nghĩa Hành cho năng suất và chất lượng cao.
Nhờ ứng dụng các kỹ thuật mới trong trồng và chăm sóc, nên cây chôm chôm ở Nghĩa Hành cho năng suất và chất lượng cao.


Trưởng Phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện Nghĩa Hành Cao Minh Hùng cho biết: Đến nay, nhiều đề tài KH-CN ở huyện đã được triển khai ứng dụng rộng rãi trong sản xuất. Một số cây trồng mới, như chôm chôm, sầu riêng, măng cụt, bưởi da xanh, chuối ngự… đã thích ứng với vùng đất trung du, được người dân triển khai sản xuất đại trà cho năng suất, chất lượng cao, được thị trường tiêu thụ mạnh. Hiện tại, huyện Nghĩa Hành đang xây dựng vùng chuyên canh sản xuất lúa giống gắn với chế biến, bảo quản và liên kết tiêu thụ sản phẩm tại xã Hành Phước giai đoạn 2016-2020.

Trên địa bàn huyện Mộ Đức cũng đang triển khai 3 dự án KH-CN trong sản xuất, nhằm góp phần cải thiện thu nhập cho người dân. Trong số đó, dự án ứng dụng các giải pháp kỹ thuật thực hiện tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp tại Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp Đức Vĩnh (Đức Phú) đã mở ra hướng sản xuất mới cho nông nghiệp địa phương, góp phần xây dựng nông thôn mới và phát triển kinh tế hợp tác kiểu mới.

Còn nhiều bất cập

Phòng Kinh tế - Hạ tầng là đơn vị cấp huyện được giao trực tiếp quản lý về KH-CN tại các huyện, thành phố trong tỉnh. Tuy nhiên, nhân sự ở các đơn vị này đều phải kiêm nhiệm nhiều việc, nên công tác thống kê, quản lý, triển khai các đề tài/dự án KH-CN gặp rất nhiều khó khăn. Phó Trưởng Phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện Mộ Đức Nguyễn Văn Toan chia sẻ: "Nguồn nhân lực quản lý vừa thiếu về số lượng và chưa đáp ứng chuyên môn. Do đó, công tác tuyên truyền về ứng dụng KH-CN vào phát triển kinh tế - xã hội chưa được thường xuyên".

Trưởng Phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện Nghĩa Hành Cao Minh Hùng cho biết thêm, do cán bộ phải kiêm nhiệm nhiều việc nên phòng chỉ đảm nhận và triển khai các nhiệm vụ cơ bản của KH-CN cấp huyện. Việc khảo sát nhu cầu của người dân và địa phương để phối hợp với các đơn vị nghiên cứu, các chuyên gia đề xuất các đề tài, dự án KH-CN có tính cấp thiết vẫn chưa làm được. Hơn nữa, nông dân chưa thật sự mạnh dạn áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Thông tin tuyên truyền về KH-CN đến với người dân chưa được chú trọng đúng mức.

Ngoài ra, các địa phương cũng đang gặp nhiều khó khăn về nguồn kinh phí, nên việc triển khai ứng dụng KH-CN vào trong sản xuất, kinh doanh đối với một số chương trình, dự án chưa đồng bộ, hiệu quả chưa cao.
          

Bài, ảnh: TRUNG ÂN

 


.