Đóng tàu theo Nghị định 17: Chỉ tiêu cao, ngư dân tham gia ít

08:08, 09/08/2018
.

(Báo Quảng Ngãi)- Đến thời điểm này, toàn tỉnh chỉ có 2 hồ sơ xin đóng mới tàu theo Nghị định (NĐ) 17. Con số này quá ít so với 125 chỉ tiêu của toàn tỉnh.

TIN LIÊN QUAN


Một trong những nội dung mà ngư dân quan tâm nhất trong NĐ 17 là, chính sách hỗ trợ một lần sau đầu tư, với mức 35% tổng chi phí đóng mới tàu cá. Mức hỗ trợ này được đánh giá là “hấp dẫn và linh hoạt” hơn NĐ 67, nhưng ngư dân lại ngại tham gia. Lý do là nhiều ngư dân trên địa bàn tỉnh tỏ ra lo lắng sẽ rơi vào cảnh “tàu to, nợ lớn”, nếu chính sách không được thực thi kịp thời. Chính vì vậy, thay vì tham gia NĐ 17, nhiều ngư dân đóng mới tàu cá theo phương thức “sức đến đâu, đóng tàu đến đó”.

 

Thực thi chính sách chậm là lý do khiến ngư dân ngại đóng tàu theo NĐ17.
Thực thi chính sách chậm là lý do khiến ngư dân ngại đóng tàu theo NĐ17.


Ngư dân băn khoăn là bởi trước NĐ 17, NĐ 47 cũng có chính sách hỗ trợ một lần sau đầu tư với mức từ 15-35% (tùy loại vật liệu) tổng giá trị đầu tư đóng mới tàu cá, có tổng công suất máy chính từ 800 - 1.000CV. Trên địa bàn tỉnh cũng có 2 ngư dân được thụ hưởng chính sách theo NĐ 47, nhưng đã gần 1 năm trôi qua, họ vẫn chưa nhận được số tiền hỗ trợ.

Ngư dân Dương Văn Rin, xã Bình Châu cho biết: Theo NĐ 47, chiếc tàu vỏ composite của tôi được hỗ trợ sau đầu tư với mức 35% tổng chi phí đóng mới. Chính vì vậy, sau khi hạ thủy chiếc tàu, tôi đã hoàn chỉnh hồ sơ và được UBND tỉnh xác nhận, đề nghị các bộ, ngành hỗ trợ 4,5 tỷ đồng. Nhưng không hiểu vì sao mà 8 tháng qua, tôi vẫn chưa nhận được tiền hỗ trợ.

“Đây chính là nguyên nhân khiến ngư dân không mặn đăng ký đóng mới tàu cá theo NĐ 17. Mặc dù Chi cục Thủy sản đã tổ chức tuyên truyền và phổ biến NĐ này, nhưng ngư dân có tâm lý “đợi” kết quả thực hiện cơ chế hỗ trợ theo NĐ 47, trước khi quyết định tham gia đóng mới tàu theo NĐ 17”, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Lê Văn Sơn cho biết.

Trong khi ngư dân băn khoăn với chính sách mới, thì ngân hàng cũng thận trọng với việc cho vay đóng mới tàu cá theo NĐ 17. Đơn cử như Agribank Quảng Ngãi, mặc dù đã cho vay đóng mới 11 tàu cá theo NĐ 67, với tổng số tiền 128 tỷ đồng, nhưng hiện tại ngân hàng này vẫn chưa triển khai cho vay theo NĐ 17. Nguyên nhân là Agribank Quảng Ngãi lo lắng không thể kiểm soát được nguồn vốn, dù chủ tàu có mở tài khoản tại ngân hàng.

Bên cạnh đó, thời gian qua, sau khi đóng tàu và đưa vào khai thác, nhiều tàu 67 phát sinh nợ xấu, ảnh hưởng đến hiệu quả hoạt động của ngân hàng. Chính vì vậy, việc thẩm định các điều kiện vay vốn đóng mới tàu, nhất là tàu vỏ thép và composite theo NĐ 17 được ngân hàng triển khai thận trọng. “Ngoài ra, nếu cho vay theo lãi suất thỏa thuận, ngư dân phải chịu lãi suất rất cao (khoảng 10,5%/năm - dài hạn), chứ không phải 7%/năm như NĐ 67. Hơn nữa, NĐ 17 hỗ trợ sau đầu tư, nên nếu ngư dân không đủ nguồn lực sẽ rất khó thực hiện”, Phó Giám đốc Agribank Quảng Ngãi Nguyễn Thiên Phiến cho biết.

 

Rà soát, đánh giá hiệu quả của chính sách

Để rà soát, đánh giá lại hiệu quả hoạt động, vướng mắc của "tàu 67", cũng như có cơ sở để tiếp tục phê duyệt triển khai NĐ 17, UBND tỉnh đã thành lập đoàn công tác liên ngành có sự tham gia của các ngân hàng cho vay đóng mới tàu theo NĐ 67. Đồng thời, chỉ đạo các ngành, địa phương tăng cường tuyên truyền, phổ biến các chính sách mới của NĐ 17, để ngư dân biết, hiểu được chủ trương lớn của Chính phủ.

 


Bài, ảnh: M.HOA-H.HOA



 


.