Dồn đất, đợi sổ

09:08, 06/08/2018
.

(Báo Quảng Ngãi)- Dồn điền đổi thửa (DĐĐT), nhằm khắc phục tình trạng manh mún về đất nông nghiệp. Tuy nhiên, sau khi DĐĐT, các địa phương lại gặp rất nhiều khó khăn trong thực hiện cấp đổi, cấp mới giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ).

TIN LIÊN QUAN


Sau khi DĐĐT trên 470ha đất sản xuất lúa, người dân xã Phổ Thuận (Đức Phổ) phấn khởi vì hiệu quả sản xuất tăng. Thế nhưng, đã nhiều năm qua, diện tích sau DĐĐT vẫn chưa được cấp đổi, cấp mới GCNQSDĐ, khiến bà con lo lắng.

Bà Nguyễn Thị Tâm, thôn An Định, xã Phổ Thuận bày tỏ: Sau khi DĐĐT, người dân phải bốc thăm để nhận đất, diện tích thửa ruộng ban đầu không nằm trên nền vị trí đất cũ. Tuy nhiên, đã hơn 1 năm, chính quyền vẫn chưa cấp mới GCNQSDĐ, gia đình rất lo lắng. “GCNQSDĐ cũ không đảm bảo tính pháp lý, vì mọi thông tin về thửa đất đều đã thay đổi. Vì vậy, lỡ xảy ra chuyện gì, chúng tôi đâu có cơ sở để khẳng định quyền sở hữu của mình trên thửa ruộng đó”, bà Tâm cho biết.

Dồn điền đổi thửa nhưng chậm cấp mới, cấp đổi GCNQSDĐ khiến người dân bất an, ảnh hưởng đến phong trào DĐĐT của các địa phương. Ảnh: PV
Dồn điền đổi thửa nhưng chậm cấp mới, cấp đổi GCNQSDĐ khiến người dân bất an, ảnh hưởng đến phong trào DĐĐT của các địa phương. Ảnh: PV


Không chỉ xã Phổ Thuận, mà huyện Đức Phổ hiện có hơn 1.100ha đất nông nghiệp đã DĐĐT nhưng vẫn chưa được cấp mới, cấp đổi GCNQSDĐ. Theo UBND huyện Đức Phổ, sau DĐĐT thì vị trí, diện tích đất, số thửa, tờ bản đồ... bị biến động, nhưng công tác đo đạc, chỉnh lý biến động và cấp mới, cấp đổi GCNQSDĐ chưa được các đơn vị liên quan phối hợp thực hiện.
 

Theo Điều 5, Quyết định 50 của UBND tỉnh về việc Ban hành quy định chính sách hỗ trợ khuyến khích thực hiện chủ trương “dồn điền đổi thửa” đất sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi, giai đoạn 2016-2020, Sở TN&MT chủ trì, phối hợp với UBND các huyện, thành phố hướng dẫn, triển khai thực hiện việc trích đo địa chính thửa đất, khu đất, chỉnh lý biến động hồ sơ địa chính theo hướng đơn giản, phù hợp với tình hình thực tế từng địa phương và các quy định có liên quan để đáp ứng kịp thời tiến độ cấp đổi, cấp mới GCNQSDĐ cho hộ gia đình, cá nhân sau khi các địa phương đã thực hiện xong DĐĐT.  

Còn tại huyện Nghĩa Hành, hàng nghìn hécta đất nông nghiệp sau khi DĐĐT cũng chưa được cấp mới, cấp đổi GCNQSDĐ. Tuy nhiên, Phó Chủ tịch UBND huyện Nghĩa Hành Đàm Bàng, cho rằng: “Trách nhiệm này thuộc về chính quyền cơ sở. Bởi, sau khi DĐĐT, cán bộ địa chính các xã phải tiến hành đo đạc, lập hồ sơ chỉnh lý biến động, để trình UBND huyện xem xét.

Tuy nhiên, đến thời điểm này, hầu hết các xã chưa thực hiện công việc trên, nên huyện cũng không biết địa phương gặp khó khăn, vướng mắc như thế nào, thì làm sao giải quyết?”. Trong khi đó, chính quyền các địa phương trên địa bàn huyện lại cho rằng: Công tác đo đạc, chỉnh lý biến động và lập hồ sơ cấp mới, cấp đổi GCNQSDĐ sau DĐĐT tốn khá nhiều chi phí, nên phải... đợi ngân sách hỗ trợ!

Thực tế, công tác đo đạc, chỉnh lý biến động và thực hiện các thủ tục cấp mới, cấp đổi GCNQSDĐ sau khi DĐĐT phải có sự phối hợp thực hiện giữa chính quyền cơ sở và ngành TN&MT cấp huyện, tỉnh. Bởi, phương án quy hoạch hiện trạng khu đất sau DĐĐT cũng phải được Sở TN&MT phê duyệt, sau đó chính quyền địa phương mới tiến hành thực hiện các thủ tục lập hồ sơ, thủ tục đề nghị ngành chức năng cấp đổi, cấp mới GCNQSDĐ cho người dân.

Dồn điền đổi thửa mang lại hiệu quả trong sản xuất, nhưng người dân một số địa phương vẫn lo vì chưa được cấp đổi, cấp mới GCNQSDĐ.                                  Ảnh: M.H
Dồn điền đổi thửa mang lại hiệu quả trong sản xuất, nhưng người dân một số địa phương vẫn lo vì chưa được cấp đổi, cấp mới GCNQSDĐ. Ảnh: M.H

Hơn nữa, theo Quyết định 50 của UBND tỉnh, kinh phí thực hiện công tác đo đạc, chỉnh lý biến động hồ sơ địa chính và cấp đổi, cấp mới GCNQSDĐ sau khi DĐĐT do ngân sách tỉnh hỗ trợ, nhưng vì chậm phân bổ, ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện. “Địa phương đã nhiều lần kiến nghị các ngành chức năng xem xét giải quyết những khó khăn, vướng mắc; đồng thời hướng dẫn, hỗ trợ việc thực hiện quy trình thủ tục cấp mới, cấp đổi GCNQSDĐ, nhưng đến thời điểm này vẫn chưa có câu trả lời, khiến người dân bất an, còn chính quyền thì lo lắng”, Chủ tịch UBND xã Phổ Thuận Trương Quang Thống cho biết.   

 

Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Trần Ngọc Thương: “Trách nhiệm chính thuộc về UBND các huyện, thành phố”

Quyết định 50 của UBND tỉnh đã ghi rõ, sau khi DĐĐT, UBND các huyện, thành phố phải chỉ đạo Phòng TN&MT huyện phối hợp với các đơn vị liên quan tiến hành thực hiện công tác đo đạc, lập bản đồ địa chính mới... cũng như thực hiện các thủ tục cấp mới, cấp đổi GCNQSDĐ cho người dân. Sở NN&PTNT có trách nhiệm tổng hợp kế hoạch và kinh phí, cũng như theo dõi kết quả thực hiện DĐĐT của các địa phương. Về việc phân bổ kinh phí hỗ trợ chậm, lỗi cũng do UBND các huyện, thành phố. Bởi, theo quy định của UBND tỉnh, hằng năm, các huyện, thành phố phải lập kế hoạch và kinh phí DĐĐT gửi Sở NN&PTNT tổng hợp trước ngày 31.7, để Sở Tài chính trình UBND tỉnh phê duyệt. Mặc dù Sở NN&PTNT đã đôn đốc, nhưng năm 2017, chưa có địa phương nào gửi kế hoạch đúng hạn.  

Chủ tịch UBND huyện Đức Phổ Trần Em: “Không thể “khoán trắng” cho chính quyền cơ sở”

Sau DĐĐT, hiện trạng khu đất bị biến động, chính quyền các địa phương không có cơ sở để lập hồ sơ, thủ tục đề nghị cấp mới, cấp đổi GCNQSDĐ. Trong khi đó, Sở TN&MT cũng chưa hướng dẫn công tác đo đạc, chỉnh lý biến động; phê duyệt quy hoạch đất mới cũng như trình tự thực hiện các thủ tục cấp mới, cấp đổi GCNQSDĐ. Chính vì vậy, sắp tới, UBND huyện sẽ làm việc với Sở TN&MT, Sở NN&PTNT để sớm tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc này.

Trưởng Phòng NN&PTNT huyện Tư Nghĩa Trần Thiên Thanh: “Chính quyền cơ sở phải chủ động phối hợp với các ngành, đơn vị liên quan”

Trong phương án tổng thể thực hiện DĐĐT, UBND các xã phải xây dựng cụ thể giải pháp xử lý hồ sơ và cấp đổi, cấp mới GCNQSDĐ. Theo đó, UBND các xã có trách nhiệm phối hợp với các đơn vị tư vấn thực hiện công tác đo đạc và chỉnh lý biến động để lập hồ sơ, trình UBND huyện và các ngành chức năng xem xét phê duyệt. Trên cơ sở đó sẽ tiến hành thực hiện các thủ tục đề nghị cấp mới, cấp đổi GCNQSDĐ sau DĐĐT. Hơn nữa, Quyết định 50 của UBND tỉnh cũng quy định rõ, diện tích sau khi DĐĐT được người dân sản xuất ổn định, không có sự tranh chấp, UBND xã có trách nhiệm báo cáo với Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất - Chi nhánh huyện, thành phố lập bản trích đo địa chính thửa đất, khu đất theo từng khu vực, chỉnh lý hồ sơ địa chính. Chính vì vậy, phải sau một năm DĐĐT, công tác cấp mới, cấp đổi GCNQSDĐ mới được thực hiện.

Phó Giám đốc Văn phòng đăng ký đất đai - Sở TN&MT Phạm Đình Phong: “Chính quyền địa phương cần linh động thực hiện theo tình hình thực tế”

Theo Luật Đất đai, hộ gia đình, cá nhân sử dụng đất nông nghiệp tự thỏa thuận với nhau bằng văn bản về việc chuyển đổi quyền sử dụng đất. Nhưng thực tế, hầu hết các địa phương đều không thực hiện theo trình tự này khi thực hiện DĐĐT, mà thường tổ chức họp dân, lấy ý kiến thống nhất rồi mới bốc thăm chia lại thửa đất cho từng hộ, chứ người dân không có văn bản thỏa thuận với nhau về việc chuyển đổi quyền sử dụng đất. Chính vì vậy, các địa phương không có cơ sở pháp lý để thực hiện việc cấp đổi, cấp mới GCNQSDĐ sau DĐĐT. Tuy nhiên, sau khi UBND tỉnh ban hành Quyết định 50, thì từ năm 2017 đến nay, Sở TN&MT tiến hành hướng dẫn Phòng TN&MT các huyện, thành phố tùy theo tình hình thực tế mà linh hoạt trong xử lý, đơn giản hóa các thủ tục để nhanh chóng cấp mới, cấp đổi GCNQSDĐ cho người dân. Sau khi các địa phương hoàn thành xong các thủ tục, trình lên Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất - Chi nhánh huyện, thành phố thì tối đa 50 ngày sau, người dân sẽ nhận được GCNQSDĐ. Vì vậy, để đẩy nhanh tiến độ thực hiện, đảm bảo quyền lợi của người dân, các địa phương cần linh hoạt thực hiện theo hướng dẫn của Sở TN&MT và theo Quyết định 50 của UBND tỉnh.

 

MỸ HOA-Ý THU (thực hiện)  



 


.