Khởi nghiệp từ thế mạnh của địa phương

09:06, 21/06/2018
.

(Báo Quảng Ngãi)- Hiện nay, phần lớn thanh niên nông thôn đều đi làm ăn xa, khiến nhiều địa phương thiếu hụt nguồn nhân lực trẻ đóng góp xây dựng quê hương. Vì thế, cần tìm hướng phát triển kinh tế cho thanh niên nông thôn để lập nghiệp trên chính quê nhà.

Khởi nghiệp từ cây lúa, con cá

Sau một thời gian tìm hiểu, bàn bạc, BCH Xã đoàn Đức Lân (Mộ Đức) đã mạnh dạn triển khai mô hình trồng lúa kết hợp nuôi cá nước ngọt. Vụ đầu tiên thực hiện trên diện tích gần 1ha, với số lượng khoảng 5.000 con cá. Hướng đi mới này đã thu hút các đoàn viên, thanh niên (ĐVTN) trên địa bàn xã tham gia góp vốn 7 triệu đồng/người. Tất cả các công đoạn từ gieo sạ, thả nuôi đều do ĐVTN thực hiện. Đến nay, mô hình đã thả nuôi luân phiên hai đợt cá diêu hồng, cá chép, cá trê, cá lăng.

Mô hình trồng lúa kết hợp nuôi cá nước ngọt của đoàn viên thanh niên xã Đức Lân (Mộ Đức).
Mô hình trồng lúa kết hợp nuôi cá nước ngọt của đoàn viên thanh niên xã Đức Lân (Mộ Đức).


Anh Nguyễn Thắm (1990), ở thôn Thạch Trụ Đông, xã Đức Lân chia sẻ: “Gia đình mình làm nghề nông là chính. Từ nhỏ mình đã quen với đồng ruộng, cho nên mình nghĩ khởi nghiệp không ở đâu xa, mà từ chính mảnh đất quê hương nơi mình sinh ra và lớn lên. Ngoài kinh nghiệm của bản thân, mình còn học hỏi trên mạng, rồi được cán bộ khuyến nông hướng dẫn. Hy vọng những cây trồng, vật nuôi gần gũi với thanh niên ở nông thôn như cây lúa và con cá sẽ góp phần tạo việc làm, phát triển kinh tế cho ĐVTN”.

 “Lâu nay, nhiều ĐVTN địa phương cứ trăn trở tìm hướng phát triển kinh tế hiệu quả. Vì thế, sau khi khảo sát, tìm địa điểm thuê đất nằm sát tuyến đường bê tông, có nguồn nước từ kênh chính Thạch Nham thuận lợi cho việc tưới tiêu, nuôi trồng, Xã đoàn đã chọn mô hình trồng lúa kết hợp nuôi cá để làm thử nghiệm. Mô hình trồng lúa kết hợp với nuôi cá nước ngọt giúp tăng hiệu quả kinh tế, trong khi lại giảm chi phí phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, vì cá ăn các loại sâu, ốc. Ngoài ra, còn tận dụng bờ ao xung quanh để trồng rau”, Phó Bí thư Xã đoàn Đức Lân Nguyễn Thái Trọng cho biết.

Hỗ trợ cho đoàn viên, thanh niên nông thôn

Ngoài sự nỗ lực, chịu khó của ĐVTN nông thôn trong việc tìm hướng khởi nghiệp, phát triển kinh tế, thanh niên nông thôn hiện gặp nhiều khó khăn về nguồn vốn đầu tư, nhất là đầu ra cho sản phẩm. Với định hướng khởi nghiệp gắn với điều kiện thực tế, tận dụng diện tích đất ở địa phương, thời gian qua, Huyện đoàn Mộ Đức đã tổ chức nhiều hoạt động giúp thanh niên nông thôn khởi nghiệp. Cùng với việc tổ chức lớp tập huấn khởi nghiệp cho 150 ĐVTN, Huyện đoàn đã kết hợp với các cơ quan tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật cho thanh niên, phối hợp với ngân hàng chính sách triển khai cho thanh niên vay vốn làm ăn, tổ chức tham quan học hỏi thực tế tại một số địa phương...

Nhiều thanh niên dám nghĩ, dám làm, quyết tâm làm giàu trên chính quê hương đã thực hiện nhiều mô hình như: ĐVTN thị trấn Mộ Đức trồng cây ăn trái kết hợp nuôi cá, hướng đến xây dựng khu du lịch sinh thái; Xã đoàn Đức Chánh với mô hình trồng rau đã mang lại thu nhập và tạo việc làm cho thanh niên địa phương. “Lực lượng trẻ của huyện Mộ Đức hiện nay chủ yếu là ĐVTN ở nông thôn. Ý tưởng thì nhiều, nhưng quá trình thực hiện cũng gặp không ít khó khăn. Do đó, để khởi nghiệp thành công, các bạn đều bắt đầu gầy dựng từ chính ngành nghề sẵn có và phát huy thế mạnh của quê hương mình”, Phó Bí thư Huyện đoàn Mộ Đức Đỗ Thị Hạ Huyên cho biết.


Bài, ảnh: BẢO HÒA



 


.