Sử dụng hiệu quả nguồn vốn giảm nghèo

07:05, 13/05/2018
.

(Báo Quảng Ngãi)- Những năm qua, nhờ nguồn vốn chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo đầu tư đã làm thay đổi diện mạo huyện vùng cao Sơn Tây. Tuy nhiên, cần tăng cường giám sát trong quá trình thực hiện các dự án đầu tư để nâng cao hơn nữa hiệu quả chương trình.

Điểm sáng Sơn Long

Sơn Long là một trong những xã mới thành lập của huyện Sơn Tây, điều kiện phát triển kinh tế - xã hội còn nhiều khó khăn. Thời gian qua, từ nguồn vốn chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo như 30a, 135, dự án giảm nghèo khu vực Tây Nguyên... địa phương đã lựa chọn những hộ dân có quyết tâm làm ăn để hỗ trợ vốn đầu tư phát triển các mô hình kinh tế.

 

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Trường Thọ kiểm tra mô hình nuôi dê tại xã Sơn Long.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Trường Thọ kiểm tra mô hình nuôi dê tại xã Sơn Long.

Từ nguồn vốn hỗ trợ ban đầu, cộng với sự giám sát chặt chẽ và "cầm tay chỉ việc" của cán bộ khuyến nông, nhiều hộ dân đã phát triển kinh tế gia đình, vươn lên thoát nghèo. Đơn cử như trường hợp của hộ ông Đinh Văn Khôn, ở thôn Ra Pân, xã Sơn Long. Từ nguồn hỗ trợ ban đầu là một con trâu, đến nay đàn trâu nhà ông đã tăng lên 13 con, trị giá cả trăm triệu đồng. Ông Khôn cho biết, sau khi nhận trâu về nuôi, thấy trâu ngày một phát triển, ông mạnh dạn mua thêm 2 con trâu về nuôi.

Năm 2017, huyện Sơn Tây được đầu tư hơn 44 tỷ đồng từ các nguồn vốn như 30a, 135 và Dự án giảm nghèo khu vực Tây Nguyên. Trong đó, Chương trình 30a hơn 16 tỷ đồng, huyện đã đầu tư 9 công trình giao thông, thủy lợi, trường học. Đối với nguồn vốn từ Chương trình 135, huyện triển khai các mô hình trồng trọt, chăn nuôi, hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế... Riêng năm 2018, Chương trình 30a phân bổ cho địa phương hơn 16,4 tỷ đồng để thực hiện đầu tư cơ sở hạ tầng...
Còn gia đình ông Đinh Văn Ná, từ khi được Nhà nước hỗ trợ một con trâu giống và được cho vay tiền để phát triển kinh tế, ông đã mua thêm nhiều trâu, đất rẫy. Đến nay, ngoài đàn trâu 9 con, ông Ná còn sở hữu hơn 5ha keo, thu nhập bình quân mỗi năm hơn 70 triệu đồng.

Chủ tịch UBND xã Sơn Long Đỗ Thanh Vượt cho biết, hầu hết các hộ dân được hỗ trợ rất quyết tâm trong sản xuất, nên chỉ sau thời gian ngắn, họ đã vươn lên khá giả, gia đình có của ăn, của để. “Các hộ dân này đã trở thành tấm gương để nhiều người dân trong xã học tập. Xã còn giao cho một hộ dân thực hiện mô hình thí điểm trồng khoảng 400 gốc tiêu và đang phát triển rất tốt. Nguồn lực hỗ trợ từ các chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo đã và đang mang lại hiệu quả rất tích cực cho địa phương”, ông Vượt nói.

Giám sát để nâng cao hiệu quả

Không chỉ Sơn Long mà rất nhiều hộ dân trên địa bàn huyện Sơn Tây, sau khi được hỗ trợ vốn đã biết tính toán làm ăn, vươn lên trong cuộc sống. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều trường hợp sau khi được hỗ trợ thì bán trâu, bò hoặc cây con giống lấy tiền tiêu xài, dẫn đến không phát triển được kinh tế gia đình. Nguyên nhân, do các hộ dân có tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào hỗ trợ của Nhà nước, nhưng đồng thời cũng do quá trình giám sát của các địa phương, cơ quan chuyên môn thiếu chặt chẽ.

Theo Chủ tịch UBND huyện Sơn Tây Lê Văn Tùng, nguồn vốn từ các chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo cấp cho huyện là động lực rất lớn để địa phương mạnh dạn triển khai đầu tư cơ sở hạ tầng, các mô hình phát triển kinh tế, góp phần trong phát triển kinh tế - xã hội và thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện đề ra trong nhiệm kỳ 2015-2020.

Việc triển khai thực hiện các dự án, chương trình, chính sách giảm nghèo đã giúp nhiều hộ dân hiểu, nắm bắt được mục đích hỗ trợ và mạnh dạn góp vốn để mua thêm con giống, cây trồng về làm ăn. Tuy nhiên, vẫn còn những tồn tại, hạn chế nhất định mà nguyên nhân là do đa phần người dân có trình độ thấp, nên cán bộ kỹ thuật phải cầm tay chỉ việc nhiều lần; cùng với đó là điều kiện thời tiết bất lợi, dẫn đến một số mô hình thất bại.

Bài, ảnh: LÊ ĐỨC


 

.