Hỗ trợ lãi suất cho đầu tư vào nông nghiệp: Tạo động lực cho doanh nghiệp phát triển

02:05, 20/05/2018
.

(Báo Quảng Ngãi)- Nhằm tạo điều kiện về cơ chế, chính sách khuyến khích các doanh nghiệp (DN) có dự án đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 57 (NĐ), trong đó có việc hỗ trợ lãi suất vay thương mại.

Theo NĐ 57, ngân sách địa phương sẽ hỗ trợ lãi suất vay thương mại sau khi dự án hoàn thành. Mức hỗ trợ bằng chênh lệch lãi suất vay thương mại so với lãi suất tín dụng nhà nước ưu đãi đầu tư tính trên số dư nợ thực tế tại thời điểm xem xét hồ sơ hỗ trợ.

Nhiều ưu đãi  

Thời gian qua, Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách ưu đãi dành cho các DN đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn. Tuy nhiên, NĐ 57 (thay thế NĐ 210, có hiệu lực từ ngày 17.4.2018) được xem là chính sách có nhiều ưu điểm. Thời gian hỗ trợ lãi suất tính từ ngày bắt đầu giải ngân theo hợp đồng tín dụng với ngân hàng thương mại (từ 5- 8 năm tùy theo mỗi dự án). Đối với dự án của DN nông nghiệp vừa và nhỏ mới thành lập, thời gian hỗ trợ lãi suất là 8 năm; dự án mà DN tham gia liên kết chuỗi giá trị thì được áp dụng hỗ trợ lãi suất theo chu kỳ sản xuất của sản phẩm.

Doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp đang cần nguồn vốn lớn để đầu tư. Trong ảnh:  Sản xuất rau sạch tại Công ty Nông nghiệp công nghệ cao Qnasafe.
Doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp đang cần nguồn vốn lớn để đầu tư. Trong ảnh: Sản xuất rau sạch tại Công ty Nông nghiệp công nghệ cao Qnasafe.


Bên cạnh đó, Nhà nước cũng hỗ trợ 80% kinh phí thực hiện, nhưng không quá 300 triệu đồng/đề tài/bản quyền/công nghệ đối với các DN thực hiện đề tài nghiên cứu khoa học, mua bản quyền công nghệ, mua công nghệ hoặc mua kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ để tạo ra sản phẩm mới...

Với DN có dự án đầu tư cơ sở chăn nuôi bò sữa, bò thịt được ngân sách nhà nước hỗ trợ 5 tỷ đồng/dự án để xây dựng cơ sở hạ tầng về xử lý chất thải, giao thông, điện, nước, nhà xưởng và mua thiết bị. Hạn mức vay vốn được hỗ trợ lãi suất, quy định tối đa không quá 70% tổng mức đầu tư của dự án. Chính sách và phương thức hỗ trợ cụ thể do HĐND cấp tỉnh ban hành, phù hợp với điều kiện của địa phương.

Một ưu điểm nổi bật của NĐ 57 nữa là, các công trình xây dựng trên đất, bao gồm cả nhà lưới, nhà kính, nhà màng và công trình thủy lợi của DN đầu tư được tính là tài sản để thế chấp vay vốn tại các ngân hàng thương mại.

Sớm tổ chức thực thi

Quảng Ngãi là địa phương có tiềm năng về phát triển nông nghiệp. Điều này thể hiện qua nhiều dự án đã đầu tư và đang xin chủ trương đầu tư của các DN trong và ngoài tỉnh. Tuy nhiên, theo phản ánh của các DN, đến thời điểm này, hầu như chưa có DN nông nghiệp nào vay được vốn ưu đãi theo NĐ 57. Trường hợp muốn vay được vốn của ngân hàng theo chính sách ưu đãi thì phải chấp nhận “lãi suất ngoài”.

Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty TNHH Nông nghiệp công nghệ cao Qnasafe Trần Ngọc Âu chia sẻ: “Nhà nước có nhiều chính sách ưu đãi cho DN, nhưng DN không tiếp cận được. Khi đến hỏi vay, ngân hàng nào cũng bảo cứ làm hồ sơ đi. Nhưng đến khi đi vào dự án, ngân hàng nào cũng làm lơ. Vì vậy, để triển khai dự án đúng tiến độ, DN phải thế chấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất để vay”.

Giám đốc Công ty TNHH MTV Nông nghiệp công nghệ cao Nông Hưng Phát Nguyễn Thị Hảo cho biết: “Để thực hiện dự án, nhu cầu vốn đầu tư của DN khoảng 20 tỷ đồng. Do đó, nếu được ngân sách địa phương hỗ trợ lãi suất vay vốn, DN sẽ thuận lợi hơn trong việc đầu tư”.

Thiết nghĩ, các ngành chức năng liên quan cần sớm tham mưu để UBND tỉnh chỉ đạo đưa NĐ 57 vào thực thi, tạo động lực cho DN đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn tiếp cận được nguồn vốn ưu đãi, phục vụ phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn.

Bài, ảnh: HỒNG HOA
 


.