"Chữa bệnh" cho cây đậu phụng

10:05, 28/05/2018
.

(Baoquangngai.vn) – Đậu phụng là cây thực phẩm ngắn ngày có giá trị kinh tế cao, tuy nhiên qua quá trình canh tác, cây đậu phụng thường bị bệnh “nan y” là chết cây, giảm năng suất đáng kể. Vụ đông xuân 2017 - 2018, ngành chức năng đã giúp nông dân “chữa bệnh” cho cây đậu phụng, nên năng suất vượt trội.

TIN LIÊN QUAN

Niềm vui được mùa
 
Nhiều năm qua, gia đình bà Trần Thị Thiện, ở thôn Nam Phước, xã Nghĩa Thuận, huyện Tư Nghĩa luôn gắn bó với cây đậu phụng trên phần diện tích đất của gia đình ở bãi bồi ven sông Trà, nhưng hiệu quả mang lại không cao. 
 
Năm nào, hạt đậu sau khi xuống giống khoảng 10 - 20 gieo hạt đến khi trưởng thành cũng bị chết cây, ruộng đậu thưa thớt, hạt lép. Bà Thiện nhiều lần nhổ cây đậu bị chết mang đến các cửa hàng bán thuốc bảo vệ thực vật nhờ bán thuốc “chữa bệnh”, nhưng không có loại thuốc nào giúp chữa được bệnh cho cây đậu phụng. 
 
Đến khi thu hoạch, 1,5 sào chỉ cho thu hoạch 2 - 3 bao đậu khô. Nhưng vụ đông xuân này, bà vui mừng khôn tả khi bệnh chết cây trên cây đậu phụng đã được chữa khỏi gần như hoàn toàn.
 
Bà Thiện vui mừng chia sẻ: “Năm nay, vừa nhổ đậu tôi vừa cười. Cười vì được mùa hơn sức tưởng tượng của mình. Bụi nào cũng được 25 - 30 trái, chắc nịch, không lép như các vụ trước. Cả ruộng đậu tôi nhổ đếm chỉ còn 10 bụi bị chết cây. 1,5 sào đất mà hái được tới 12 bao đậu tươi, phơi khô còn được 3 tạ đậu khô. Nếu trừ chi phí chắn chắn tôi lời được hơn 6 triệu đồng”.
 
Nông dân được mùa đậu phụng.
Nông dân được mùa đậu phụng.

 

Gia đình bà Nguyễn Thị Lơi cũng vui mừng không kém khi 4 sào đậu phụng vừa nhổ được 1 sào đã thu được 2 tạ đậu phụng tươi, sau phơi khô còn được hơn 2 tạ. Bà Lơi cho biết, nhờ đậu chắc hạt nên khi ép ra dầu rất đạt. Nếu như những vụ trước, 3 - 3,3kg đậu phụng khô mới ép được 1 lít dầu, nay giảm xuống còn 2,6 - 2,7kg.

Giải được bài toán khó
 
Để giúp bà con nông dân “chữa bệnh” cho cây đậu phụng, vụ đông - xuân vừa qua, Trạm Trồng trọt và Bảo vệ thực vật huyện Tư Nghĩa đã triển khai mô hình “Sử dụng chế phẩm sinh học Trichoderma phòng trừ bệnh chết cây cho cây đậu phụng”, giúp chữa “bệnh nan y” cho cây đậu phụng, mang lại cho nông dân năng suất và hiệu quả vượt cả mong đợi.
 
Trichoderma là tên gọi của một chủng nấm có lợi cho cây trồng, có tính chất đối kháng với nấm bệnh, thường sống trong đất tập trung nhiều ở khu vực rễ cây. Mô hình được triển khai trên diện tích 1 ha. 
 
Thời điểm xuống giống của mô hình cùng lúc với sản xuất đại trà tại địa phương nhưng quy trình xử lý đất, chọn giống, bón phân và chăm sóc của mô hình có khác so với tập quán canh tác của bà con nông dân. 
 
Trái nhiều, đều, hạt chắc.
Trái nhiều, đều, hạt chắc.
 
Trước khi xuống giống, đất được xử lý 2 lần trước gieo hạt 1 ngày và vào thời điểm xuống hạt. Trước khi gieo hạt 1 ngày dùng 50ml nanô đồng pha với 16 lít nước phun đều cho 500m2 vào thời điểm chuẩn bị gieo hạt thì bón lót phân hữu cơ vi sinh cộng với phân lân và chế phẩm sinh học Trichoderma. 
 
Hạt giống trước khi gieo phải được ngâm 2 tiếng trong nước pha với nanô đồng. Giống đậu được sử dụng cho mô hình là giống đậu L14 so với đối chứng là giống đậu sẻ Gia Lai.
 
Bà Ngô Thị Kiều Loan, cán bộ phụ trách Trạm Trồng trọt và Bảo vệ thực vật huyện Tư Nghĩa cho biết, tác động kỹ thuật chính của mô hình chỉ áp dụng trong khâu xử lý đất trước khi gieo hạt bằng chế phẩm sinh học Trichoderma kết hợp với nanô đồng. Quá trình chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh khác trong suốt thời gian sinh trưởng của cây đậu cũng giống với cách bà con nông dân áp dụng từ trước đến nay.
 
Kết quả bệnh chết cây của mô hình chỉ còn 3%, trong khi đậu đối chứng là 20%. Năng suất ước đạt trên 35 tạ/ha cao hơn đậu đối chứng 13,6 tạ/ha. Tính ra lợi nhuận của ruộng mô hình cao hơn ruộng nông dân trên 9 triệu đồng/ha/vụ.
 
Mô hình thử nghiệm này đã giúp nông dân giải được bài toán khó trong sản xuất cây đậu phụng. Đây là mô hình hay cần được nhân rộng ra các địa phương để giúp nông dân nâng cao được năng suất, sản lượng của cây trồng, góp phần tăng thu nhập cho bà con.
 
Bài, ảnh: A.KIỀU
 
 

.