Xây dựng chợ nông thôn: Còn nhiều lãng phí

10:04, 28/04/2018
.

(Báo Quảng Ngãi)- Những năm gần đây, từ nguồn vốn ngân sách và xã hội hóa, nhiều chợ ở trung tâm các huyện, xã trên địa bàn tỉnh đã được đầu tư cải tạo, nâng cấp hoặc xây dựng mới. Tuy nhiên, do thiếu tầm nhìn chiến lược, nên nhiều chợ xây dựng xong không phát huy được hiệu quả, gây lãng phí và để lại nhiều bức xúc trong dân.

TIN LIÊN QUAN

Nhiều chợ hoạt động kém hiệu quả

Đến nay, toàn tỉnh đã xây dựng được 146 chợ (đạt 82% so với quy hoạch được duyệt đến năm 2020), gồm: 3 chợ hạng 1, 9 chợ hạng 2  và 134 chợ hạng  3. Trong đó, nông thôn 127 chợ; thành thị 19 chợ. Đầu tư mở rộng 10 chợ, xây mới 30 chợ.

Ngoài ra, có 6 chợ được UBND tỉnh cho chủ trương đầu tư, hiện đang triển khai. Có 15 chợ đã được các doanh nghiệp (DN), HTX đầu tư, khai thác, quản lý; 13 chợ đang được DN lập thủ tục đầu tư trong thời gian đến. Tổng nguồn vốn kêu gọi xã hội hóa trong đầu tư chợ hàng trăm tỷ đồng.

Chợ xã Phổ Hòa (Đức Phổ) xây xong bỏ trống.                                                ảnh: T.Nhị
Chợ xã Phổ Hòa (Đức Phổ) xây xong bỏ trống.


Tuy nhiên, có nhiều chợ sau khi đầu tư (vốn ngân sách và vốn xã hội hóa) đưa vào hoạt động kém hiệu quả, như chợ trung tâm xã Bình Phước (Bình Sơn), chợ xã Ba Liên (Ba Tơ), chợ xã Phổ Nhơn (Đức Phổ)... Riêng xã Bình Hải, huyện Bình Sơn có 3 chợ (1 chợ xây dựng theo hình thức xã hội hóa, 1 chợ xây dựng từ tiền NMLD Dung Quất hỗ trợ và 1 chợ tự phát), nhưng tiểu thương và người dân chỉ nhóm họp ở khu chợ tự phát. Chợ xã Nghĩa Phương (Tư Nghĩa) cũng rơi vào tình trạng này, mặc dù được đầu tư hàng tỷ đồng.
 

“Mặc dù chợ hạng 2, 3 đã phân cấp cho huyện quản lý, nhưng Sở Công thương cũng chịu một phần trách nhiệm đối với những chợ sau đầu tư không hoạt động hiệu quả. Thời gian đến, sở sẽ phối hợp chặt chẽ với UBND các huyện, thành phố xử lý dứt điểm tình trạng đầu tư, quản lý chợ kém hiệu quả; tăng cường quản lý chặt chẽ hơn về xây dựng mới các chợ trên địa bàn”.
Giám đốc Sở Công thương TRẦN PHƯỚC HIỀN

Tại huyện miền núi Sơn Hà, chợ trung tâm cụm xã Sơn Kỳ được đầu tư xây dựng, sau đó đầu tư cải tạo, nâng cấp, nhưng đến nay vẫn không có tiểu thương. Chợ trung tâm huyện Sơn Tây hoạt động kém hiệu quả. Riêng huyện Tây Trà, sau khi tách huyện, chợ trung tâm được đầu tư xây dựng khang trang, song hơn 10 năm nay vẫn bỏ không, nên chính quyền xin chuyển đổi công năng.

Coi trọng ý kiến người dân

Theo phân cấp quản lý, việc đầu tư và quản lý chợ nông thôn thuộc thẩm quyền của UBND huyện, nên việc để chợ hoạt động kém hiệu quả có phần trách nhiệm lớn của chính quyền địa phương. Nguyên nhân, khi đầu tư xây dựng chợ, chính quyền chưa làm tốt công tác điều tra, khảo sát, lấy ý kiến người dân, hộ tiểu thương và các sở, ngành chức năng, dẫn đến địa điểm, thiết kế và quy mô xây dựng không phù hợp. Nhiều chợ do không hoạt động nên đã xuống cấp, gây lãng phí vốn đầu tư.

Để khắc phục tình trạng trên, lãnh đạo Sở Công thương cho rằng, chính quyền địa phương chỉ bố trí vốn đầu tư xây mới, hoặc cải tạo đối với những chợ thực sự cần thiết, phù hợp với nhu cầu thực tế mua sắm của người dân, kể cả với chợ thuộc tiêu chí xây dựng nông thôn mới. Từ nay về sau, trước khi xây dựng chợ ở nông thôn, miền núi cần lấy ý kiến và coi trọng ý kiến người dân về địa điểm, thiết kế và quy mô chợ. Đồng thời, chính quyền địa phương phải có biện pháp xử lý triệt để đối với những trường hợp kinh doanh, buôn bán không đúng nơi quy định...

 Chợ Vạn Tường (Bình Sơn) xây dựng khang trang vẫn không có tiểu thương vào buôn bán.
Chợ Vạn Tường (Bình Sơn) xây dựng khang trang vẫn không có tiểu thương vào buôn bán.


Bài, ảnh: THANH NHỊ




 


.