Sử dụng vốn ODA: Phải tính toán hiệu quả sau đầu tư

07:04, 19/04/2018
.

(Báo Quảng Ngãi)- Nguồn vốn vay ưu đãi (vốn ODA) đã góp phần tăng thêm nguồn lực phát triển kinh tế- xã hội trên địa bàn tỉnh. Tuy nhiên, việc sử dụng nguồn vốn này sao cho hiệu quả đang là bài toán đặt ra đối với các cấp, ngành chức năng của tỉnh.

TIN LIÊN QUAN

Nguồn lực quan trọng cho phát triển

Giai đoạn 2011 – 2016, Quảng Ngãi đã vận động, thu hút thêm 14 dự án sử dụng nguồn vốn ODA và nguồn vốn vay ưu đãi khác, với tổng số tiền 1.383 tỷ đồng. Như vậy, đến hết năm 2016, trên địa bàn tỉnh có 31 dự án sử dụng vốn ODA (14 dự án mới và 17 dự án chuyển tiếp), với tổng số tiền 3.492 tỷ đồng, trong đó vốn nước ngoài 2.853 tỷ đồng, vốn ngân sách đối ứng 639 tỷ đồng. Đến năm 2016, có 21/31 dự án hoàn thành, với tổng vốn 2.270 tỷ đồng, trong đó có 15 dự án đã quyết toán. Vốn ODA giải ngân trong giai đoạn 2011 – 2016 là 1.057 tỷ đồng

Đập dâng Đức Lợi (Mộ Đức) được đầu tư từ nguồn vốn ODA.
Đập dâng Đức Lợi (Mộ Đức) được đầu tư từ nguồn vốn ODA.


Số dự án chuyển tiếp sang năm 2017 là 10 dự án, tổng vốn 1.222 tỷ đồng. Kế hoạch trung hạn vốn ODA 2016 – 2020 đã giao là 274 tỷ đồng; nhu cầu vốn ODA để hoàn thành các dự án khoảng 600 tỷ đồng. Như vậy, số vốn còn thiếu khoảng 226 tỷ đồng. Điều đáng nói là, trong các dự án chuyển tiếp thì chỉ có 1 dự án đúng tiến độ (dự án Giảm nghèo khu vực Tây Nguyên); 3 dự án chậm tiến độ do Trung ương giao vốn ODA  chậm; 2 dự án chậm do vướng bồi thường giải phóng mặt bằng. Theo kế hoạch, đến năm 2020 có 9/10 dự án chuyển tiếp sẽ hoàn thành và 1 dự án sẽ chuyển tiếp sang các năm sau đó.
 

Đến nay, đã đưa vào sử dụng hơn 44km kênh mương thủy lợi, tăng năng lực tưới cho 6.700ha đất sản xuất, cung cấp nước sinh hoạt cho 44.000 người dân; xây dựng 71 công trình điện cho 6 huyện miền núi, cấp điện cho 5.000 hộ gia đình; xây dựng hơn 35km đường giao thông và 25km đường lâm sinh, 65 phòng học, 7 nhà đa năng; 4 bệnh viện và 1 trung tâm y tế dự phòng; đo vẽ hơn 77.000ha đất; cấp mới, cấp đổi hơn 600.000 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất...

Tính toán hiệu quả sau đầu tư

Theo đánh giá của UBND tỉnh, nguồn vốn ODA đã đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế- xã hội của tỉnh. Tuy nhiên, UBND tỉnh cũng thẳng thắn thừa nhận, một số dự án ODA chưa đáp ứng được tính cấp thiết đầu tư; việc thực hiện một số dự án chất lượng chưa cao. Nhiều dự án trong quá trình triển khai phải điều chỉnh, kéo dài thời gian thực hiện, như tiểu dự án Cảng neo trú tàu thuyền và cửa biển Mỹ Á giai đoạn 2 (Đức Phổ).

Dự án này hiện có nhiều bất cập, chưa phát huy hết công năng như thiết kế, tốn thời gian, công sức để điều chỉnh. Hay như dự án Hệ thống cấp nước Di Lăng (Sơn Hà), tổng vốn đầu tư lớn, thi công kéo dài, song hiệu quả không như mong đợi. Khi vay để đầu tư dự án, thì xin được cấp vốn sớm, nhưng khi  được bố trí vốn thì triển khai ì ạch. Công tác giải phóng mặt bằng, tái định cư một số dự án ở các địa phương chưa đáp ứng yêu cầu, dẫn đến dự án chậm tiến độ, gây lãng phí. Trong khi nguồn vốn vay phải tính lãi vay theo niên độ đã cam kết với phía nước ngoài.

Điều đáng lo là, quy trình trả nợ của dự án ODA kéo dài hàng chục năm, nhiều dự án từ 30 – 50 năm, nhưng nếu công trình không phát huy được hiệu quả thì sẽ là gánh nặng đối với việc trả nợ trong tương lai.

Do đó, thời gian đến, chúng ta cần đánh giá hiệu quả sau đầu tư của các dự án sử dụng nguồn vốn ODA, để qua đó bố trí sử dụng nguồn vốn này cho các dự án khác hiệu quả hơn. Được biết, nợ công của tỉnh tính đến năm 2017 là phải trả, trong đó chủ yếu là nợ từ các dự án ODA.


Bài, ảnh: THANH NHỊ



 


.