Nghề hấp cá cho thu nhập khá

07:04, 08/04/2018
.

(Báo Quảng Ngãi)- Có nguồn cá thu hoạch dồi dào, lại rẻ, nên người dân ở làng chài Tịnh Kỳ (TP.Quảng Ngãi) đã hấp cá, để đưa đi tiêu thụ ở những nơi xa hơn. Đây là một trong những nghề mang lại việc làm, thu nhập khá cho người dân ở đây.

Ở làng chài Tịnh Kỳ, nghề hấp cá được làm cả năm, mùa nào cá đấy. Nhưng thời điểm nhộn nhịp nhất là từ tháng Giêng đến tháng 9 âm lịch hằng năm.

Thoăn thoắt đưa hàng chục vỉ cá vào nồi hấp, anh Lê Văn, ở thôn An Vĩnh (Tịnh Kỳ) chia sẻ: "Công đoạn hấp cá tuy đơn giản, nhưng phải có người đứng trực ngay lò hấp liên tục, để canh thời gian cho chuẩn xác. Nếu hấp dư vài phút thì cá sẽ nát, còn lấy sớm dẫu chỉ vài phút thì cá sẽ tanh. Vậy nên, muốn cá thơm ngon và giữ được độ ngọt, dai vốn có, người trực lò hấp phải canh ngay khi cá vừa chín tới”.

Các lò hấp cá  tại Tịnh Kỳ tạo việc làm cho 200 - 300 lao động tại địa phương.
Các lò hấp cá tại Tịnh Kỳ tạo việc làm cho 200 - 300 lao động tại địa phương.


Đang vào mùa cá nục, nên từ sáng sớm đến trưa, tại cơ sở hấp cá của ông Trần Văn Nở, ở thôn An Vĩnh, những vỉ cá vừa được mang ra khỏi lò hấp đã được những người thợ tranh thủ mang đi phơi nắng cho kịp giờ. Để có đủ diện tích phơi cá, ngoài những giàn phơi cá được bố trí sẵn, nhóm nhân công phơi cá còn phải đẩy những vỉ cá hấp ra phơi dọc bãi biển... Vừa phơi, họ vừa phải trở cá liên tục cho cá hấp đủ nắng. “Ở xứ biển, chẳng có đất đai để trồng trọt, cũng chẳng có nhiều nghề để kiếm ra tiền. Vậy nên, dù công việc khá mệt nhọc, phải ở ngoài nắng liên tục, nhưng bù lại, chúng tôi được chủ cơ sở trả từ 130 – 170 nghìn đồng/ngày. Số tiền này đủ để trang trải cuộc sống hằng ngày”, chị Nguyễn Thị Xuyến trải lòng.

Làm ra được sản phẩm thơm ngon và tạo được uy tín trên thị trường, nên cá hấp Tịnh Kỳ rất được ưa chuộng ở các tỉnh, thành miền Nam và Tây Nguyên. Theo Chủ tịch UBND xã Tịnh Kỳ Trần Đình Tiến, vào mùa, bình quân mỗi ngày, các cơ sở hấp cá ở Tịnh Kỳ thu mua hơn 50 tấn cá cơm, cá nục... để sơ chế, xuất bán ra thị trường. Hiện trên địa bàn toàn xã có khoảng 20 lò hấp cá đang hoạt động, giải quyết việc làm thường xuyên cho 200 - 300 lao động tại địa phương.

Để đáp ứng nhu cầu của thị trường, các chủ lò hấp cá ở Tịnh Kỳ không chỉ tăng cường nhân công làm việc  vào mùa nắng, mà ngay cả mùa mưa, các lò hấp cá nơi đây lúc nào cũng “đỏ lửa”. “Vào mùa nắng, cá hấp xong được chúng tôi mang ra nắng phơi. Còn mùa mưa, không phơi được, thì chúng tôi sấy trong lò. Cứ thế, chúng tôi làm nghề quanh năm. Mùa cá nào, thì hấp cá đấy, từ cá cơm, cá nục, đến cá ve, cá ngừ...”, chủ lò hấp cá Lý Thị Thủy chia sẻ.

Không những là địa chỉ tạo việc làm và thu nhập cho lao động địa phương, mà 20 cơ sở hấp cá lớn, nhỏ trên địa bàn xã Tịnh Kỳ còn là nơi thu mua, tiêu thụ một lượng thủy sản đáng kể cho ngư dân Tịnh Kỳ. “Vào mùa cá nục, cá cơm, cá ve... thuyền chúng tôi đánh bắt về nhiều cũng không sợ ế, vì ngoài số cá tươi đưa đi tiêu thụ các chợ và bán cho thương lái, còn lại, các lò hấp thu mua hết để làm cá hấp, làm cá khô”, ngư dân Nguyễn Tân chia sẻ.


Bài, ảnh: Ý THU

 


.