Khan hiếm lao động nghề biển

08:04, 09/04/2018
.

(Báo Quảng Ngãi)- Số lượng tàu thuyền đóng mới ngày càng nhiều, trong khi nguồn lao động nghề biển bị già hóa và có xu hướng chuyển nghề... dẫn đến thiếu hụt lao động đi biển. Đây là bài toán khiến nhiều chủ tàu lo lắng.

Giữa tháng 3.2018, lực lượng chức năng phát hiện và giải cứu 4 ngư dân của tỉnh Bình Thuận bị bắt trên 2 tàu cá QNg 93839-TS và QNg 92450-TS do ông Dương Minh Tiến, ở xã Nghĩa An (TP. Quảng Ngãi) làm chủ. Nguyên nhân là các ngư dân này đã ứng tiền công, nhưng không đảm bảo sức khỏe để lao động và có ý định bỏ trốn.

Vì thiếu lao động nên từ sau Tết đến nay, thuyền trưởng Lê Văn Vương (bìa trái) mới làm thủ tục ra khơi chuyến biển đầu tiên, nhưng vẫn không đủ số lượng.
Vì thiếu lao động nên từ sau Tết đến nay, thuyền trưởng Lê Văn Vương (bìa trái) mới làm thủ tục ra khơi chuyến biển đầu tiên, nhưng vẫn không đủ số lượng.


Việc bắt giữ trên là vi phạm pháp luật, nhưng theo một số chủ tàu thì đó cũng là điều bất đắc dĩ. Bởi lẽ, nhiều chủ tàu ở Quảng Ngãi đang thiếu nguồn lao động đi biển, khiến việc ra khơi khai thác gặp khó khăn. Để giữ chân lao động đi biển, các chủ tàu phải ứng số tiền lớn cho các thuyền viên. Tuy nhiên, khi nhận tiền rồi thì một số thuyền viên có ý định bỏ trốn, đi làm cho chủ tàu khác nếu trả tiền công cao hơn.
 

Quảng Ngãi hiện có 5.720 tàu cá, trong đó có 3.592 tàu cá trên 90CV đánh bắt xa bờ. Trong khi đó, số lao động trực tiếp tham gia sản xuất trên biển chỉ khoảng 38.000 người (chưa kể ngư dân đi bạn cho các tàu cá ngoài tỉnh), nên nhiều tàu không đủ lao động để ra khơi.

Chủ tàu cá QNg 91979-TS Lê Văn Vương, ở xã Tịnh Khê (TP.Quảng Ngãi) phải neo tàu tại bến từ sau Tết đến nay cho biết: "Năm 2017, do thiếu lao động, tôi phải vào tận các tỉnh Khánh Hòa, Phú Yên tìm lao động đi biển và bỏ ra trên 350 triệu đồng, để ứng trước cho mỗi thuyền viên. Nhưng khi nhận tiền, một vài trường hợp không đi làm, có trường hợp đi được vài phiên thì nghỉ giữa chừng". Từ đầu năm đến nay, tàu cá của anh Vương cũng không thể ra khơi được do chưa đủ lao động.

Ông Lê Bằng, chủ tàu cá QNg 91865-TS, kể: "Để chuẩn bị cho chuyến ra khơi sau Tết, nhiều trường hợp được tôi cho ứng tiền cả năm, có người nhận cả 50 triệu đồng, nhưng mới đi được vài phiên biển thì có trường hợp trốn sang tàu khác. Năm 2017, tôi đã ứng hơn 300 triệu đồng, sau đó một vài thuyền viên bỏ đi, đến giờ vẫn chưa lấy lại tiền được".

Theo đại diện Chi cục Thủy sản tỉnh, nguyên nhân dẫn đến khan hiếm lao động đi biển là do lượng tàu thuyền phát triển nhanh, trong khi thanh niên ở vùng biển thì chọn hướng đi xuất khẩu lao động hoặc lên bờ làm nghề khác... Số lao động gắn bó với nghề ngày càng già, không còn đủ sức để làm nghề.

Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh Phùng Đình Toàn cho biết: "Để giải quyết bài toán cân đối cung - cầu lao động nghề biển, Bộ NN&PTNT đã chỉ đạo cho các tỉnh kiểm soát chặt chẽ việc phát triển thêm tàu mới. Hiện nay, tỉnh ta chưa có quy định khống chế số lượng tàu đóng mới. Giải pháp cần thực hiện là, ưu tiên đóng mới tàu lớn, giảm dần và đi đến loại bỏ những tàu nhỏ khai thác ven bờ, nhằm cân đối lực lượng lao động phù hợp với số lượng tàu thuyền".

Câu chuyện khan hiếm lao động nghề biển đang là nỗi lo của nhiều chủ tàu cá công suất lớn ở Quảng Ngãi. Do đó, ngành nông nghiệp cần tham mưu cho UBND tỉnh ban hành những chính sách thỏa đáng cho lao động nghề biển, khắc phục tình trạng tàu nằm bờ do thiếu lao động.

Bài, ảnh: X.THIÊN



 


.