Trà Khê gian nan chuyện thoát nghèo

02:03, 17/03/2018
.

(Báo Quảng Ngãi)- Toàn xã có 436 hộ dân, thì có đến 366 hộ nghèo. Và trong số 70 hộ không phải hộ nghèo, số hộ cận nghèo chiếm hơn một nửa. Hạ tầng giao thông về các thôn, xóm vô cùng khó khăn. Người dân chật vật kiếm cơm từng bữa và sống chủ yếu dựa vào trợ cấp từ Nhà nước. Đó là tình cảnh hiện nay ở xã Trà Khê (Tây Trà).

Đến cán bộ xã cũng nghèo

Từ ngã ba Trà Bao dẫn về xã Trà Khê là con đường nhựa sau nhiều năm trầy trật thi công. Đi chừng hơn 5km là chạm ngõ Trà Khê. Mọi thứ hiện ra trước mắt là cảnh nghèo khó giữa thâm sâu cùng tận.

 Hạ tầng giao thông kém chính là rào cản lớn đối với phát triển kinh tế- xã hội ở Trà Khê.
Hạ tầng giao thông kém chính là rào cản lớn đối với phát triển kinh tế- xã hội ở Trà Khê.


Cái khó hiện ra rõ nhất với trụ sở UBND xã xây dựng giữa lưng chừng núi. Để vào trụ sở xã phải leo lên con dốc cao dựng đứng và hầu hết người dân đến xã chứng giấy tờ, hay làm các thủ tục cần thiết khác đều phải bỏ xe dưới đường, hoặc gửi nhà dân rồi leo dốc. Lý giải điều này, Chủ tịch UBND xã Trà Khê Hồ Văn Trực cho biết, do địa hình của xã miền núi, để có diện tích đất đủ rộng, bằng phẳng xây trụ sở xã dường như không có, nên mới quyết định chọn ngọn đồi san gạt tạo mặt bằng để xây trụ sở UBND xã.

Còn cái nghèo hiện rõ trên từng nóc nhà, từng khuôn mặt người dân. Đến cả cây quế, cây chuối được đầu tư từ nguồn vốn các chương trình mục tiêu cũng èo uột không chịu lớn.

Và cái nghèo, cái khó ấy còn thể hiện trong danh sách hộ nghèo và cận nghèo của xã khi có cả... cán bộ làm việc tại UBND xã cũng nằm trong diện hộ nghèo. Lý giải cho nỗi buồn ấy, lãnh đạo xã Trà Khê cho rằng, do địa hình đồi núi, giao thông đi lại khó khăn nên nông, lâm sản người dân làm ra bị thương lái ép giá khi mua, cộng với chi phí vận chuyển có thể âm, nên khó mà thoát nghèo.

Bao giờ hết nghèo?

“Bây giờ hộ nghèo cao quá, trong khi Nhà nước đổ ra nguồn vốn đầu tư rất lớn. Vì sao như vậy? Bình quân mỗi hộ 1 con bò, 1 con heo và cả xã có 600ha quế, 200ha keo. Bình quân mỗi hộ gần 2ha quế, keo, nhưng hộ nghèo lại lên đến gần 84% là cần phải xem lại. Làm gì để người dân thoát nghèo? Trà Khê phải vươn lên. Đây là vấn đề huyện Tây Trà và xã Trà Khê phải tập trung thực hiện”, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Trường Thọ đặt vấn đề.

Theo thống kê, trong giai đoạn 2013- 2016, từ các Chương trình 30a, 135... đã hỗ trợ xã Trà Khê trên 5,6 tỷ đồng để hỗ trợ người dân phát triển sản xuất, đầu tư xây dựng hạ tầng. Ngoài ra, còn nhiều chương trình, chính sách khác hỗ trợ trực tiếp và gián tiếp như dầu hỏa, cấp không thu tiền các mặt hàng thiết yếu, vay vốn ưu đãi... Thế nhưng, đến nay hầu như các mô hình hỗ trợ sản xuất đều chưa phát huy hiệu quả, thậm chí một số mô hình đã “chết yểu”.

Trực tiếp kiểm tra các mô hình và làm việc với địa phương, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Trường Thọ cho rằng, phải chăng do mình đánh giá tỷ lệ hộ nghèo chưa đúng, tổ chức sản xuất không tốt, thu nhập của người dân không có gì, hay còn vấn đề nào khác. Đành rằng đường giao thông khó khăn, nhưng không thể để hộ nghèo cao, trong khi kết quả sản xuất như thế.

“Nếu lãnh đạo Trung ương về Trà Khê kiểm tra thấy đất đai, tài nguyên như thế này mà tỷ lệ hộ nghèo như thế thì không ổn. Bởi Tây Bắc rất khó khăn, nhưng họ làm được, vượt đói nghèo. Trong khi mình có điều kiện, nhưng dân vẫn nghèo. Phải tập trung tuyên truyền để xóa bỏ rào cản tự ti, ỷ lại của một bộ phận người dân. Đồng thời, nâng cao vai trò, trách nhiệm của cán bộ xã, thôn trong việc hướng dẫn người dân thoát nghèo. Nếu chúng ta vẫn như thế này thì 10 năm sau vẫn vậy. Địa phương phải thể hiện quyết tâm cao nhất, thì nguồn vốn đầu tư mới mang lại hiệu quả”, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Trường Thọ chỉ đạo.


Bài, ảnh: PV


 


.