Phát triển vùng chuyên canh quế

06:03, 11/03/2018
.

(Báo Quảng Ngãi)- Quế là loại cây truyền thống gắn bó với cuộc sống của đồng bào dân tộc thiểu số ở huyện miền núi Tây Trà từ bao đời nay. Để phát huy thế mạnh của địa phương, huyện Tây Trà đang đầu tư phát triển vùng chuyên canh quế.
 

TIN LIÊN QUAN


Đầu ra ổn định

Những ngày đầu năm mới, chúng tôi có dịp đến thôn Trà Linh, xã Trà Lãnh (Tây Trà), nơi được xem là một trong những thủ phủ quế của huyện. Đang là thời điểm bước vào đầu vụ thu hoạch, nên nhiều gia đình đi thăm nương quế, chọn ngày lột vỏ quế bán cho thương lái.

Người dân Trà Lãnh phơi quế để bán được giá cao hơn.
Người dân Trà Lãnh phơi quế để bán được giá cao hơn.

Anh Hồ Văn Nghiệp, ở thôn Trà Linh, cho biết: Đầu năm nay thấy quế có giá, tôi thu hoạch vài cây bán lấy tiền nộp học cho con. Hiện tùy theo chất lượng vỏ quế mà giá bán khác nhau, trong đó 1kg vỏ quế tươi có giá bán từ 15.000 - 20.000 đồng, quế khô có giá từ 33.000- 35.000 đồng. Thấy cây quế có đầu ra ổn định, ít tốn công chăm sóc, nên năm 2017, anh Nghiệp đăng ký và được xã hỗ trợ 1.000 cây để trồng. Với số cây quế trồng mới này, khoảng 5-7 năm sẽ cho thu hoạch.

Cùng niềm vui như anh Nghiệp, gia đình anh Hồ Văn Đại, thôn Hà Riềng, xã Trà Phong cũng rất phấn khởi vì những năm gần đây cây quế có giá,  cuộc sống của gia đình anh có nguồn thu nhập ổn định.  “Hiện gia đình tôi có 1.000 cây quế đến tuổi thu hoạch và dự định mùa quế này gia đình tôi bóc vỏ 100 cây quế. Nhờ có cây quế mà cuộc sống của gia đình tôi bớt khó khăn”, anh Đại cho biết.
 

Nhờ cây quế mà những năm gần đây, đời sống người dân Tây Trà từng bước được cải thiện, số hộ nghèo giảm xuống rõ rệt, nhiều hộ đồng bào dân tộc trên địa bàn đã xóa đói, giảm nghèo, vươn lên làm giàu một cách bền vững.
Chủ tịch UBND huyện Tây Trà HOÀNG ANH NGỌC

Phát triển vùng chuyên canh cây quế

Trưởng Phòng NN&PTNT huyện Tây Trà Huỳnh Thị Thanh Thúy, cho biết: Cây quế đã gắn với cuộc sống của đồng bào Cor Tây Trà từ nhiều đời nay. Có thời điểm quế có giá rất thấp, khiến người trồng gặp khó khăn, diện tích có phần giảm; người dân không chăm sóc, nên chất lượng quế cũng không cao. Tuy nhiên, vài năm trở lại đây, loại cây truyền thống này đã được quan tâm phát triển, mang lại lợi ích kinh tế khá, nhiều gia đình có nguồn thu nhập ổn định. Đồng bào Cor tiếp tục gắn bó và đầu tư phát triển cây quế để góp phần xóa đói giảm nghèo.

Để hỗ trợ người dân vực dậy cây quế truyền thống, năm 2016, huyện đầu tư kinh phí thực hiện Dự án phát triển vùng chuyên canh cây quế giai đoạn 2016 - 2028, quy mô 1.100ha, mật độ trồng 5.000 cây/ha, với 2.356 hộ tham gia. Tổng mức đầu tư 45,3 tỷ đồng. Trong đó, ngân sách tỉnh hỗ trợ 100% kinh phí (11 tỷ đồng) để mua cây giống cấp phát cho người dân trồng. Dự án được triển khai tại 9/9 xã của huyện. Bước đầu thực hiện dự án năm 2016 và 2017 tại 6 xã Trà Phong, Trà Xinh, Trà Trung, Trà Quân, Trà Khê và Trà Lãnh, có 1.570 hộ tham gia trồng 745ha. “Số cây quế hỗ trợ có tỷ lệ sống đạt 70 - 80% đối với cây túi bầu. Với kết quả bước đầu này, năm 2018, huyện tiếp tục triển khai dự án tại 3 xã còn lại: Trà Nham, Trà Thanh và Trà Thọ, với 786 hộ đăng ký trồng 355,2ha",  bà Thúy cho biết thêm.

Chủ tịch UBND huyện Tây Trà Hoàng Anh Ngọc, cho biết: Năm 2010, sau khi được Cục Sở hữu trí tuệ, Bộ Khoa học và Công nghệ công nhận nhãn hiệu quế độc quyền, người dân vùng cao Tây Trà rất phấn khởi vì giá bán khá cao và luôn ổn định. Từ cơ sở này, bên cạnh việc lồng ghép, thực hiện đầy đủ, kịp thời các chính sách hỗ trợ, huyện còn hỗ trợ về cây giống, hướng dẫn kỹ thuật trồng và chăm sóc cây quế. Việc triển khai thực hiện Dự án phát triển vùng chuyên canh cây quế giai đoạn 2016 - 2028 trên địa bàn huyện có ý nghĩa quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của huyện. Qua đó sẽ góp phần bảo tồn giống quế bản địa; đồng thời tạo vùng nguyên liệu phục vụ nhà máy chế biến tinh dầu quế tại Trà Bồng, giải quyết việc làm, tạo thu nhập cho người dân, tăng độ che phủ của rừng và bảo vệ môi trường sinh thái.

Bài, ảnh: Bá Sơn


 


.