Gắn phát triển kinh tế gia đình với công tác hội

03:02, 04/02/2018
.

(Báo Quảng Ngãi)- Những năm qua, Hội LHPN huyện Nghĩa Hành đã xây dựng được nhiều mô hình hay giúp hội viên, phụ nữ vươn lên phát triển kinh tế gia đình. Khi kinh tế gia đình ổn định, các chị lại tích cực tham gia phong trào và giúp những hội viên, phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn hơn.

Trường hợp chị Nguyễn Thị Xanh (45 tuổi), thôn Hiệp Phổ Trung, xã Hành Trung (Nghĩa Hành) là một điển hình như thế. Chị Xanh vốn có hoàn cảnh kinh tế gia đình không mấy khá giả, nhưng chị luôn cố gắng vươn lên phát triển kinh tế. Năm 2002, chị mạnh dạn nhờ phụ nữ xã tín chấp vay 7 triệu đồng để lấy vốn chăn nuôi và buôn bán nhỏ. Chị dành số tiền 1 triệu đồng để mua 5 con heo nái; 6 triệu còn lại chị làm vốn để mua lúa về đong gạo cho các chị làm nghề bánh tráng trong xã.

Chị Xanh chăm đàn heo của gia đình.
Chị Xanh chăm đàn heo của gia đình.


Thấy nghề bánh tráng ở địa phương ngày càng phát triển, chị dồn số tiền kiếm được mua lúa mùa về trữ. Chị Xanh chia sẻ: Lúa mùa lúc nào cũng rẻ hơn, nên mua về trữ để bán quanh năm. Người làm nghề tráng bánh rất ưa chuộng lúa cũ, vì bánh dẻo; lúa mùa chỉ dùng để nấu cơm ăn hằng ngày. Đến mùa giáp hạt, lúa bắt đầu tăng giá, nên việc mua lúa trữ để bán đã giúp chị Xanh có được một khoản thu nhập đáng kể.

Nhờ chịu khó tích góp và chăm chỉ làm ăn, sau một năm vay vốn chị đã có được số vốn 20 triệu đồng và tiếp tục vay vốn để mua lúa đầu mùa về dự trữ, cuối mùa xuất bán. Trung bình mỗi năm chị xay  khoảng 85 tấn lúa để bán gạo cho khách hàng và có lợi nhuận từ 30- 40 triệu đồng. Bên cạnh việc bán gạo, chị Xanh còn nuôi trên 100 con heo thịt. Chị phân ra 3 ô chuyền và thay phiên nhau xuất chuồng. Trung bình mỗi tháng chị bán từ 10-15 con. Tháng nhiều nhất chị bán 30 con. Mỗi năm chị lãi khoảng 70 triệu đồng từ tiền bán heo.

Chủ tịch Hội LHPN xã Hành Trung Nguyễn Thị Hồng Hà, cho hay: Cùng với phát triển kinh tế gia đình, chị Xanh còn tích cực tham gia công tác hội. Ngoài việc đóng góp các khoảng tiền, chị còn tham gia mô hình “Hũ gạo tình thương” của Chi hội phụ nữ thôn. Khi hũ gạo đầy, chị Xanh bàn với chi hội cân ký bán cho bạn hàng. Cuối năm, trước khi cấp phát cho hội viên, chị Xanh lại máy gạo mới bàn giao cho chi hội. “Ngay sau khi dốc gạo, chị dùng số tiền bán được để mua lại gạo mùa. Cứ như vậy, đến cuối năm, chị vẫn có dư sau khi trả lại đủ số gạo cho chi hội; đồng thời hỗ trợ thêm 10kg gạo giúp những cụ già, những chị em có hoàn cảnh khó khăn”, chị Hà bộc bạch. Bên cạnh đó, chị Xanh còn giúp chị em mua heo giống  và hướng dẫn người dân trong thôn cách chăm sóc sức khỏe nhờ có hiểu biết về nghề y.

Ngoài phát triển kinh tế gia đình, chị Xanh luôn quan tâm đến việc học của con. Chị luôn động viên các con học tập và hướng cho các con có sự lựa chọn nghề phù hợp với bản thân. Hiện con trai lớn của chị  đang là sinh viên năm 3 của Trường Đại học Bách khoa TP.Hồ Chí Minh. Cậu con trai nhỏ theo học nghề trang trí nội thất tại TP.Hồ Chí Minh. “Nhờ sự quan tâm của Hội LHPN xã và chi hội phụ nữ thôn, nên tôi mới được vay vốn và hỗ trợ kỹ thuật chăn nuôi, phát triển kinh tế gia đình, nuôi các con ăn học nên người như hôm nay”, chị Xanh tâm sự.


Bài, ảnh: PV



 


.