Cả họ làm ngư dân

02:02, 02/02/2018
.

(Báo Quảng Ngãi)- Dòng họ Bùi ở làng câu mực khơi Mỹ Tân, xã Bình Chánh (Bình Sơn) được ví là dòng họ ngư dân kiên cường, khi cả họ có đến gần 40 người là ngư dân vươn khơi và kiên trì bám ngư trường Trường Sa, Hoàng Sa.

Những thuyền trưởng kiên cường

Trong số hơn 60 chiếc tàu công suất lớn chuyên hành nghề câu mực khơi ở làng câu mực khơi Mỹ Tân, dòng họ Bùi nơi đây đã sở hữu 5 tàu. Trong đó, tàu nhỏ nhất trên 400CV, còn tàu lớn nhất lên đến gần 900CV.

Thuyền trưởng Bùi Thanh Nghĩa - một trong các thuyền trưởng dày dạn biển khơi của họ Bùi ở Mỹ Tân, xã Bình Chánh (Bình Sơn).
Thuyền trưởng Bùi Thanh Nghĩa - một trong các thuyền trưởng dày dạn biển khơi của họ Bùi ở Mỹ Tân, xã Bình Chánh (Bình Sơn).


Là một trong những người lớn tuổi nhất của họ Bùi, nay vẫn còn vươn khơi làm nghề câu mực, thuyền trưởng Bùi Thanh Nhân cười khề khà bảo: “Khi tròn 60 tuổi, tôi tự bảo mình, thôi thì đi nốt chuyến này thôi rồi nghỉ. Ấy vậy mà nhớ, mà ham biển lắm, nên cứ đi miết tới giờ. Giờ đã là 62 tuổi rồi mà vẫn đi”.

Con trai của lão ngư Bùi Thanh Nhân là ngư dân Bùi Thanh Nghĩa, hiện cũng đang là chủ sở hữu kiêm thuyền trưởng tàu câu mực công suất hơn 800CV. Noi theo gương cha, anh Nghĩa cũng là một thuyền trưởng can trường và khéo léo, khi sau 20 năm bám biển, anh đã tậu cho mình được chiếc tàu công suất lớn trị giá gần 5 tỷ đồng và đã thực hiện ngót nghét 80 phiên biển tận ngư trường Hoàng Sa.

Là nghề cha truyền, con nối của họ Bùi ở Mỹ Tân, nên dù 20 tuổi hay đã ngoài 60, ai cũng đều miệt mài với nghề biển, xem nghề biển như máu thịt của mình. Người tích lũy đủ vốn để đóng tàu thì làm chủ tàu, làm thuyền trưởng tàu câu mực. Ai còn trẻ, thì đan cho mình một chiếc thúng, rồi xin đi bạn trên tàu. Từ 5, 6 người tiên phong đi biển thuở ban đầu, đến nay, họ Bùi ở Mỹ Tân đã có truyền thống câu mực khơi 3 đời và có tổng cộng gần 40 ngư dân làm nghề.

Đoàn kết từ biển đến đất liền

“Họ Bùi ở đất liền có thể mỗi người sống ở mỗi khu dân cư khác nhau, nhưng khi đi biển, thì chúng tôi đi cùng nhau để tương trợ lẫn nhau khi cần. Đường xa thì không đi một mình được đâu”, thuyền trưởng Bùi Tấn Lý bảo.

Kề vai sát cánh vươn khơi, rồi lại chọn vị trí đánh bắt sát nhau để cùng hỗ trợ nhau trên biển. Vậy nên, khi tàu gặp sự cố về máy móc, hoặc khi gặp sóng gió, thời tiết bất lợi trên biển, cả họ lại cùng giúp đỡ nhau vượt qua những khó khăn. “Nghề câu mực có thời gian lênh đênh trên biển dài nhất so với các nghề biển khác với mỗi phiên biển kéo dài từ 2,5 – 3 tháng ròng. Vậy nên, khi ra khơi cùng nhau, nhìn đâu cũng thấy anh em, chú bác nhà mình, chúng tôi tự nhiên ấm lòng hẳn”, ngư dân Bùi Thanh Nghĩa sẻ chia.

Không chỉ đoàn kết, dìu dắt nhau vươn khơi, bám biển, khi về đất liền, những ngư dân họ Bùi còn là một trong những lực lượng tiên phong góp sức vào những công tác chung của địa phương. Phong trào góp sức bê tông đường giao thông nông thôn, cổng chào, nhà văn hóa thôn... đều có sự đóng góp nhiệt thành của các thuyền trưởng họ Bùi như Bùi Thanh Trung, Bùi Thanh Nghĩa... Cứ thế, từ biển đến bờ, dòng họ Bùi ở Mỹ Tân luôn chung sức, chung lòng cùng phát triển nghề cha truyền con nối của họ.
 

Bài, ảnh: Ý THU
 


.