Mây rừng - nguồn sinh kế bền vững

02:01, 13/01/2018
.

(Báo Quảng Ngãi)- Với đồng bào Ba Tơ, mây rừng là cây bản địa. Và bây giờ, mây trở thành một trong những loại cây trồng cho thu nhập đều đặn mỗi năm. Do đó, lãnh đạo huyện đã có những định hướng nhằm bảo tồn loại cây bản địa này.

Sinh kế bền vững từ mây rừng

Nếu như trước kia, người dân thôn Nước Y, xã Ba Vinh phá mây rừng để trồng keo, thì năm nay họ lại ra sức khôi phục, bảo tồn loại cây này. Bởi, mỗi năm cây mây cho thu hoạch hai đợt và mỗi đợt người dân bán ra với giá cả ổn định.

Chi hội trưởng Hội Nông dân thôn Nước Y Phạm Văn Đôm, nhận định: “Bây giờ bà con đã nhận ra rằng, cây mây hơn những loại cây trồng khác như keo, mì... Do đó, nhà nào có mây là nhà đó có đồng ra đồng vào. Như tôi, sau khi hai đứa con có gia đình ra ở riêng, tôi chia hơn 3ha mây cho chúng. Và năm nào các gia đình cũng có nguồn thu nhập đều đặn".

 Ông Phạm Văn Đôm, thôn Nước Y đang thu hoạch mây của gia đình.
Ông Phạm Văn Đôm, thôn Nước Y đang thu hoạch mây của gia đình.


Còn ông Phạm Văn Đua, thôn Nước Gia cũng nhờ mây rừng mà ông có nguồn thu nhập hằng năm. Theo đó, mỗi năm với hơn 2ha mây, vợ chồng ông thu hoạch khoảng 3 - 4 tấn, bán thu về từ 7 – 10 triệu đồng.

“Có nhà thì họ thu hoạch theo đợt, đợt một là cuối tháng 6 và đợt hai là gần Tết. Còn gia đình tôi thì ngày nào cũng có mây để thu hoạch. Mỗi lần thu vô ít nhất cũng từ 50 – 60kg. Mỗi ký bán với giá từ 3.000 - 4.000 đồng. Nhờ cây mây mà dân làng chúng tôi không sợ đói”, ông Đua nói.

Theo người dân xã Ba Vinh, từ lâu cây mây đã là sinh kế của họ. Nó không chỉ giúp giải quyết thu nhập trước mắt, mà về lâu dài, đây được xem là một loại cây kinh tế bền vững. “Cây mì, cây keo thì giá bấp bênh. Có năm chúng tôi lỗ vốn phải bán non, bán già. Còn cây mây, năm nào cũng vậy, hễ mình trồng nhiều là có nhiều tiền. Loại cây này có từ đời cha, ông nên giờ mình cứ giữ lấy mà phát triển kinh tế”, ông Đôm chia sẻ thêm.

Bảo tồn từ ý thức

Hiện nay, diện tích mây rừng của xã Ba Vinh lên đến 224ha và hơn 2ha mây mô hình của Chi hội Nông dân thôn Nước Lá. Đây là mô hình mới do chính người dân của thôn cùng đồng lòng thực hiện.

Năm 2014, ông Phạm Văn Ế, nguyên Chi hội trưởng Hội Nông dân  đứng ra kêu gọi mọi người  cùng nhau bảo tồn cây mây trong thôn. Ban đầu chỉ có 14 hội viên tham gia, nhưng sau khi nhận thấy những lợi ích, cũng như hiệu quả từ mô hình thì 16 hội viên khác đã gia nhập. Đến bây giờ, mô hình trồng mây được tất cả hội viên cùng chung tay bảo vệ, chăm sóc bài bản.

Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã Ba Vinh Phạm Văn Liệt, cho biết: “Mô hình mây rừng của Chi hội Nông dân thôn Nước Lá rất thiết thực và mang lại hiệu quả. Đây là mô hình nhằm kêu gọi sự đồng lòng của bà con về bảo tồn cây mây rừng. Từ đó giúp họ hiểu thêm về giá trị của nó trong sự phát triển kinh tế của đồng bào. Lãnh đạo địa phương cũng khuyến khích bà con bảo tồn, cũng như ra sức phát triển thêm diện tích mây rừng”.

Từ năm 2015 đến nay, diện tích mây rừng của xã Ba Vinh nói riêng và toàn huyện Ba Tơ nói chung luôn được giữ vững. Theo đó, trong thời gian đến, huyện Ba Tơ đã chủ trương giảm tỷ lệ trồng keo, chuyển qua trồng mây rừng và các cây gỗ lớn, nhằm nâng cao giá trị rừng của huyện và phát triển kinh tế cho người dân.

“Điều đáng mừng là nhiều địa phương quan tâm đến cây mây của Ba Vinh. Như mới đây, có một đoàn từ Lâm Đồng về tham quan, học tập và nghiên cứu loại cây này. Từ những định hướng của huyện và những giá trị của cây mây, chúng tôi sẽ hướng cho người đồng bào cách bảo tồn, cũng như khai thác loại cây này một cách hiệu quả nhất”, Chủ tịch xã Ba Vinh  Cao Văn Hải cho hay.


Bài, ảnh: ĐÌNH DIỆU

 


.