Gió mới đại ngàn

01:01, 08/01/2018
.

(Báo Quảng Ngãi)- Sau 2 năm thụ hưởng Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, đo lường và hỗ trợ thoát nghèo theo hướng đa chiều; hành trình vươn lên thoát nghèo của người dân 6 huyện miền núi khởi sắc hơn.

TIN LIÊN QUAN

Không còn đo lường nghèo chỉ bằng tiêu chí thu nhập, chuẩn nghèo của Chương trình giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016 – 2020 được xem xét từ cả góc độ thiếu hụt về thu nhập lẫn hạn chế trong tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản như y tế, giáo dục, nhà ở, vệ sinh môi trường, thông tin.

Tiêu chí mới, cách làm mới

Áp dụng đo lường nghèo theo tiêu chí mới, nên các huyện nghèo cũng nhạy bén tiếp cận và có nhiều cách làm mới, sáng tạo, đồng hành cùng người dân trong hành trình giảm nghèo.

Từ nguồn vốn giảm nghèo, Trường Tiểu học Trà Quân (Tây Trà) đã được xây dựng khang trang.                         Ảnh: Ý THU
Từ nguồn vốn giảm nghèo, Trường Tiểu học Trà Quân (Tây Trà) đã được xây dựng khang trang. Ảnh: Ý THU


Minh Long là huyện miền núi có tỷ lệ hộ thoát nghèo dẫn đầu cả tỉnh trong năm 2017, vượt xa cả những huyện đồng bằng. Chủ trương của huyện là ưu tiên đầu tư phát triển sản xuất đối với những hộ có ý chí, tự giác thoát nghèo và tăng cường giám sát, đánh giá thực hiện chương trình từ cơ sở.

Thực hiện chủ trương của huyện, tất cả các xã trên địa bàn Minh Long đều phân công nhiệm vụ cho cán bộ cơ sở giám sát việc thực hiện các mô hình. Đối với mô hình được hỗ trợ theo quy mô nhóm hộ, trước khi triển khai, các địa phương đã tổ chức họp dân, họp nhóm để bầu ra tổ trưởng, tổ phó và xây dựng quy chế hoạt động. Các tổ trưởng, tổ phó vừa là “cánh chim đầu đàn” hỗ trợ các thành viên thực hiện mô hình, vừa là những người giám sát trực tiếp tiến độ, hiệu quả thực hiện. Đây được xem là cách tăng cường trách nhiệm, nâng cao năng lực giám sát, từ đó giúp mô hình sinh kế triển khai hiệu quả hơn.

Ngoài tăng cường giám sát, huyện còn chủ trương hỗ trợ những mô hình mà người dân dễ dàng tiếp cận như nuôi trâu, bò sinh sản; chè, keo lai giâm hom; đậu phụng, lúa...

Từ những hỗ trợ phù hợp với thực tế đó, cuối năm 2017, Minh Long có 396 hộ thoát nghèo, vượt kế hoạch 135 hộ. Qua đó, đưa tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn huyện từ xấp xỉ 41% vào cuối năm 2016, xuống còn khoảng 33%.

Cũng như Minh Long, huyện Sơn Hà là một trong những huyện miền núi có tỷ lệ hộ thoát nghèo cao. Đã có 812 hộ nghèo ở Sơn Hà vươn lên thoát nghèo trong năm 2017, giảm được 4% tỷ lệ hộ nghèo trong toàn huyện, đạt mục tiêu đề ra.

“Tăng cường cán bộ phụ trách hướng dẫn các nhóm hộ và buộc các nhóm hộ phải đề ra lộ trình giảm nghèo cụ thể và cam kết thực hiện đúng lộ trình nhằm tăng tinh thần trách nhiệm của người dân với mô hình được hỗ trợ, là cách mà Sơn Hà áp dụng để nâng cao hiệu quả của mô hình sinh kế”, Phó Chủ tịch UBND huyện Sơn Hà Phùng Tô Long, cho biết.

Không chỉ giúp người dân tổ chức sản xuất, huyện Sơn Hà còn chủ động liên kết với doanh nghiệp, để chủ động đầu ra cho nông sản. Trong năm 2017, Sơn Hà đã ký kết với Siêu thị Big C thu mua nông sản cho người dân. Đây cũng là huyện miền núi đầu tiên của tỉnh đưa nông sản của các nhóm hộ, tổ hợp tác vào siêu thị.

Không chỉ có những cách làm mới trong hỗ trợ sinh kế, tăng thu nhập cho người dân, công tác truyền thông và giảm nghèo về thông tin cũng được tỉnh tập trung thực hiện, nhằm tuyên truyền, cập nhật thông tin, cách thức thực hiện các chính sách giảm nghèo cho cán bộ và nhân dân tại vùng thụ hưởng chính sách. Đây là một trong những nét mới của chương trình giảm nghèo năm 2017. Đã có 652 sổ tay “Kỹ năng lãnh đạo và thúc đẩy phát triển cộng đồng” trao tận tay cho cán bộ làm công tác giảm nghèo cấp xã, thôn. Các hội thi cán bộ làm công tác giảm nghèo, đối thoại về chính sách giảm nghèo ở cộng đồng... được tổ chức tại các huyện, xã.

Vượt qua thách thức

Nhờ sự vào cuộc mạnh mẽ của cả hệ thống chính trị, các huyện miền núi đã tạo phong trào phấn đấu giảm nghèo theo phương châm phát huy nội lực cộng đồng, khơi dậy ý chí vươn lên trong lao động sản xuất, thoát nghèo bền vững của một bộ phận người nghèo. Đến cuối năm 2017, tỷ lệ hộ nghèo miền núi giảm được 5,54%.

Cán bộ luôn theo sát hướng dẫn, giám sát việc thực hiện các mô hình giảm nghèo của các hộ dân.                                                                                                  Ảnh: Ý THU
Cán bộ luôn theo sát hướng dẫn, giám sát việc thực hiện các mô hình giảm nghèo của các hộ dân. Ảnh: Ý THU


Có được những kết quả bước đầu khi triển khai áp dụng đo lường giảm nghèo theo chuẩn mới, song khi đo lường nghèo theo góc độ thiếu hụt về thu nhập lẫn hạn chế trong tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản, nên số hộ nghèo trên địa bàn tỉnh lại tăng cao, còn gần 23.000 hộ nghèo.

Các chỉ tiêu về đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ phát triển sản xuất và dân sinh như số thôn có trục giao thông được cứng hóa theo tiêu chuẩn, số lượng công trình thủy lợi nhỏ đáp ứng nhu cầu tưới tiêu... và số lao động thuộc hộ nghèo, cận nghèo, hộ dân tộc thiểu số tiếp cận được với chính sách xuất khẩu lao động, số hộ gia đình được sử dụng nước hợp vệ sinh, xã nghèo có điểm thông tin truyền thông cổ động ngoài trời... vẫn còn ở mức thấp. Vì vậy, trong thời gian đến, công tác giảm nghèo tại 6 huyện miền núi sẽ còn nhiều gian truân, thách thức.

Theo Giám đốc Sở LĐ – TB&XH Lương Kim Sơn, để từng bước đưa người dân thoát nghèo, sau đó là thôn thoát nghèo, xã thoát nghèo, huyện thoát nghèo, các huyện cần chú trọng đến nguồn nhân lực. Bởi cán bộ có nắm rõ về chính sách, cơ chế tổ chức thực hiện chương trình giảm nghèo và có năng động, tâm huyết hỗ trợ người dân, thì hiệu quả của việc hỗ trợ người dân thoát nghèo mới bền vững...


Ý THU
 


.