"Cú huých" từ dự án giảm nghèo

08:01, 30/01/2018
.

(Baoquangngai.vn)- Với hàng trăm tiểu dự án sinh kế (TDA) trồng trọt, chăn nuôi… từ Dự án giảm nghèo Tây Nguyên (GNTN) được triển khai trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi trong thời gian qua, đã tạo bước đệm, động lực giúp hàng ngàn hộ nghèo, hộ cận nghèo vùng hưởng lợi thay đổi cách nghĩ, cách làm, vươn lên phát triển kinh tế và có cơ hội thoát nghèo. 

TIN LIÊN QUAN

Thay đổi tư duy sản xuất
 
Dự án GNTN được triển khai trên tỉnh Quảng Ngãi từ năm 2015 và theo kế hoạch sẽ kết thúc vào cuối năm 2019. Dự án có 4 hợp phần: Phát triển hạ tầng cấp thôn, bản; Phát triển sinh kế bền vững; Phát triển hạ tầng kết nối cấp huyện; Nâng cao năng lực truyền thông và quản lý dự án. Qua 3 năm triển khai thực hiện (2015-2017), dự án đã góp phần thay đổi diện mạo nông thôn miền núi tại 15 xã được hưởng lợi trên địa bàn 3 huyện Ba Tơ, Sơn Hà, Sơn Tây. 
 
Dự án ngoài tập trung hỗ trợ  các mô hình sinh kế giúp hộ nghèo nuôi bò, trâu, gà, dê; áp dụng các mô hình trồng lúa, bắp, cải tạo vườn… nhiều công trình phát triển hạ tầng cấp cơ sở, như: Nhà văn hóa, công trình nước sạch, đường giao thông thôn, xóm… được đầu tư xây dựng  đã giúp người dân rút ngắn được khoảng cách đi lại, các em đến trường đã bớt khó khăn hơn vào mùa mưa lũ. Việc giao thương, buôn bán, phát triển kinh tế được thuận lợi hơn nhiều….
 
Điều đáng ghi nhận là, các hình thức hỗ trợ sinh kế, xây dựng cơ sở hạ tầng của dự án đều xuất phát từ nhu cầu và đặc điểm của người hưởng lợi. Người dân được tập hợp trong một nhóm, cùng nhau bàn bạc nuôi con gì, trồng cây gì và hỗ trợ nhau trong sản xuất, chăn nuôi.
 
Cùng với sự hỗ trợ ‘cầm tay, chỉ việc’ của cán bộ kỹ thuật từ dự án, người dân dần thay đổi thói quen sản xuất “dựa vào trời” của mình, dần tiếp cận được với cách sản xuất khoa học như thay đổi từ thói quen trồng lúa rẫy sang lúa nước, từ chăn nuôi thả rông sang nuôi chuồng trại, có phòng trừ dịch bệnh khoa học hơn… tạo nên hiệu quả kinh tế từ chính bàn tay của họ. Tiêu biểu như TDA trồng lúa nước được triển khai trong năm 2017, năng suất lúa bình quân đạt 55- 58 tạ/ha, tăng từ 12- 15 tạ/ha so với tập quán sản xuất cũ của bà con. 
 
Người dân vùng miền núi đã dần thay đỗi cách nghĩ, cách làm trong trồng trọt, phát triển chăn nuôi nhờ cách làm từ Dự án GNTN
Người dân vùng miền núi đã dần thay đỗi cách nghĩ, cách làm trong trồng trọt, phát triển chăn nuôi nhờ cách làm từ Dự án GNTN
 
"Trước đây, bà con chúng tôi cũng đã được tập huấn nhiều rồi, hướng dẫn sử dụng giống mới, kỹ thuật gieo sạ, chăm sóc lúa…nhưng bà con nghe xong có người thì áp dụng, người thì không, áp dụng có khi không đúng nên kết quả đạt thấp. Nhưng, kể từ tham gia nhóm LEG trồng lúa của dự án, có cán bộ hỗ trợ cộng đồng hướng dẫn, theo dõi, nhắc nhở nhóm làm đúng kỹ thuật . Nhờ vậy mà năm vừa rồi lúa của cả nhóm đều đạt được năng suất cao’- bà Phạm Thị Nên ở xã Ba Giang (Ba Tơ) phấn khởi chia sẻ. 
 
Ông Trần Thanh Hoài- Chủ tịch UBND xã Ba Giang cho biết: Từ khi TDA trồng lúa nước triển khai trên địa bàn xã, không chỉ đưa năng suất lúa lên cao mà còn giúp người dân thay đổi nhận thức trong việc canh tác lúa nước. Nếu như năm 2015 năng suất lúa nước của xã chỉ 38 tạ/ha, nhưng đến năm 2017 thì năng suất đạt bình quân 51 tạ/ha. Điều đặc biệt, từ trước người dân chưa biết mua giống lúa về gieo sạ thì nay đã biết tự mua lúa giống chất lượng về gieo sạ. 
 
Cẩn trọng việc lựa chọn cây, con giống
 
Năm 2018, Dự án GNTN tiếp tục được triển khai trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi với tổng vốn đầu tư  gần 176,9 tỷ đồng. Trong đó, vốn ODA hơn 174 tỷ đồng, còn lại là vốn đối ứng. Theo kế hoạch, sẽ thực hiện 183 TDA hợp phần phát triển sinh kế bền vững, trong đó có 15 TDA an ninh lương thực và dinh dưỡng gồm: Hỗ trợ nuôi vịt, gà re, gà vườn; 167 TDA đa dạng sinh kế hỗ trợ nuôi heo bản địa, dê, heo ky, nhím sinh sản, ếch sinh sản… và trồng các cây dược liệu như Cà gai leo, Hà thủ ô đỏ, đinh lăng.  
 
Để việc triển khai hỗ trợ cây, con giống mang lại hiệu quả cho người dân hưởng lợi trong vùng dự án, tại hội nghị triển khai nhiệm vụ Dự án GNTN- tỉnh Quảng Ngãi năm 2018, Phó Giám đốc Sở NN& PTNT tỉnh Trần Ngọc Thương cho rằng: Để cây, con giống của dự án đưa đến cho người dân phát huy được hiệu quả tốt nhất thì trước hết khâu cung ứng giống cần phải được giám sát chặt chẽ vấn đề đầu vào và đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thực của người dân thụ hưởng.
 
Bên cạnh đó, ông Thương cũng bày tỏ băn khoăn khi dự án đưa mô hình nuôi ếch sinh sản và phát triển cây dược liệu vào hỗ trợ cho người dân. ‘Mô hình nuôi ếch sinh sản cần phải xem xét lại, vì để triển khai thành công rất khó, phải theo một quy trình nghiêm ngặt, biết hộ nghèo có nuôi được hay không? giống ở đâu? và chúng ta cho sinh sản như thế nào? Đồng thời, mô hình phát triển cây dược liệu cũng cần phải xem xét kỹ, nhất là phía nhà cung ứng giống, đầu ra như thế nào? tránh lặp lại trường hợp ‘bí’ đầu ra như cây cà gai leo ở huyện Minh Long, Nghĩa Hành’- ông Thương chia sẻ. 
 
Những thành quả từ dự án mang lại sẽ góp phần tạo động lực để người dân miền núi vươn lên thoát nghèo
Những thành quả từ dự án mang lại sẽ góp phần tạo động lực để người dân miền núi vươn lên thoát nghèo
 
Cũng tại hội nghị này, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Trường Thọ yêu cầu Ban Quản lý Dự án GNTN tỉnh và các địa phương được hưởng lợi, cần chú ý chỉ triển khai những TDA sinh kế đã thực hiện có hiệu quả, phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương. Tổ chức các chương trình tập huấn kiến thức cho người dân trong việc lựa chọn cây, con giống, đảm bảo người dân tiếp nhận và sử dụng cây, con giống hiệu quả, đặc biệt có sự cam kết chất lượng của nhà cung cấp và cần có sự liên kết trong sản xuất giữa người dân sản xuất và doanh nghiệp tiêu thụ sản phẩm…
 
Mặc dù, trên thực tế, do trình độ nhận thức của đồng bào còn hạn chế, bà con lại chưa có kinh nghiệm nên không ít cây, con giống đã bị chết hoặc phát triển không như mong đợi. Tuy nhiên, sau 3 năm triển khai dự án, số hộ gia đình tiếp thu và vận dụng tốt các quy trình kỹ thuật vào sản xuất, biết tính toán sử dụng vật tư, phân bón hợp lý, phòng bệnh cho cây trồng, vật nuôi đúng cách…, đã tăng lên rõ rệt.  Có thể chưa đánh giá được hiệu quả giảm nghèo cụ thể, song sự chuyển biến từ ý thức người dân sẽ là cái gốc để người dân miền núi có thể thoát nghèo và thoát nghèo bền vững hơn.
 
H.P

.