Tích cực giải ngân, đáp ứng nhu cầu sản xuất

01:12, 04/12/2017
.

(Báo Quảng Ngãi)- Nông dân sắp bước vào mùa vụ mới, doanh nghiệp chuẩn bị dự trữ hàng hóa phục vụ Tết, nên nhu cầu vay vốn tăng cao... Nắm bắt cơ hội này, các ngân hàng đang tích cực giải ngân, đáp ứng nguồn vốn, phục vụ sản xuất kinh doanh; đồng thời đẩy mạnh tăng trưởng tín dụng.

Nhu cầu vốn tăng

Dù sống trong vùng lũ, luôn chủ động ứng phó, nhưng trong đợt lũ vừa qua, người dân làng hoa Nghĩa Hiệp, Nghĩa Mỹ (Tư Nghĩa) vẫn ảnh hưởng nặng nề. Nhiều hộ ở khu vực thấp, không kịp đưa hoa lên cao bị hư hại nặng. Tuy nhiên, đối với người dân nơi đây, cây hoa được xem là cây trồng chính, hiệu quả kinh tế cao, nên sau lũ, người dân đã nhanh chóng vay vốn để tiếp tục đầu tư, khôi phục sản xuất.

 Nhờ nguồn vốn vay, người dân Nghĩa Hiệp đã đầu tư trồng hoa, khôi phục sản xuất sau lũ.
Nhờ nguồn vốn vay, người dân Nghĩa Hiệp đã đầu tư trồng hoa, khôi phục sản xuất sau lũ.


Thông qua nguồn vốn giải quyết việc làm, anh Lê Thanh Tuyền, thôn Hải Môn, xã Nghĩa Hiệp đã vay 50 triệu đồng của Ngân hàng Chính sách Xã hội (CSXH) huyện Tư Nghĩa  để đầu tư trồng hoa cúc. Anh Tuyền, cho biết: “Trong đợt lũ vừa qua đã làm hoa bị ngập nước, hư hại. Nếu không có nguồn vốn của Ngân hàng CSXH, mình không có vốn để đầu tư sản xuất. Bởi mình mới lập gia đình, nên không có tài sản gì thế chấp để đi vay các ngân hàng khác”.

Còn anh Nguyễn Minh Vũ, thôn Năng Xã, xã Nghĩa Hiệp, chia sẻ: “Vừa rồi, thông qua hội đoàn thể của xã, bản thân cũng tiếp cận được nguồn vốn vay từ Ngân hàng CSXH huyện. Năm nay kinh tế khó khăn từ chăn nuôi đến rau màu, giá cả bấp bênh, nên người nông dân nghèo chẳng biết bấu víu vào đâu. Cũng nhờ nguồn vốn vay với lãi suất thấp, mà tôi mới có điều kiện để khắc phục lại chăn nuôi và trồng lại hoa...”.

Sắp bước vào vụ đông xuân 2017-2018, nông dân ở nhiều địa phương trong tỉnh đang rất cần nguồn vốn để đầu tư mua giống, phân bón, máy móc... phục vụ sản xuất. Đến thời điểm này, tổng dư nợ của Agribank Quảng Ngãi đạt gần 8.000 tỷ đồng; trong đó 80% là thuộc lĩnh vực nông nghiệp nông thôn. Điều này chứng tỏ, nguồn vốn đang được hấp thụ tốt, đáp ứng nhu cầu vốn cho người dân trồng trọt, chăn nuôi.

Cuối năm cũng là thời điểm các doanh nghiệp (DN) bước vào mùa cao điểm sản xuất, kinh doanh, cần một lượng vốn lớn để thanh toán các đơn hàng, chi trả cho mùa vụ...

Nắm bắt nhu cầu, cùng với yêu cầu đạt mức tăng trưởng cả năm 21% theo định hướng của Chính phủ, thời gian gần đây, nhiều ngân hàng thương mại đã dồn dập tung ra các gói tín dụng, chương trình ưu đãi cho DN, từ ưu đãi lãi suất đến đơn giản hóa thủ tục vay vốn, gia tăng tiện ích dịch vụ, sản phẩm...

Đáp ứng nguồn vốn sản xuất

Giám đốc Phòng giao dịch Ngân hàng CSXH huyện Tư Nghĩa Trần Thị Hồng Oanh, cho biết: “Thời điểm này, nhu cầu vốn của người dân tăng cao, để khôi phục sản xuất và đầu tư kinh doanh. Đặc biệt là người dân tại các làng hoa, làng nghề phục vụ các mặt hàng vào dịp Tết Nguyên đán sắp tới. Tuy có giới hạn về đối tượng cho vay, nhưng Ngân hàng CSXH huyện cũng đã phối hợp với địa phương rà soát và kịp thời bổ sung nguồn vốn cho người dân. Không để người nghèo và các đối tượng chính sách thiếu vốn”.

Nhìn chung, năm 2017 mặt bằng lãi suất cho vay của tất cả các ngân hàng thương mại trong hệ thống luôn nằm ở mức ổn định. Hiện tại, lãi suất cho vay đối với 5 lĩnh vực ưu tiên là 6- 6,5%/năm đối với cho vay ngắn hạn, 8-10% đối với cho vay trung, dài hạn. Các lĩnh vực kinh doanh khác lãi suất từ 6,8- 11%. Riêng lĩnh vực phi sản xuất là 12%. Như vậy, mức lãi suất đã được điều chỉnh giảm từ 0,5- 1,8%/năm so với đầu năm 2017, tạo điều kiện cho DN đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh, gia tăng lợi nhuận.

Tuy nhiên, có một thực tế là vốn tín dụng vào nông nghiệp, nông thôn luôn tăng trưởng khá, nhưng vẫn còn có những vướng mắc liên quan đến thủ tục, giấy tờ còn phức tạp, rườm rà, vấn đề tài sản thế chấp... nên nhiều hộ dân vẫn chưa tiếp cận được với nguồn vốn. Bên cạnh đó, dù có nhiều nỗ lực, nhưng không phải lúc nào giữa ngân hàng với DN cũng tìm được tiếng nói chung.

Vì vậy, để nguồn vốn có thể giải ngân được nhiều hơn nữa cho nền kinh tế, nhất là đang bước vào mùa vụ cao điểm sản xuất, kinh doanh dịp cuối năm thì cả hệ thống ngân hàng thương mại, cũng như cộng đồng DN cần không ngừng nỗ lực, tìm tiếng nói chung, nhằm tiếp tục khơi thông dòng vốn.


Bài, ảnh: HỒNG HOA


 


.