Tất bật vào vụ sản xuất đông xuân 2017 – 2018

06:12, 11/12/2017
.

*Ngày 25.12, hơn 39 nghìn hécta lúa vụ đông xuân sẽ bắt đầu xuống giống.

(Báo Quảng Ngãi)- Theo lịch thời vụ, thời gian xuống giống đại trà thực hiện từ ngày 25.12.2017 đến 10.1.2018. Đối với chân ruộng trũng phải hoàn thành việc gieo sạ trước 15.1.2018. Cơ cấu giống lúa chủ lực gồm: MT10, KDđb, KD28, TBR225, VTNA2; giống bổ sung gồm: ĐH815-6, Thiên Ưu 8, OM6976, DT45; giống triển vọng gồm: QNg6, QNg11, QNg500, Bắc Thịnh...  


Khẩn trương vệ sinh đồng ruộng

Sau hơn 3 tháng bỏ trống, hầu hết ruộng đồng trong tỉnh đều bị lúa chét và cỏ dại bao phủ. Hơn nữa, đợt mưa lũ vào đầu tháng 11, khiến hàng trăm hécta ruộng bị sa bồi thủy phá, nên hiện nay nông dân đang tập trung vệ sinh, khắc phục đồng ruộng để chuẩn bị xuống giống.

Tại xã Nghĩa Trung (Tư Nghĩa), nhiều nông dân đã đội mưa ra đồng dọn cỏ, vận chuyển phân chuồng, cày dầm để “ủ” đất. “Tận dụng thời gian rảnh rỗi để cuốc đất dọn cỏ, vừa giảm chi phí thuê máy băm đất, lại tốt ruộng”, ông Phan Lưu Trinh, thôn An Hà 3, xã Nghĩa Trung lý giải. Chính vì vậy, hiện 3 sào ruộng của ông Trinh không chỉ sạch cỏ dại, lúa chét mà còn được bón vôi, phân chuồng để sẵn sàng xuống giống.

Nông dân mua phân bón để chuẩn bị cho vụ sản xuất đông xuân.
Nông dân mua phân bón để chuẩn bị cho vụ sản xuất đông xuân.


Tuy nhiên, không có nhiều nông dân lựa chọn biện pháp vệ sinh đồng ruộng như ông Trinh, mà hầu hết lại sử dụng thuốc diệt cỏ. Mặc dù biện pháp này không được ngành chuyên môn khuyến khích, nhưng vì nhanh gọn, ít tốn kém, nên nhiều năm nay, nông dân các địa phương vẫn lựa chọn. “Ruộng bỏ trống gần 4 tháng, nên lúa chét, cỏ dại dày đặc. Không phun thuốc diệt cỏ thì dọn đến khi nào mới xong”, ông Nguyễn Văn Đức, thôn An Hà 3 phân trần.

Theo Trung tâm Khuyến nông-Khuyến ngư tỉnh, tình trạng nông dân chuộng các loại thuốc diệt cỏ mà “quên” phân chuồng, cày dầm đã đến mức báo động. Thói quen này không chỉ khiến ruộng bạc màu, mà còn gây ô nhiễm môi trường và ảnh hưởng sức khỏe người dân về lâu dài.

“Chúng tôi đã tăng cường phổ biến và chuyển giao quy trình sản xuất “1 phải, 5 giảm”, kỹ thuật IPM... nhưng nông dân chưa tích cực hưởng ứng. Vẫn còn nhiều hộ lạm dụng thuốc diệt cỏ, thuốc bảo vệ thực vật trong quá trình sản xuất”, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông-Khuyến ngư Lê Văn Việt cho biết.  

Kiểm soát chất lượng giống, phân bón

Năm 2017, Sở NN&PTNT đã tổ chức 22 cuộc thanh, kiểm tra 841 cơ sở sản xuất, kinh doanh và buôn bán giống, phân bón, vật tư nông nghiệp và thủy sản. Qua đó, phát hiện 49 tổ chức, cá nhân vi phạm. Vì vậy, với diện tích gieo sạ vụ đông xuân 2017-2018 trong toàn tỉnh gần 39 nghìn hécta, lượng giống lúa cần cung ứng trên 3.100 tấn, nên nông dân lo lắng chất lượng giống, phân bón và vật tư nông nghiệp kém chất lượng. Bởi bên cạnh việc mua giống, phân bón và vật tư nông nghiệp tại các HTX nông nghiệp thì, nông dân đành gửi gắm niềm tin ở các cửa hàng, đại lý.

Tại đại lý bán giống Hạnh Phước, xã Bình Hiệp (Bình Sơn) hiện rất tấp nập. Nông dân đến tham khảo và mua giống khá nhiều. Theo tìm hiểu của phóng viên, đại lý Hạnh Phước đã nhập gần 1.500 tấn giống các loại để phục vụ nhu cầu sản xuất. Trong đó, ba loại giống được nông dân hỏi mua nhiều nhất là KDđb, KD28 và ĐH 815-6.

Để tránh tình trạng cháy hàng, đại lý Hạnh Phước tiếp tục đặt các doanh nghiệp hàng trăm tấn giống KDđb, KD28 và ĐH 815-6. Chủ đại lý Hạnh Phước cho biết: “Chúng tôi chỉ có việc bán giống, còn các loại giấy tờ, thủ tục pháp lý liên quan thì doanh nghiệp sản xuất và cung ứng giống sẽ cung cấp”.

Để chấn chỉnh tình trạng giống, phân bón và vật tư nông nghiệp kém chất lượng, sắp tới Sở NN&PTNT cũng sẽ thành lập Đoàn thanh tra kiểm tra việc sản xuất, kinh doanh phân bón, giống lúa vụ đông xuân năm 2017 - 2018 tại các đơn vị, cơ sở sản xuất kinh doanh; cửa hàng, đại lý mua bán giống trên toàn tỉnh. Riêng việc kinh doanh và buôn bán phân bón, Sở NN&PTNT cũng đã quán triệt nội dung Nghị định 108 thay thế Nghị định 202 cho các đơn vị sản xuất và chủ đại lý, cửa hàng buôn bán.

Bài, ảnh: MỸ HOA
 


.