Tuần lễ Cấp cao APEC 2017: Cơ hội để Quảng Ngãi hội nhập, phát triển

10:11, 06/11/2017
.

(Báo Quảng Ngãi)- Nằm trong Diễn đàn kinh tế Châu Á - Thái Bình Dương (APEC) 2017, Tuần lễ cấp cao APEC lần thứ 25 diễn ra từ ngày 6 – 11.11.2017 tại TP.Đà Nẵng. Đây chính là cơ hội lớn để Quảng Ngãi và các tỉnh, thành phố khu vực duyên hải miền Trung hội nhập, phát triển.

TIN LIÊN QUAN

Bí thư Tỉnh ủy Lê Viết Chữ tiếp Tổng Lãnh sự Hoa Kỳ tại TP.Hồ Chí Minh đến chào xã giao lãnh đạo tỉnh.
Bí thư Tỉnh ủy Lê Viết Chữ tiếp Tổng Lãnh sự Hoa Kỳ tại TP.Hồ Chí Minh đến chào xã giao lãnh đạo tỉnh.


Chủ đề Năm APEC 2017 là “Tạo động lực mới, cùng vun đắp tương lai chung”. Các hoạt động APEC năm 2017 tập trung vào các ưu tiên hợp tác như: Thúc đẩy tăng trưởng bền vững, sáng tạo và bao trùm; đẩy mạnh liên kết kinh tế khu vực sâu rộng; nâng cao năng lực cạnh tranh, sáng tạo của các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa trong kỷ nguyên số; tăng cường an ninh lương thực và nông nghiệp bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu.
 

“Đối với Quảng Ngãi, địa phương gần với TP.Đà Nẵng nên có những lợi thế nhất định. Quảng Ngãi nên tận dụng cơ hội “vàng” này để quảng bá hình ảnh Quảng Ngãi đến với Hội nghị cấp cao APEC. Trong Hội nghị cấp cao diễn ra tại TP.Đà Nẵng có 3 cuộc triển lãm; trong đó có cuộc triển lãm về các địa phương. Do đó, Quảng Ngãi nên tranh thủ quảng bá về tiềm năng của mình để hình ảnh của tỉnh đến với các đại biểu dự hội nghị”.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao LÊ THỊ THU HẰNG.

Thành tựu từ hội nhập quốc tế

Thành tựu đáng kể nhất trong hội nhập quốc tế của Quảng Ngãi những năm qua chính là việc thu hút số lượng lớn dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào tỉnh. Qua đó, đóng góp đáng kể vào sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, nhất là đối với ngành công nghiệp. Theo số liệu của Sở KH&ĐT, lũy kế đến cuối tháng 10.2017, toàn tỉnh có 46 dự án FDI còn hiệu lực, với tổng vốn đăng ký trên 1,4 tỷ USD. Trong đó, KKT Dung Quất có 34 dự án (trên 1,25 tỷ USD), các KCN tỉnh 7 dự án (66 triệu USD) và ngoài KKT, KCN có 5 dự án (88,6 triệu USD). Trong số 46 dự án còn hiệu lực, có 26 dự án đã đi vào hoạt động, 17 dự án đang triển khai thực hiện các hoạt động đầu tư. Các dự án FDI trên địa bàn tỉnh góp phần giải quyết hơn 11.400 lao động.

Điển hình cho sự thành công của các dự án FDI tại Quảng Ngãi là Tổ hợp công nghiệp của Công ty TNHH Công nghiệp nặng Doosan Việt Nam (Doosan Vina) và Dự án Khu Công nghiệp - Đô thị và Dịch vụ VSIP Quảng Ngãi, do Công ty liên doanh TNHH KCN Việt Nam – Singapore (VSIP) đầu tư. Với Doosan Vina, sau gần 11 năm hoạt động tại KKT Dung Quất, đến nay doanh nghiệp này đã thu hút hơn 2.300 lao động (80% là người Quảng Ngãi). Sản phẩm của Doosan Vina đã xuất khẩu đến nhiều nước trên thế giới, nhờ đó đã góp phần lan tỏa “thương hiệu” Quảng Ngãi đến nhiều quốc gia. Ngoài ra, Doosan Vina cũng là doanh nghiệp đi đầu đóng góp vào hoạt động an sinh xã hội của tỉnh.

Còn với VSIP Quảng Ngãi, sau hơn 5 năm đầu tư tại Quảng Ngãi, đến nay đã thu hút 13 dự án đầu tư thứ cấp, với tổng vốn đăng ký 238 triệu USD. Hiện có 8 dự án đã đi vào hoạt động, giải quyết việc làm cho khoảng 3.500 lao động. VSIP Quảng Ngãi còn là dự án góp phần tạo nên môi trường đầu tư hấp dẫn, làm “cầu nối” thu hút các nhà đầu tư vào Quảng Ngãi.

Giám đốc Sở Ngoại vụ Huỳnh Thị Ánh Sương cho biết: Một thành tựu quan trọng trong hội nhập quốc tế của tỉnh nữa là hợp tác quốc tế và vận động các nguồn vốn viện trợ phi chính phủ nước ngoài (PCPNN). Trong năm 2017, Quảng Ngãi đã xúc tiến, vận động viện trợ PCPNN đạt hơn 57 tỷ đồng, với 38 chương trình, dự án thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau của 18 tổ chức PCPNN, 3 cơ quan đại diện ngoại giao nước ngoài tại Việt Nam và 3 doanh nghiệp FDI, trong đó lĩnh vực viện trợ khẩn cấp cho người dân bị ảnh hưởng lũ lụt khoảng 3,84 tỷ đồng. “Công tác đối ngoại tại Quảng Ngãi thời gian qua đã từng bước phát huy được vai trò cầu nối, xúc tiến và thúc đẩy hợp tác quốc tế phục vụ mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, góp phần quảng bá, giới thiệu rộng rãi về đất nước, con người, tiềm năng, thế mạnh, bản sắc văn hóa của tỉnh đến với bạn bè quốc tế...”, bà Huỳnh Thị Ánh Sương khẳng định.

Tăng cường hội nhập để phát triển bền vững

Mục tiêu Kế hoạch thực hiện Chiến lược hội nhập quốc tế đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 của Quảng Ngãi là sẽ phát huy tối đa các lợi thế và tiềm năng sẵn có của tỉnh, đẩy mạnh phát triển công nghiệp theo chiều rộng và chiều sâu. Phấn đấu tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trong tỉnh (GRDP) bình quân 5 năm 6 - 7%/năm. Đến năm 2020, GRDP bình quân đầu người khoảng 3.600 - 4.000 USD; kim ngạch xuất khẩu đạt 1 tỷ USD.

Lãnh đạo UBND tỉnh ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác với lãnh đạo quận Nam, thành phố Ulsan (Hàn Quốc).
Lãnh đạo UBND tỉnh ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác với lãnh đạo quận Nam, thành phố Ulsan (Hàn Quốc).


Theo Chủ tịch UBND tỉnh Trần Ngọc Căng, để thực hiện thắng lợi Chiến lược hội nhập quốc tế đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, Quảng Ngãi tiếp tục đẩy mạnh hoàn thiện thể chế, cải cách hành chính; thực hiện Nghị quyết Trung ương 4, khóa X “Về một số chủ trương, chính sách lớn để nền kinh tế phát triển nhanh và bền vững khi Việt Nam là thành viên của Tổ chức Thương mại thế giới” trong tình hình mới, gắn với việc thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội theo Nghị quyết Đại hội XI và XII của Đảng.

Theo đó, tỉnh đẩy mạnh thực hiện cơ chế một cửa hiện đại, một cửa liên thông, nhằm tạo điều kiện cho người dân, doanh nghiệp, nhà đầu tư dễ tiếp cận và thực hiện tốt; nâng cao hiệu quả kinh tế - xã hội - môi trường của đầu tư nước ngoài, tạo cơ hội để doanh nghiệp trong tỉnh tiếp cận thị trường quốc tế. Tập trung nguồn lực đầu tư hạ tầng KKT Dung Quất, các KCN. Thúc đẩy việc sớm hình thành trung tâm lọc hóa dầu và năng lượng của Quốc gia tại KKT Dung Quất. Đẩy nhanh tốc độ phát triển Khu Công nghiệp - Đô thị và Dịch vụ VSIP Quảng Ngãi...

Bên cạnh đó, không ngừng cải thiện môi trường thu hút đầu tư nước ngoài. Ưu tiên thu hút những ngành nghề, lĩnh vực mà tỉnh có lợi thế cạnh tranh, nhất là dự án công nghiệp nặng, quy mô lớn gắn liền với sử dụng cảng biển nước sâu, dự án có giá trị tăng cao, các dự án hướng về xuất khẩu, phát triển cảng biển, phát triển năng lượng... Ngoài ra, gia tăng mức độ liên kết giữa các tỉnh, vùng miền; phát huy thế mạnh của từng địa phương. Chủ động khai thác tối đa các cơ hội thuận lợi, hạn chế thấp nhất các tác động tiêu cực khi Việt Nam gia nhập cộng đồng ASEAN, thực hiện các hiệp định tự do thương mại (FTA) song phương, đa phương...

“Hưởng lợi” từ Hội nghị APEC 2017

Bà Lê Thị Thu Hằng - Vụ trưởng Vụ Thông tin báo chí, người phát ngôn Bộ Ngoại giao cho biết: APEC 2017 hứa hẹn sẽ mở ra cơ hội nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế, đẩy mạnh quan hệ giữa Việt Nam với các đối tác song phương; đồng thời là cơ hội tốt để các doanh nghiệp Việt Nam tìm kiếm đối tác kinh doanh. Quảng Ngãi cũng sẽ được hưởng lợi từ sự kiện này.

Theo bà Lê Thị Thu Hằng, APEC 2017 là diễn đàn khu vực hội tụ các nền kinh tế hàng đầu trên thế giới và liên kết kinh tế quy mô lớn nhất Châu Á - Thái Bình Dương. Vì thế, đây là dịp tốt để chúng ta quảng bá chính sách đối ngoại, rộng mở, đa phương hóa, đa dạng hóa chính sách sâu rộng của Việt Nam với quốc tế; đồng thời quảng bá hình ảnh và đất nước, con người Việt Nam.

Sự hội tụ của các nền kinh tế năng động hàng đầu khu vực và thế giới như Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia... cùng hơn 1.000 doanh nghiệp quốc tế thuộc các thành viên APEC đến Việt Nam trong dịp diễn ra sự kiện APEC 2017 sẽ mang lại nhiều cơ hội để kết nối các doanh nghiệp Việt Nam với các doanh nghiệp hàng đầu thế giới và tìm kiếm cơ hội hợp tác làm ăn. Chính vì vậy, APEC 2017 có ảnh hưởng tích cực tới các doanh nghiệp Việt Nam, tác động vào các thể chế, chính sách đất nước, cũng như để chúng ta học tập kinh nghiệm, quảng bá hình ảnh và tạo dựng quan hệ hợp tác kinh doanh với các đối tác phát triển hơn trong khu vực.


Bài, ảnh: PHẠM DANH

 


.