"Sốc" 6.000 nhân viên nghỉ việc, Chủ tịch Mai Linh vẫn nói... "cứng"

09:10, 02/10/2017
.

Sau khi Vinasun cắt giảm 8.000 nhân viên do kinh doanh khó khăn, đến lượt Mai Linh cũng có đến 6.000 nhân viên nghỉ việc, chiếm 20%. Tuy nhiên, lãnh đạo tập đoàn Mai Linh lại cho rằng, việc cắt giảm nhân sự này nhằm "dồn sức" cạnh tranh với taxi công nghệ.
 
Báo cáo kết quả kinh doanh hợp nhất bán niên 2017 của Công ty Cổ phần Tập đoàn Mai Linh (Mai Linh Group) cho thấy những con số không mấy sáng sủa. Theo đó, doanh thu thuần của Mai Linh trong 6 tháng đầu năm giảm hơn 5% cùng kỳ, chỉ còn gần 1.722 tỷ đồng. Kết quả hoạt động kinh doanh của Mai Linh báo lỗ thuần gần 48 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm 2016 con số này là 25 tỷ đồng.
 
Lợi nhuận khác giảm 16%, chủ yếu do kết quả thanh lý tài sản cố định sụt giảm khiến lợi nhuận sau thuế của tập đoàn chỉ còn gần 29 tỷ đồng, chưa tới một nửa so với cùng kỳ năm trước.
 
Tính đến hết ngày 30/6, khoản lỗ lũy kế của Tập đoàn Mai Linh đã lên tới gần 800 tỷ đồng, xấp xỉ 80% vốn điều lệ. Khoản lỗ này là kết quả tồn đọng thua lỗ ở giai đoạn dài trước đó.
 
Ngoài ra, báo cáo tài chính bán niên còn cho biết, trong nửa đầu năm 2017, đã có 6.000 nhân viên, tương đương 20% số lượng nhân sự của Mai Linh nghỉ việc. Cụ thể, tính đến hết quý II, tổng số nhân viên của Mai Linh chỉ còn 24.000 người, trong con số ở cuối năm 2016 là gần 30.000 người.

 

Sau khi Vinasun cắt giảm 8.000 nhân viên do kinh doanh khó khăn, đến lượt Mai Linh cũng có đến 6.000 nhân viên nghỉ việc, chiếm 20%.
Sau khi Vinasun cắt giảm 8.000 nhân viên do kinh doanh khó khăn, đến lượt Mai Linh cũng có đến 6.000 nhân viên nghỉ việc, chiếm 20%.

 

Việc cắt giảm gần 6.000 nhân viên của Tập đoàn Mai Linh khiến dư luận khá quan tâm trong thời gian vừa qua nhưng lãnh đạo công ty này vẫn... "nói cứng".

Ông Hồ Huy, Chủ tịch Tập đoàn Mai Linh cho biết, việc cắt giảm nhân viên là do tập đoàn này đang "dồn sức" vào việc sử dụng công nghệ để điều hành mạng lưới taxi "khổng lồ" của mình. Bằng chứng là Mai Linh tiếp tục tăng số đầu xe, kêu gọi người có xe nhàn rỗi tham gia Mai Linh Car (taxi công nghệ) để cùng hợp tác kinh doanh.
 
“Với Mai Linh Car, chúng tôi chỉ thu của lái xe mức phí dịch vụ 15%, thấp hơn so với mức 20% mà Uber và Grab đang áp dụng. Ngoài ra, hệ thống bảo dưỡng, sửa chữa xe nội bộ giá rẻ, mua bảo hiểm nhân thọ cho lái xe sẽ là điểm cộng của Mai Linh đối với các tài xế”, ông Huy nói.
 
Tập đoàn Mai Linh đang áp dụng công nghệ vào hoạt động điều hành taxi, triển khai app taxi Mai Linh trên tất cả 54 tỉnh thành của Việt Nam mà Mai Linh có mặt.
 
Cũng theo ông Huy, một nguyên nhân khác dẫn đến việc cắt giảm gần 6.000 lao động trong nửa đầu năm 2017 là do Tập đoàn Mai Linh đang thực hiện hợp nhất, sáp nhập các đơn vị chi nhánh ở cả ba miền để đồng bộ hóa quản lý và chất lượng dịch vụ, cắt bỏ bộ máy trung gian, tiết giảm chi phí.
 
Trong quá trình tái cấu trúc khiến Mai Linh phải cắt giảm một số nhân sự gián tiếp. Việc áp dụng công nghệ cũng dẫn đến một số lao động dôi thừa, một số nhân viên được điều chuyển từ bộ phận này sang bộ phận khác. Ngoài ra cũng có nhiều lái xe chuyển qua chạy cho Uber, Grab.
 
Chủ tịch Tập đoàn Mai Linh nhận định, có một thực tế không thể phủ nhận là vài năm gần đây, sự “đổ bộ” của Uber, Grab với điều kiện kinh doanh không công bằng đã gây ảnh hưởng không nhỏ đến doanh thu của các hãng taxi truyền thống.
 
Tuy nhiên, ông Hồ Huy cho rằng, thời gian gần đây có nhiều thời điểm trong ngày giá cước của Uber và Grab cao hơn nhiều so với taxi truyền thống do Uber và Grab đã hạn chế “chiêu” huy động nguồn tiền từ quỹ đầu tư mạo hiểm, chịu lỗ để tung các khuyến mãi, thưởng doanh thu nhằm thu hút lái xe và khách hàng. Chính vì thế, đây sẽ là cơ hội để các hãng taxi tung ra các thế mạnh sẵn có của mình.
 
Ông Huy cho rằng, giá cước của taxi truyền thống trong tương lai sẽ rẻ hơn giá cước hiện tại nếu sử dụng công nghệ để tiết kiệm chi phí quản lý và tiết kiệm chi phí mua xe mới.
 
Công Quang/Dân trí

.