Kiểm soát nợ công: Vẫn còn chông chênh

07:10, 24/10/2017
.

(Báo Quảng Ngãi)- Hiện tại nợ công của Quảng Ngãi vẫn nằm trong tầm kiểm soát. Tuy nhiên, về phương thức quản lý theo chỉ đạo của Chính phủ thì việc kiểm soát nợ công của tỉnh cần phải chặt chẽ hơn, nhằm tăng tính hiệu quả của nguồn vốn này.

TIN LIÊN QUAN


Nợ mới phát sinh

Theo báo cáo của Sở Tài chính, trong 9 tháng đầu năm 2017, vay nợ của ngân sách địa phương tiếp tục phát sinh thêm hơn 252 tỷ đồng. Khoản vay này đầu tư kiên cố hóa kênh mương, phát triển giao thông nông thôn, trạm bơm điện phục vụ sản xuất nông nghiệp, hạ tầng nuôi trồng thủy sản và làng nghề, lồng ghép thực hiện Chương trỉnh mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới... Ngoài ra, ngân sách địa phương hiện còn nợ Dự án năng lượng nông thôn II gần 210 tỷ đồng; nợ tạm ứng Kho bạc Nhà nước 150 tỷ đồng.

Hệ thống cấp nước Lý Sơn đầu tư từ nguồn vay WB.
Hệ thống cấp nước Lý Sơn đầu tư từ nguồn vay WB.


Đối với nợ công của tỉnh gồm các khoản vay ODA, trái phiếu Chính phủ, tính đến nay, Quảng Ngãi đã nợ lên đến hàng nghìn tỷ đồng. Số vốn này tập trung chủ yếu vào các nhà tài trợ chính như WB, JICA, SP-RCC, ADB...

So sánh số nợ công của tỉnh theo từng năm, thì khoản nợ dao động tăng không đáng kể, song vẫn ở mức cao. Năm 2015, Quảng Ngãi có 16 chương trình, dự án ODA, với tổng vốn 213 tỷ đồng. Năm 2016, nguồn nợ công của tỉnh được giao là 343 tỷ đồng. Năm 2017, nguồn vốn ODA tương đương 2016, còn vốn trái phiếu Chính phủ được chuyển tiếp từ 2016 sang hơn 100 tỷ đồng.

Theo Nghị quyết của HĐND tỉnh ban hành kế hoạch đầu tư công trung hạn 2016 – 2020, từ nay đến 2020, tổng kế hoạch đầu tư công của Quảng Ngãi khoảng 18.000 tỷ đồng. Cũng trong giai đoạn này, ngân sách còn phải lo trả nợ khoảng 705 tỷ đồng đến hạn.

Kiểm soát hiệu quả, lo trả nợ vay

So với các tỉnh, thành trong cả nước, nợ công của Quảng Ngãi hiện đang ở mức trung bình thấp. Tuy nhiên, điều quan trọng trong quản lý nợ công không phải chỉ là kiểm soát các con số mà cần phải quan tâm đến việc sử dụng đồng vốn vay này; từ đó đảm bảo được dòng tiền trả nợ trong tương lai. Thế nhưng,  Quảng Ngãi chưa chú trọng đồng đều. Thời gian gần đây, UBND tỉnh liên tiếp chỉ đạo về vay vốn ODA, vốn trái phiếu Chính phủ. Tuy nhiên, hầu như chỉ đề cập đến đề xuất nhu cầu sử dụng các nguồn vốn này; thúc đẩy giải ngân, còn tình hình sử dụng vốn vay như thế nào, hiệu quả ra làm sao thì chưa được chú trọng đúng mức.

Hiện tại, nguồn vốn vay ODA có thời hạn khá dài, với mục tiêu hỗ trợ phát triển. Quảng Ngãi tuy là tỉnh có nguồn thu ngân sách cao so với mặt bằng chung cả nước, nhưng nếu tách riêng thu ngân sách ngoài sản phẩm lọc dầu thì lại rất thấp. Vì thế, có thêm nguồn vốn vay ODA hay nguồn trái phiếu Chính phủ, tỉnh có thêm điều kiện để đầu tư giảm nghèo và phát triển cơ sở hạ tầng, đặc biệt là hạ tầng nông thôn, miền núi. Thế nhưng, nguồn vốn này đòi hỏi phải được kiểm soát, theo dõi chặt chẽ hiệu quả, để thu hồi tiền trả nợ vay trong tương lai.

Lâu nay việc trả nợ công  hầu như là tạm ứng nguồn tiền từ ngân sách. Đơn cử như hồi tháng 9, UBND tỉnh đã quyết định tạm ứng ngân sách năm 2018 số tiền 280 tỷ đồng để trả nợ công đến hạn. Đó là giải pháp tình thế, còn về lâu dài, việc trả nợ phải được tính toán bền vững từ hiệu quả mà dự án đầu tư nguồn vốn vay này mang lại, nhằm giảm gánh nặng nợ công cho ngân sách.

Bài, ảnh: THANH NHỊ

 


.