Hiệu quả từ những mô hình khuyến nông

10:10, 16/10/2017
.

(Báo Quảng Ngãi)- Trong giai đoạn 2011 – 2016, trên địa bàn tỉnh đã thực hiện 760 mô hình khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư, với tổng số tiền trên 165,5 tỷ đồng, trong đó ngân sách Trung ương 4,6 tỷ đồng, ngân sách tỉnh 19,9 tỷ đồng, ngân sách huyện (cả kinh phí thực hiện Nghị quyết 30a và Chương trình 135) 80 tỷ đồng.

TIN LIÊN QUAN

Từ sản xuất lúa đạt kết quả cao

Theo đánh giá của các ngành, địa phương, việc xây dựng các mô hình khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư trong giai đoạn 2011 - 2016 được triển khai trên diện rộng, đã tạo điều kiện cho nông dân trong tỉnh tiếp cận, nắm bắt kỹ thuật, mạnh dạn áp dụng vào sản xuất, góp phần phát triển kinh tế nông thôn. Trong đó, nhiều mô hình sản xuất lúa đạt kết quả cao như: Sử dụng các loại giống mới và áp dụng các biện pháp kỹ thuật, cải tiến kỹ thuật canh tác lúa nước, làm giảm chi phí sản xuất, nâng cao năng suất (từ 10 - 15%); chất lượng lúa gạo, hiệu quả thu nhập trên đơn vị diện tích và đã được nhân rộng ở nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh. Bên cạnh đó, các mô hình cánh đồng mẫu lớn bước đầu đã được triển khai thực hiện ở các huyện, tạo thuận lợi để thực hiện cơ giới hóa, giảm chi phí sản xuất, hình thành vùng chuyên canh sản xuất hàng hóa tập trung.

Mô hình trồng cỏ nuôi bò, lai tạo đàn bò bằng kỹ thuật thụ tinh nhân tạo tại huyện Đức Phổ đạt hiệu quả cao, tạo ra nhiều bê lai giống tốt, góp phần nâng cao tỷ lệ đàn bò lai của tỉnh.                           Ảnh: PV
Mô hình trồng cỏ nuôi bò, lai tạo đàn bò bằng kỹ thuật thụ tinh nhân tạo tại huyện Đức Phổ đạt hiệu quả cao, tạo ra nhiều bê lai giống tốt, góp phần nâng cao tỷ lệ đàn bò lai của tỉnh. Ảnh: PV


Ngoài ra, Trung tâm Giống tỉnh đã triển khai dự án mô hình liên kết sản xuất, tiêu thụ hạt giống lúa xác nhận cấp 1 (giống lúa ngắn ngày chất lượng cao) tại các huyện Mộ Đức, Tư Nghĩa, Đức Phổ với quy mô 95ha. Qua đó, đã tạo điều kiện cho nông dân trong vùng dự án được tập huấn sản xuất hạt giống lúa cấp xác nhận 1 và kỹ thuật thâm canh giống lúa trong sản xuất đại trà. Dự án đã mua và tiêu thụ 360 tấn lúa giống các loại, giúp nông dân tăng cao thu nhập.

Đến hiệu quả việc chuyển đổi cây trồng và chăn nuôi

Không chỉ sản xuất lúa, các mô hình chuyển đổi cây trồng như: Bắp, đậu các loại trên đất lúa thiếu nước tưới vụ hè thu tại các huyện đồng bằng đã đem lại hiệu quả rõ rệt, giải quyết được việc thiếu nước tưới, tăng thu nhập cho người nông dân từ 10- 15 triệu đồng/ha so với trồng lúa đại trà. Cùng với đó, mô hình trồng nấm đạt hiệu quả cao đã và đang được nông dân nhân rộng tại các huyện Mộ Đức, Bình Sơn... qua việc tận dụng phụ phẩm trong sản xuất nông nghiệp và thời gian nhàn rỗi để tăng thu nhập cho các hộ gia đình.

Đối với lĩnh vực chăn nuôi, các mô hình nuôi bò thịt, bò cái lai sinh sản áp dụng các biện pháp kỹ thuật và các phương pháp chăn nuôi cải tiến đã được thực hiện rộng khắp trên địa bàn tỉnh, đem lại hiệu quả kinh tế cao. Dự án lai tạo đàn bò bằng kỹ thuật thụ tinh nhân tạo cho 20.000 bò mẹ đã tạo ra trên 16.000 bê lai tại các huyện trong tỉnh, góp phần nâng cao nhanh tỷ lệ đàn bò lai trên địa bàn tỉnh lên đến 58%. Các mô hình cải tạo đàn trâu, chăn nuôi trâu cải tiến ở các huyện miền núi Ba Tơ, Sơn Hà, Minh Long đã phát huy hiệu quả, góp phần giảm được tỷ lệ trâu cận huyết, nâng cao tầm vóc, khả năng chống chịu bệnh tật và cải tiến chất lượng đàn trâu.

Ngoài ra, những năm qua, thực hiện hỗ trợ sản xuất theo Nghị quyết 30a và Chương trình 135, các huyện miền núi đã ưu tiên hỗ trợ trâu, bò cái giống và trâu bò đực giống, chỉ đạo thực hiện các biện pháp kỹ thuật trong chăn nuôi như làm chuồng trại, chất rơm rạ và trồng cỏ để chủ động nguồn thức ăn cho gia súc đã tạo ra được một số mô hình tốt trong chăn nuôi trâu, bò trên địa bàn miền núi.

Tuy đã tạo ra được nhiều mô hình khuyến nông đem lại hiệu quả cao và đã được nhân rộng đến nhiều địa phương trong tỉnh, nhưng vẫn còn có không ít mô hình được đánh giá là có hiệu quả, nhưng tác động lan tỏa còn hạn chế, hoặc không được duy trì, phát triển, nhân rộng, thậm chí có một số mô hình thực sự không hiệu quả.

Qua kiểm tra, xem xét thực tế tại 68 mô hình ở 26 xã của 7 huyện Bình Sơn, Mộ Đức, Đức Phổ, Nghĩa Hành, Ba Tơ, Sơn Hà và Sơn Tây cho thấy, có 30/68 mô hình không hiệu quả. Nguyên nhân một phần là do các cấp, ngành hữu quan của tỉnh chưa chú trọng đúng mức đối với công tác khuyến nông. Do đó, các cấp ngành, đoàn thể hữu quan cần tạo thêm nguồn lực để làm tốt hơn nữa công tác triển khai thực hiện và nhân rộng các mô hình khuyến nông trên địa bàn toàn tỉnh trong thời gian tới.


NGUYỄN KHÂM

 


.