Giảm tổn thất sau thu hoạch: Chính sách khó thực thi

04:10, 03/10/2017
.

(Báo Quảng Ngãi)- Mục tiêu của Quyết định 68 (QĐ 68) về một số chính sách giảm tổn thất sau thu hoạch, là tăng cường chế biến sâu, chế biến tinh để nâng cao giá trị gia tăng của sản phẩm. Tuy nhiên, nông dân và doanh nghiệp hầu như không tiếp cận được nguồn vốn vay ưu đãi để mua máy móc, trang thiết bị phục vụ sản xuất, nên tỷ lệ tổn thất sau thu hoạch còn lớn, chất lượng bảo quản, chế biến nông sản, thủy sản chưa cao...

Đứng ngoài chính sách

 Theo đánh giá của Chi cục Phát triển nông thôn, tỷ lệ cơ giới hóa trong nông nghiệp ngày càng tăng, nhất là ở khâu làm đất và thu hoạch hiện đã đạt trên 90%. Tuy nhiên, phía sau con số ấn tượng ấy, các chủ máy (chủ yếu là nông dân) lại chật vật, thậm chí thua lỗ vì máy móc thường xuyên trục trặc, hư hỏng. “Do không có điều kiện, nên chúng tôi thường sắm máy cũ do Trung Quốc, Đài Loan sản xuất. Nhưng mấy loại này thường xuyên hỏng hóc, tốn kém nhiều chi phí và thời gian sửa chữa”, ông Trần Hùng, xã Hành Minh (Nghĩa Hành) bộc bạch.

Cơ giới hóa chỉ tập trung ở khâu làm đất và thu hoạch lúa.
Cơ giới hóa chỉ tập trung ở khâu làm đất và thu hoạch lúa.


Theo ông Hùng, cùng chủng loại máy gặt đập liên hợp, nhưng nếu máy cũ do Đài Loan, Trung Quốc sản xuất có giá dưới 100 triệu đồng, trong khi của Nhật hoặc Mỹ thì cao gấp 6-10 lần. Tuy đắt, nhưng các loại máy của Mỹ hoặc Nhật ít khi hư hỏng, tiết kiệm nhiên liệu. Biết vậy, nhưng nhiều nông dân như ông Hùng vẫn chọn mua máy cũ của Trung Quốc, Đài Loan sản xuất, vì nguồn lực hạn hẹp.

Khi nghe thông tin về QĐ 68, nếu muốn đầu tư máy gặt đập liên hợp hàng mới 100% thì làm hồ sơ, gửi Chi cục Phát triển nông thôn và Ngân hàng NN&PTNT (Agribank) để vay vốn theo diện ưu đãi, được Nhà nước hỗ trợ 100% lãi suất trong hai năm, ông Hùng nói: “Tôi cũng có hỏi rồi, nhưng khó khăn quá! Ngân hàng cũng không nhiệt tình cho vay nên thôi".
 

Theo điều tra của Viện Cơ điện nông nghiệp và Công nghệ sau thu hoạch (Bộ NN&PTNT), nhóm cây lương thực có tỷ lệ tổn thất cao là lúa (11-13%), bắp (13-15%), tập trung ở khâu thu hoạch, phơi sấy, bảo quản, chế biến. Ngoài ra, rau quả và thủy sản đánh bắt cũng bị tổn thất hơn 20% cả về sản lượng và chất lượng. Vì vậy mỗi năm, nông dân thất thoát hàng nghìn tỷ đồng.

Không chỉ nông dân, mà các HTX nông nghiệp và doanh nghiệp (DN) cũng phàn nàn chuyện “khó tiếp cận vốn vay ưu đãi theo QĐ 68”. Bởi ngoài tài sản thế chấp, hiệu quả hoạt động, ngân hàng còn yêu cầu phương án sản xuất kinh doanh sau khi đầu tư mua sắm máy móc phải hiệu quả. Đây là rào cản khiến các HTXNN và DN đứng ngoài chính sách. “Chẳng có HTXNN hay DN nào muốn mình sử dụng nguồn vốn vay kém hiệu quả. Vì vậy, việc ngân hàng cứ đòi hỏi thủ tục này, phương án kia chẳng qua là vì muốn làm khó, không muốn tạo điều kiện cho chúng tôi vay vốn. Bởi, ngân hàng biết đầu tư trong lĩnh vực nông nghiệp gặp nhiều rủi ro, nhưng lợi nhuận lại thấp”, đại diện lãnh đạo một công ty sản xuất và kinh doanh giống bày tỏ.

Do đối tượng thụ hưởng không nhiệt tình

Theo đại diện lãnh đạo Agribank - Chi nhánh Quảng Ngãi, ngân hàng luôn tạo điều kiện để cá nhân, tổ chức và đơn vị tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi theo chính sách giảm tổn thất sau thu hoạch, góp phần nâng cao giá trị sản phẩm. Tuy nhiên, cho rằng máy nội địa hiệu quả sử dụng thấp, nên đối tượng thụ hưởng chính sách không nhiệt tình vay vốn đầu tư theo QĐ 68.

Nhưng theo tìm hiểu của phóng viên, nguyên nhân chính khiến người dân không tiếp cận được với QĐ 68 là do thủ tục vay vốn rườm rà, chỉ được vay 70% giá trị của máy móc, còn lãi suất ưu đãi thì phải... đợi. Trong khi đó, theo QĐ 68, các tổ chức, cá nhân có thể vay tối đa 100% giá trị hàng hóa để mua sắm các loại máy, thiết bị phục vụ sản xuất nông- lâm- ngư nghiệp... và được nhà nước hỗ trợ 100% lãi suất vốn vay trong hai năm đầu, 50% trong năm thứ ba.

Hơn nữa, sau những bất cập của QĐ 63, 65 thì QĐ 68 không quy định tỷ lệ máy nội địa hóa 60% như trước, mà yêu cầu người vay phải mua máy mới 100%. Trong khi đó, nông dân lại cho rằng, ngân hàng chỉ việc đồng ý cho vay vốn, còn sắm máy nào là quyền của họ. Đây chính là lý do khiến các ngân hàng “ngại” cho vay theo QĐ 68, vì lo nông dân xây dựng phương án vay tiền mua máy mới, nhưng lại sắm máy cũ.

Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn Lê Văn Dương cũng cho rằng, những năm qua, đơn vị chưa tiếp nhận bất cứ yêu cầu, đề nghị hỗ trợ vay vốn theo QĐ 68 của cá nhân hay tổ chức, DN nào. Vì vậy, dù tỷ lệ cơ giới hóa trên địa bàn tỉnh cao, nhưng hiệu quả thấp, lại chỉ tập trung vào cây lúa và ở khâu làm đất, thu hoạch; còn chăn nuôi, thủy sản và lĩnh vực bảo quản, chế biến thì chưa được quan tâm đúng mức.

Với những rào cản về thủ tục, cơ chế... thì QĐ 68 rất khó đi vào cuộc sống. Vì vậy, bên cạnh việc thông tin, tuyên truyền để người dân, DN nắm bắt đầy đủ nội dung chính sách; thiết nghĩ ngân hàng cũng cần linh hoạt hơn trong việc hỗ trợ, giải quyết hồ sơ, thủ tục giúp các đối tượng thụ hưởng chính sách thuận lợi và mạnh dạn vay vốn đầu tư theo QĐ 68.

Bài, ảnh: MỸ HOA

 


.