Dòng tín dụng cuối năm chảy về đâu?

02:10, 12/10/2017
.

(Báo Quảng Ngãi)- Trước yêu cầu của Ngân hàng Nhà nước về nâng cao chất lượng tín dụng cuối năm, các ngân hàng trên địa bàn tỉnh đã và đang “nắn” dòng tiền vào các lĩnh vực kinh doanh, tạo ra sản phẩm có giá trị cao nhất.

TIN LIÊN QUAN

Vốn vào nhà máy, đồng ruộng... và bất động sản

Theo thông tin từ các ngân hàng thương mại trong tỉnh, hiện cho vay trên địa bàn đang tập trung vào một số lĩnh vực như công nghiệp phụ trợ; thu mua chế biến nông – lâm – hải sản; đầu tư nông nghiệp, nông thôn. Dư nợ cho vay các lĩnh vực này đang tăng ở mức 8 - 18%. Cá biệt, cho vay nông nghiệp công nghệ cao theo chủ trương của Chính phủ đang có bước chuyển mạnh.

 Phòng giao dịch Agribank Lý Sơn giải quyết thủ tục cho nông dân vay vốn trồng hành, tỏi.
Phòng giao dịch Agribank Lý Sơn giải quyết thủ tục cho nông dân vay vốn trồng hành, tỏi.


Các DN chế biến nông – lâm – hải sản do tập trung cho thị trường Tết và xuất khẩu đầu năm, khiến tín dụng ở lĩnh vực này trở nên sôi động. Từ tháng 9 đến nay, các ngân hàng thương mại trên địa bàn tỉnh đã giải ngân “gói chục tỷ” cho nhiều DN. Mục đích vay vốn tập trung thu mua nguyên liệu, chế biến, tiêu thụ nội địa và xuất khẩu với đơn hàng lớn. Tình hình sử dụng vốn hầu hết là đúng mục đích, trả nợ đúng cam kết.

Đại diện Vietcombank Quảng Ngãi, cho biết: “Nguồn vốn hiện nay của ngân hàng đảm bảo đáp ứng mọi nhu cầu vay của khách hàng, đặc biệt là các DN hoạt động sản xuất kinh doanh trong lĩnh vực được tỉnh khuyến khích đầu tư. Nếu DN đủ điều kiện vay, ngân hàng sẽ nhanh chóng giải ngân, giúp DN tận dụng tốt mọi cơ hội làm ăn, phát triển”.

Còn với Agribank Quảng Ngãi, mục tiêu phục vụ tín dụng cuối năm là tập trung phục vụ sản xuất kinh doanh theo hướng đồng vốn phải vào nhà máy, ra đồng ruộng, giúp doanh nhân, nông dân tháo gỡ khó khăn, làm giàu chính đáng.

Giám đốc Agribank Quảng Ngãi  Đinh Văn Công, cho biết: “9 tháng năm 2017, ngân hàng đã cho vay khoảng 1.000 tỷ đồng, trong đó tập trung chủ yếu là DN trực tiếp tiêu thụ, chế biến nông – lâm sản; nông dân đầu tư trang trại, sản xuất cánh đồng lớn”. Các lĩnh vực khác, ngân hàng chỉ giải quyết cho vay đối với dự án dự báo có hiệu quả, chủ đầu tư chứng minh được năng lực kinh doanh.

Hiện tại, các dự án bất động sản đang trở mình. Dự án mới ra đời, trong khi các dự án cũ, thực hiện cầm chừng vì thiếu nguồn tài chính, nay đang khởi động trở lại. Đây cũng chính là dấu hiệu cho thấy dòng tiền đang rót vào lĩnh vực này.

 Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước, hiện tại Quảng Ngãi đang nỗ lực điều chỉnh cơ cấu tín dụng và hướng dòng tín dụng vào lĩnh vực trực tiếp đầu tư sản xuất thay vì đầu tư vào lĩnh vực rủi ro là bất động sản. Đó thực sự là hướng đi đúng đắn, đảm bảo cân đối phát triển, tạo việc làm, thu nhập cho người dân.

Thời điểm thuận lợi để vay vốn

Mặt bằng lãi suất cho vay đối với các lĩnh vực ưu tiên gồm nông nghiệp nông thôn, DN nhỏ và vừa, công nghiệp hỗ trợ, xuất khẩu, DN ứng dụng công nghệ cao... hiện nay vào khoảng 6 - 6,5%/năm đối với kỳ hạn ngắn và khoảng 8 - 10%/năm đối với trung và dài hạn. Lãi suất cho vay ngắn hạn được các ngân hàng áp dụng đối với khách hàng tốt từ 4 - 5%/năm. Hiện tại, lãi suất cho vay đang ở mức thấp hơn 0,5% so với đầu năm 2017. Đây là thuận lợi để DN vay vốn, đầu tư mở rộng sản xuất kinh doanh. Ngoài ra, trong 3 tháng cuối năm, nhu cầu vay tiêu dùng trong dân, đặc biệt là vay sửa chữa nhà ở, làm nhà mới dự báo sẽ tăng cao.

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có khoảng 25 ngân hàng thương mại, nhưng chính sách tín dụng tốt và dư nợ lớn tập trung ở 3 ngân hàng lớn gồm Vietcombank, BIDV, Vietinbank. Từ nay đến cuối năm, các ngân hàng này đang tập trung tăng trưởng tín dụng thêm khoảng 2 - 3%, vừa là đáp ứng nhu cầu vốn, góp phần gỡ khó cho DN theo chỉ đạo của tỉnh; vừa giải ngân hết dòng tiền gửi dự kiến sẽ tăng trong 3 tháng cuối năm.


   Bài, ảnh: THANH NHỊ


 


.