Công nghiệp cơ khí khởi sắc

08:09, 19/09/2017
.

(Báo Quảng Ngãi)- Những năm gần đây, ngành công nghiệp Quảng Ngãi có sự phát triển vượt bậc, đóng góp rất lớn vào thành tựu phát triển kinh tế của tỉnh, trong đó lĩnh vực công nghiệp cơ khí đã có những bước tiến đáng kể.

TIN LIÊN QUAN

Đầu tàu là Doosan Vina

Nói đến công nghiệp cơ khí Quảng Ngãi, “địa chỉ” đầu tiên được mọi người nhắc đến là Công ty TNHH Công nghiệp nặng Doosan Việt Nam (Doosan Vina), đóng trên địa bàn KKT Dung Quất. Đây cũng là đầu tàu của ngành công nghiệp cơ khí chế tạo ở Quảng Ngãi trong giai đoạn hiện nay.

Cẩu trục RMQC do Doosan Vina sản xuất được vận chuyển lên tàu để chuyển đến khách hàng Ấn Độ.
Cẩu trục RMQC do Doosan Vina sản xuất được vận chuyển lên tàu để chuyển đến khách hàng Ấn Độ.


Mới đây, Doosan Vina đã hoàn thành việc vận chuyển ba cẩu trục chạy trên hệ thống ray (RMQC) đến Ấn Độ. Như vậy, trong hợp đồng cung ứng 12 cẩu trục chạy ray (RMQC) cho khách hàng ở Ấn Độ, đến nay Doosan Vina đã hoàn thành cung ứng được 2 chuyến hàng, với 6 cẩu trục chạy ray “khổng lồ”. Mỗi cần cẩu RMQC có trọng lượng 1.400 tấn, cao 84m, dài 144m và rộng 26m...

Theo Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp cơ khí Việt Nam Nguyễn Văn Thụ, kể từ khi thành lập (tháng 5.2009) đến nay, Doosan Vina đã cung cấp sản phẩm lò hơi cho các dự án nhiệt điện lớn như Mông Dương 2, Vĩnh Tân 4, Sông Hậu 1 và sắp đến là Vĩnh Tân 4 mở rộng. Tất cả đều đóng vai trò vô cùng quan trọng trong quá trình nội địa hóa sản phẩm cơ khí hiện nay của Việt Nam. Trong suốt thời gian thực hiện, Doosan Vina luôn đảm bảo tiến độ, nhằm nâng cao nội địa hóa nhiệt điện của đất nước, luôn mang đến những sản phẩm chất lượng cao.

Tổng Giám đốc Doosan Vina Yeon In Jung cho biết, kể từ khi đi vào hoạt động đến nay, Doosan Vina đã sản xuất và cung ứng 71 cẩu container hàng hóa khổng lồ hiện đại, phục vụ bốc dỡ cho hàng chục nghìn chuyến tàu xuyên các đại dương để đưa hàng hóa đến các cảng biển khắp nơi trên toàn thế giới. Ngoài đơn hàng cung cấp cẩu trục cho khách hàng nước ngoài, Doosan Vina đã cung cấp sản phẩm cẩu trục cho các cảng biển nội địa như các cảng Đà Nẵng, Sài Gòn, Nghi Sơn...

Tiềm năng còn lớn...

Với lợi thế cảng biển nước sâu Dung Quất, nguồn lao động tại chỗ dồi dào và các cơ chế chính sách ưu đãi thuận lợi, Quảng Ngãi có thế mạnh để thu hút đầu tư phát triển mạnh ngành công nghiệp cơ khí. Đặc biệt, sau khi Dự án Khu liên hợp sản xuất gang thép Hoà Phát Dung Quất của Tập đoàn Hòa Phát được cấp phép đầu tư tại KKT Dung Quất đã trở thành động lực kéo theo nhiều dự án sản xuất, gia công cơ khí đầu tư vào Dung Quất. Dự án gang thép Hòa Phát Dung Quất có công suất thiết kế 4 triệu tấn/năm, chia thành 2 giai đoạn, trong đó giai đoạn I: 2 triệu tấn thép/năm; giai đoạn II: 2 triệu tấn thép dẹp/năm.

Theo thống kê chưa đầy đủ, trên địa bàn KKT Dung Quất và các KCN của tỉnh hiện có 11 dự án sản xuất thuộc lĩnh vực công nghiệp cơ khí đang hoạt động. Riêng từ đầu năm đến nay, Ban Quản lý KKT Dung Quất và các KCN tỉnh đã cấp phép đầu tư cho 7 dự án sản xuất cơ khí, với tổng vốn đăng ký đầu tư trên 340 tỷ đồng.

Trong đó, có thể kể đến là Dự án Nhà máy chế tạo thiết bị phụ trợ và bãi đỗ phương tiện vận tải cho Khu liên hợp sản xuất gang thép Hoà Phát Dung Quất, do Công ty CP thép Hoà Phát Dung Quất đầu tư, với tổng vốn đầu tư 120 tỷ đồng. Quy mô: Sản xuất gia công cơ khí, kết cấu thép khoảng 1.800 tấn/năm; sửa chữa bảo dưỡng, lắp đặt máy móc, thiết bị phương tiện; bãi đỗ xe, phương tiện vận chuyển phục vụ cho hoạt động sản xuất của Khu liên hợp sản xuất gang thép Hòa Phát Dung Quất.

Cùng với đó là các dự án: Nhà máy sản xuất dây cán thép (Công ty TNHH Việt Quang), vốn đầu tư 40 tỷ đồng, với quy mô 2.000 tấn/tháng. Khu dịch vụ AIOS Dung Quất (Công ty TNHH AIOS), vốn đầu tư gần 70 tỷ đồng; quy mô: Gia công cơ khí, xử lý và tráng phủ kim loại; sửa chữa, bảo trì, bảo dưỡng các thiết bị cơ khí 40.000-60.000 tấn/năm; gia công, chế tạo cơ khí 2.000 - 3.000 tấn sản phẩm/năm. Nhà máy cơ khí T-T-T (Công ty TNHH T-T-T), vốn đầu tư gần 43 tỷ đồng; sản xuất, gia công cơ khí 1.900 sản phẩm/năm...

Như vậy có thể thấy, Dự án gang thép Hòa Phát Dung Quất sau khi được cấp phép đầu tư, đã và đang trở thành “nam châm” thu hút thêm nhiều dự án cơ khí khác đến với KKT Dung Quất, góp phần thúc đẩy sản xuất công nghiệp của tỉnh.

Bài, ảnh: PHẠM DANH
 


.