Quảng bá sản phẩm bản địa: Nhìn từ câu chuyện samcauviet.com

07:08, 25/08/2017
.

(Báo Quảng Ngãi)- Lần đầu tiên ở Sơn Hà có một sản phẩm bản địa hoàn tất khâu đăng ký nhãn hiệu và có website quảng bá riêng. Câu chuyện về sản phẩm truyền thống rượu sâm cau của người Hrê ở Sơn Hà lên website, đặt nền móng cho hành trình bảo tồn, quảng bá sản phẩm bản địa tại địa phương này.

Sơn Hà có nhiều cây trồng bản địa trở thành “cây đặc sản”, được nhiều thương lái dưới xuôi tìm lên mua để bán cho người tiêu dùng như ớt xiêm, sâm cau, khổ sâm, đinh lăng... Song, điều đáng buồn là các loại “đặc sản” trên chỉ được bán ra dạng “thô”, giá rẻ, chứ chưa có sản phẩm nào có thương hiệu để khách hàng có thể “nhận diện” sản phẩm.

Mãi cho đến năm 2017, được sự động viên, tiếp sức của địa phương, anh Nguyễn Đình Trung, ở thị trấn Di Lăng bắt đầu đăng ký nhãn hiệu cho rượu sâm cau mà anh đang bán tại cửa hàng của mình.

Rượu sâm cau tại cơ sở của anh Nguyễn Đình Trung giờ đã có nhãn hiệu và website quảng bá.
Rượu sâm cau tại cơ sở của anh Nguyễn Đình Trung giờ đã có nhãn hiệu và website quảng bá.


Anh Trung bảo, đó là hành trình “đặt tên” cho sản phẩm, để sản phẩm truyền thống của người Hrê ở Sơn Hà  không bị thua thiệt so với các sản phẩm truyền thống khác khi không có nhãn mác, xuất xứ. “Năm 2016, tôi mang rượu đến phiên chợ hàng Việt để bán, thì nhận ra sản phẩm của người Hrê mình ngon thế, tốt thế, nhưng lại không bì được với các sản phẩm khác, vì nó không có nhãn mác gì cả. Vậy là, được sự động viên của địa phương cũng như các chủ doanh nghiệp tham dự hội chợ, tôi bắt đầu tìm hiểu về quy trình đăng ký nhãn hiệu và theo đuổi thực hiện”, người thanh niên tuổi 29 “dám nghĩ, dám làm” Nguyễn Đình Trung cho biết.

Bắt đầu “gõ cửa” các cơ quan chức năng như Sở Công thương, Sở Khoa học Công nghệ cùng các doanh nghiệp đi trước từ tháng 4.2017, đến tháng 7.2017, anh Nguyễn Đình Trung có trong tay nhãn hiệu "Sâm cau Việt" do Cục Sở hữu trí tuệ cấp và website samcauviet.com đăng tải hình ảnh, tin tức phong phú về rượu sâm cau.

Nghe thì đơn giản vậy, nhưng để có trong tay những thành quả bước đầu, từ lúc manh nha ý tưởng, cho đến khi đưa ý tưởng vào thực tế, anh Trung phải trải qua nhiều khó khăn. “Cái gì không biết thì hỏi. Hỏi các anh ở huyện, hỏi các anh doanh nghiệp từng đăng ký nhãn hiệu... rồi làm theo, chứ mình chỉ là người buôn bán nhỏ lẻ, đâu rành về thủ tục”, anh Trung chia sẻ.

Sau khi có nhãn hiệu, website cho sản phẩm, “địa vị” rượu sâm cau của anh Trung trở nên vững vàng hơn trên thị trường. Phạm vi kinh doanh rượu sâm cau cũng không còn bó hẹp trên địa bàn huyện, mà thông qua website, sản phẩm của anh giờ đã được quảng bá trên phạm vi xa hơn, rộng hơn.

Sau khi có được viên gạch nền móng đầu tiên, anh Trung ấp ủ dự định gom vốn để mở một xưởng sản xuất rượu sâm cau tại nhà với quy trình khép kín, để nâng quy mô, tầm vóc cho sản phẩm truyền thống này.

Và ở Sơn Hà, câu chuyện về bảo tồn, phát triển và quảng bá sản phẩm bản địa tại địa phương sẽ không chỉ dừng lại ở nhãn hiệu sâm cau Việt. Sản phẩm ớt xiêm rừng, cây dược liệu mơ-gang hiện cũng đang được địa phương triển khai quảng bá.

Tâm huyết với sản phẩm bản địa của địa phương, Phó trưởng Phòng Kinh tế hạ tầng huyện Sơn Hà Nguyễn Tấn Danh, cho biết: “Sau sản phẩm rượu sâm cau đã có nhãn hiệu bài bản, chúng tôi sẽ tiếp tục nghiên cứu bảo tồn và phát triển vùng ớt xiêm rừng trên địa bàn huyện, xây dựng vườn ươm cây giống dựa vào cộng đồng, xây dựng mô hình trồng thử nghiệm và xây dựng nhãn hiệu ớt xiêm rừng... để vừa bảo tồn, vừa nâng tầm cho thương hiệu sản phẩm bản địa”.

Hy vọng rằng, những tâm huyết của chính quyền và người dân Sơn Hà sẽ tạo dựng tên tuổi cho sản phẩm bản địa, giúp đặc sản của địa phương được nhiều người biết đến.

Bài, ảnh: Ý THU
 


.