Nông dân thời hiện đại

09:08, 08/08/2017
.

(Báo Quảng Ngãi)- Khi phương pháp sản xuất truyền thống không còn mang lại giá trị kinh tế cao, nhiều nông dân đã ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ và sáng tạo ra nhiều cách làm hay, đem lại hiệu quả kinh tế cao.

Chăn nuôi theo công nghệ hiện đại

Chúng tôi tìm đến trang trại chăn nuôi của hai anh em Nguyễn Văn Sáng và Nguyễn Văn Thêm, ở thôn Phú Thuận Tây,  Nghĩa Thuận (Tư Nghĩa) để “mục sở thị” trang trại chăn nuôi hiện đại nhất của xã. Xuất thân là một kỹ sư chăn nuôi, nên sau khi ra trường, năm 2014 anh Sáng quyết định xây dựng mô hình chăn nuôi heo khép kín theo công nghệ hiện đại, với số tiền hơn 8 tỷ đồng trên diện tích 1,2ha. Không chỉ đầu tư trang trại, với các hệ thống làm lạnh tự động, nuôi heo trên sàn, hệ thống xả thải... mà anh Sáng còn trang bị các thiết bị hiện đại, để hỗ trợ trong việc chăm sóc đàn heo.

Trang trại của anh Nguyễn Văn Sáng và Nguyễn Văn Thêm được xem là trang trại hiện đại nhất hiện nay
Trang trại của anh Nguyễn Văn Sáng và Nguyễn Văn Thêm được xem là trang trại hiện đại nhất hiện nay


Ngoài ra, anh còn đầu tư máy móc sản xuất tinh giống và cung ứng ra thị trường trong, ngoài tỉnh, để hình thành một trang trại, với dây chuyền sản xuất khép kín. Anh Nguyễn Văn Thêm cho biết: “Muốn chăn nuôi được hiệu quả, thì việc thuê nhân viên phụ trách về thú y, kỹ thuật sử dụng máy móc để sản xuất giống cũng được thực hiện rất kỹ lưỡng. Chính vì thế, trang trại của chúng tôi đã chú trọng đến việc này. Hiện nay, tổng đàn heo của anh lên đến 700 con, vừa heo nái sinh sản, heo đực giống và heo sữa. Mỗi năm, mô hình này cho thu nhập gần 2 tỷ đồng.

Ra nước ngoài học đan lưới

Ông Lê Văn Trọng, ở thôn Phổ An, xã Nghĩa An (TP.Quảng Ngãi) được nhiều người gọi là “vua” sản xuất lưới ở Nghĩa An. Khi còn là một ngư dân chuyên đánh bắt xa bờ, ông Trọng đã nảy ý định học hỏi các nước bạn về cách làm lưới, để giúp ngư dân tỉnh nhà đánh bắt thêm hiệu quả. Năm 2011, ông ra Thái Bình, rồi sang Trung Quốc học cách làm lưới thưa, đánh bắt các loại cá lớn.

Sản phẩm lưới do cơ sở của anh Lê Văn Trọng sản xuất.
Sản phẩm lưới do cơ sở của anh Lê Văn Trọng sản xuất.

Sau bảy năm ròng rã học tập ở nước bạn, khi trở về, ông đã thành thạo các công đoạn làm loại lưới này. Ông Trọng chia sẻ: “Hồi mới đi học, nhiều cái khó lắm nên mình mất đến 7 năm, để học nghề. Khác với các loại lưới đan bằng cước truyền thống, lưới này phải học rồi đan bằng máy với các công đoạn rất công phu và hiện đại. Dù có khó khăn, nhưng mình vẫn quyết tâm học đến cùng”.

Không dừng lại ở đó, năm 2017 ông Trọng lại khăn gói sang Thái Lan học cách đan lưới dày, học cách làm dây thừng bằng máy. Sau đó về nước đầu tư thiết bị, máy móc, để tiếp tục phát triển xưởng lưới của mình. Giờ đây, ông Trọng trở thành chủ nhiều cơ sở lưới, chuyên cung cấp đủ loại lưới cho thị trường trong nước. Bình quân, mỗi tháng các cơ sở lưới của ông thu về 30-50 triệu đồng. Bên cạnh đó, các cơ sở này đã giải quyết việc làm cho rất nhiều lao động nông thôn. Mỗi cơ sở có từ 7- 10 nhân công làm việc thường xuyên và được trả công từ 4 – 6 triệu đồng/tháng. "Trong thời gian đến, tôi sẽ tiếp tục học hỏi những cách làm hay, làm mới của các nước và sẽ phát triển hơn các cơ sở, giúp ngư dân có thêm điều kiện, để đánh bắt được thuận lợi”, ông Trọng bộc bạch.


Bài, ảnh: MẠNH KHOA


 


.