Khi tài nguyên không là vô tận

10:08, 12/08/2017
.

(Báo Quảng Ngãi)- Đầu tháng 8 vừa qua, tại buổi họp báo thường kỳ quý II năm 2017 của Bộ Xây dựng, Vụ trưởng Vụ vật liệu xây dựng của Bộ này cho hay, nhu cầu từ năm 2016 đến năm 2020 cần 2,1 đến 2,3 tỷ m3 cát. Trong khi đó, trữ lượng dự báo hiện nay chỉ hơn 2 tỷ m3. Vì thế, với mức độ sử dụng cát như hiện nay thì đến năm 2020 không còn cát để dùng cho công trình xây dựng.

TIN LIÊN QUAN

Một trong những nguyên nhân thiếu cát được lý giải là do lượng cát ở các dòng sông giảm do đập thủy điện, thủy lợi làm hạn chế nguồn cát bồi. Nhưng cũng còn một nguyên nhân khác là thời gian qua, việc khai thác cát diễn ra rầm rộ cả trên sông, cửa biển, để phục vụ nhu cầu xây dựng tăng cao, đó là chưa kể một lượng cát rất lớn được xuất ra nước ngoài... Vấn đề quản lý, khai thác cát hiện nay “nóng” đến mức Chính phủ phải chủ trì họp trực tuyến với các địa phương, để nắm tình hình và đề ra các biện pháp xử lý.

Do cát dần cạn kiệt, nên Bộ Xây dựng đã đề xuất sử dụng tro xỉ, thạch cao của các nhà máy nhiệt điện, cũng như tăng cường sử dụng các vật liệu khác như đất, phế thải công nghiệp làm vật liệu san lấp mặt bằng, thay thế cát sông. ẢNH: H.T
Do cát dần cạn kiệt, nên Bộ Xây dựng đã đề xuất sử dụng tro xỉ, thạch cao của các nhà máy nhiệt điện, cũng như tăng cường sử dụng các vật liệu khác như đất, phế thải công nghiệp làm vật liệu san lấp mặt bằng, thay thế cát sông. ẢNH: H.T


Nhưng không chỉ có cát, mà nhiều loại tài nguyên khoáng sản của đất nước cũng đang dần cạn kiệt, do nhiều nguyên nhân. Ngoài việc quản lý còn lỏng lẻo, dẫn đến tình trạng khai thác khoáng sản trái phép hiện đang diễn ra tại nhiều địa phương, thì một nguyên nhân khác là việc tăng trưởng kinh tế của nước ta nhiều năm qua, chủ yếu dựa vào khai thác và xuất khẩu tài nguyên khoáng sản, mà chưa chú trọng đầu tư đổi mới công nghệ, tăng trưởng công nghiệp theo hướng bền vững.  

Chính vì thế, yêu cầu “chuyển đổi mô hình tăng trưởng từ chủ yếu phát triển theo chiều rộng sang phát triển hợp lý giữa chiều rộng và chiều sâu, vừa mở rộng quy mô vừa chú trọng nâng cao chất lượng, hiệu quả, tính bền vững” như Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI đã đặt ra, càng trở nên bức thiết hơn bao giờ hết.

Từ những kết quả và tồn tại sau khi thực hiện Nghị quyết này, Hội nghị Trung ương 4 (khóa XII) đã ban hành Nghị quyết 05-NQ/TW ngày 01.11.2016 về một số chủ trương, chính sách lớn, nhằm tiếp tục đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao chất lượng tăng trưởng, năng suất lao động, sức cạnh tranh của nền kinh tế. Phương thức thực hiện sẽ tăng trưởng dựa trên sự kết hợp hài hòa giữa chiều rộng và chiều sâu. Trong đó, lấy tăng trưởng theo chiều sâu là hướng chủ đạo. Đặc biệt, động lực tăng trưởng cần dựa trên năng suất lao động, khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo, thay vì cứ tăng trưởng bằng việc khai thác tài nguyên thiên nhiên.

Đặc biệt hơn, trong giai đoạn cách mạng công nghiệp 4.0 (cách mạng công nghiệp mềm) cần ưu tiên phát triển và chuyển giao khoa học - công nghệ, nhất là khoa học-công nghệ hiện đại, coi đây là yếu tố trọng yếu nâng cao năng suất, chất lượng và sức cạnh tranh của nền kinh tế. Và đó là hướng phát triển bền vững, bởi tài nguyên khoáng sản có giàu tiềm năng đến mấy, rồi đến hồi cũng cạn kiệt.


HOÀNG HÀ


 


.