Thu hút đầu tư vào dịch vụ hậu cần nghề cá: Cần có giải pháp phù hợp

02:07, 15/07/2017
.

(Báo Quảng Ngãi)- Nguồn vốn ngân sách hạn hẹp, công tác thu hút đầu tư gặp nhiều khó khăn, nên hiện nay hạ tầng dịch vụ hậu cần nghề cá còn lạc hậu, thiếu đồng bộ, chưa đáp ứng nhu cầu phát triển.

TIN LIÊN QUAN

Quảng Ngãi hiện có 5 cảng cá, khu neo đậu tránh trú bão cho tàu thuyền gồm: Sa Huỳnh, Mỹ Á (Đức Phổ); Tịnh Hòa, Sa Kỳ (TP.Quảng Ngãi) và Lý Sơn. Tuy nhiên, ngoài Cảng cá và Trung tâm Dịch vụ hậu cần nghề cá Sa Kỳ có diện tích gần 30.000m2, thì các cảng cá, khu neo đậu còn lại diện tích khá nhỏ, chưa đáp ứng nhu cầu hoạt động của ngư dân và thu hút đầu tư.

Kém hấp dẫn

Với vị trí thuận lợi, hạ tầng và nhà phân loại cá được đầu tư bài bản, nhưng vì diện tích chưa đến 2.000m2, nên hiện nay Cảng neo trú Tịnh Hòa chỉ đủ cho một cơ sở xăng dầu, một cơ sở cung cấp nhu yếu phẩm và một xưởng cơ khí hoạt động. Còn tại Vũng neo đậu tàu thuyền Lý Sơn, với diện tích 9.000m2, nhưng chỉ có một số cơ sở kinh doanh xăng dầu, đá lạnh, nhu yếu phẩm quy mô nhỏ, vì thế hoạt động dịch vụ hậu cần nghề cá cũng trầm lắng.

 Hạ tầng chưa hoàn chỉnh nên chưa có nhiều tàu thuyền cập cảng Mỹ Á (Đức Phổ).
Hạ tầng chưa hoàn chỉnh nên chưa có nhiều tàu thuyền cập cảng Mỹ Á (Đức Phổ).


“Vũng neo đậu tàu thuyền Lý Sơn chủ yếu để tàu thuyền về neo trú, còn việc buôn bán hải sản hay sửa chữa, nâng cấp tàu thuyền thì ngư dân tập trung vào các cảng Sa Kỳ, Tịnh Kỳ, để vừa thuận lợi, vừa giảm chi phí”, Trưởng phòng Kế hoạch-Quản lý công trình, Ban Quản lý các Cảng cá tỉnh Nguyễn Thanh Hiền lý giải.

Một rào cản đối với các nhà đầu tư là việc quy hoạch và xây dựng cảng cá còn nhiều bất cập, điển hình như cảng Mỹ Á. Tuy là nơi tập trung nhiều tàu công suất lớn, nhưng bến cá chỉ dài 60m, nên mỗi lần chỉ có 2 tàu được cập cảng để giải phóng hàng hóa, khiến ngư dân ngán ngẩm, vì phải chờ đợi. Hơn nữa, tình trạng cửa biển thường xuyên bồi lấp khiến tàu thuyền ra vào khó khăn, nên dù có diện tích hơn 17.000m2, nhưng hoạt động dịch vụ nghề cá tại cảng Mỹ Á ngày càng đìu hiu.

Trong khi đó, Cảng cá và Trung tâm dịch vụ hậu cần nghề cá Sa Kỳ được đánh giá là nơi sầm uất nhất hiện nay, nhưng không có nhiều doanh nghiệp tham gia, vì hạ tầng kém hấp dẫn. Không chỉ công trình cảng, đê, kè, luồng lạch... đầu tư kéo dài, chưa đồng bộ, mà hạ tầng kỹ thuật trên cạn cũng chưa hoàn chỉnh. Vì vậy, nhà đầu tư phải tự bỏ kinh phí để hoàn thiện một số hạng mục như điện, nước.

Giải pháp để thu hút nhà đầu tư

Giám đốc Sở NN&PTNT Dương Văn Tô cho rằng, kinh phí đầu tư dịch vụ hạ tầng nghề cá rất lớn, nhưng lợi nhuận thấp, rủi ro cao, nên không hấp dẫn nhà đầu tư. Hơn nữa, từ diện tích đất quy hoạch tại các cảng cá và khu neo đậu trú bão cho đến việc đầu tư các hoạt động dịch vụ hậu cần nghề cá còn hạn chế, làm cho việc khai thác các công trình cảng kém hiệu quả. Đơn cử như Vũng neo đậu tàu thuyền Lý Sơn, giai đoạn 2 có tổng mức đầu tư trên 400 tỷ đồng, nhưng lại tập trung cho các hạng mục đê, kè, luồng lạch... Còn diện tích quy hoạch dịch vụ hậu cần chỉ 11.000m2.

Ngoài ra, một công trình cảng lại có nhiều đơn vị quản lý nên việc thiết kế, quy hoạch bất nhất. Đơn cử như Cảng cá Sa Huỳnh. Trong khi Ban Quản lý các Cảng cá tỉnh quản lý, khai thác phần cảng, đê, kè, luồng lạch thì khu dịch vụ hậu cần nghề cá lại giao cho UBND huyện Đức Phổ. Hiện nay, việc quản lý và khai thác Khu dịch vụ hậu cần nghề cá Sa Huỳnh tồn tại nhiều bất cập. Đó là quy hoạch thiếu đồng bộ, thiếu sự liên kết giữa các công trình hạ tầng giữa cụm công nghiệp và Cảng cá Sa Huỳnh, dẫn đến hiệu quả sử dụng thấp.

Vì vậy, bên cạnh việc giải quyết dứt điểm những bất cập trong việc quy hoạch và xây dựng, những chồng chéo trong công tác quản lý và sử dụng, thì việc khơi thông luồng lạch, đảm bảo tàu thuyền ra vào thuận lợi tại các cảng, vũng neo trú được xem là giải pháp tiên quyết trong việc thu hút đầu tư vào hạ tầng dịch vụ nghề cá. Bởi, “nguồn thu chính tại các cảng cá, vũng neo trú tàu thuyền là từ các hoạt động tiêu thụ hải sản, tiếp nhận nhiên liệu, nhu yếu phẩm... chứ không phải là phí neo đậu tàu thuyền. Vì vậy, nếu quỹ đất phục vụ dịch vụ hậu cần được mở rộng, luồng lạch ra vào đảm bảo, tàu thuyền cập cảng nhiều, thì sẽ dễ dàng thu hút nhà đầu tư”, ông Dương Văn Tô đề xuất.   


Bài, ảnh: MỸ HOA


 


.