Tăng cường quản lý, xử lý hoạt động đánh bắt ven bờ trái phép

01:07, 28/07/2017
.

(Baoquangngai.vn)- Thời gian qua, dù đã có những quy định cấm, thế những một số chủ phương tiện tàu thuyền vẫn cố tình “phớt lờ”, sử dụng thuốc nổ để đánh bắt, dùng tàu có công suất lớn trên 90CV- hành nghề giã cào khai thác hải sản trái tuyến ở vùng biển ven bờ các xã bãi ngang, gây thiệt hại nguồn lợi hải sản ven bờ và ảnh hưởng đến công tác bảo đảm an ninh trật tự trên biển. Trước tình trạng này, lực lượng chức năng đã tăng cường tuần tra, kiểm soát và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.

TIN LIÊN QUAN

 “Méo mặt” vì giã cào

Theo Nghị định 33 năm 2010 của Chính phủ về quản lý các hoạt động khai thác thủy sản thì những tàu cá có công suất trên 20CV chỉ được đánh bắt tuyến lộng và tuyến khơi, tàu lắp máy có tổng công suất máy chính từ 90CV trở lên khai thác thủy sản tại vùng khơi không được khai thác thủy sản tại vùng biển ven bờ và vùng lộng. Tuy nhiên, thời gian qua, các tàu công suất lớn trên 90CV, hành nghề giã cào vẫn bất chấp quy định của Nhà nước đã lấn sát vào khu vực ven bờ của các xã bãi ngang ven biển ở huyện Mộ Đức để khai thác hải sản. 
 
Được biết, giã cào là nghề khai thác thủy hải sản dựa trên nguyên lý “lọc nước lấy cá”, tận thu triệt để bất cứ thứ gì mà nó đi qua. Với hai tàu công suất lớn trên 90CV, tốc độ từ 10-12 hải lý/giờ kéo theo một tấm lưới, phía đáy của lưới được gắn bằng một dây sắt nặng, đôi tàu có thể cào sâu đến tận đáy biển. Với tấm lưới có mắt lưới nhỏ đến mức cá, tôm... nằm sát đáy biển đến cá nổi trên mặt nước đều bị “quét” sạch.
 
Trong khi đó, vùng biển ven bờ huyện Mộ Đức là nơi hoạt động đánh bắt cá của hàng trăm hộ ngư dân địa phương ở 5 xã ven biển có tàu công suất dưới 20CV làm các nghề đánh bắt truyền thống như: Câu bủa, lưới cước, tôm nhí, chụp mực… để nuôi sống gia đình. Chính vì vậy, tình trạng khai thác trái phép của các tàu giã cào không chỉ gây cạn kiệt nguồn lợi thủy sản ven bờ, ảnh hưởng đến sinh kế của ngư dân bãi ngang mà còn khiến nhiều ngư dân bãi ngang “méo mặt” vì nhiều ngư lưới cụ của họ thả trên ngư trường của mình bị các tàu giã cào “nuốt” mỗi khi đi ngang qua. 
 
Tàu giã cào hoạt động
Tàu giã cào hoạt động "lấn ngư trường" gây thiệt hại cho bà con ngư dân bãi ngang
 
“Bà con ngư dân bọn tui lâu nay khổ với mấy “ông giã cào” này lắm rồi. Nguồn hải sản ven bờ vốn đã ít, mà mấy ổng khai thác theo kiểu "tận diệt" vậy thì còn gì con tôm, con cá nữa. Nếu các cấp, ngành chức  năng không xử lý triệt để tình trạng này thì chẳng bao lâu nữa, ngư dân như bọn tui chắc phải bỏ nghề vì nguồn lợi hải sản không còn để mà đánh bắt mưu sinh ”- ngư dân Nguyễn Văn Dũng ở xã Đức Chánh (Mộ Đức) lắc đầu ngao ngán.
 
Ở vùng biển biển bãi ngang, đa số ngư dân đều có hoàn cảnh khó khăn, tài sản quý giá nhất chỉ là chiếc ghe, chiếc thúng hay những tấm lưới…để phục vụ cho công việc mưu sinh, khai thác hải gần bờ. Chính vì vậy, việc những tàu giã cào hoạt động sai tuyến, gây thiệt hại ngư lưới cụ là nỗi ám ảnh của ngư dân. “Ở những nơi tàu giã cào đi qua, dù là lưới hay cột chà…đều bị cào phăng. Không ít ngư dân rơi vào cảnh trắng tay, mất hết ngư cụ sản xuất vì bị các tàu giã cào cuốn đi…họ đành phải vay mượn mua lại ngư lưới cụ để mưu sinh”- lão ngư Huỳnh Thanh Sang ở xã Đức Minh (Mộ Đức) cho hay. 
 
Búc xúc trước tình trạng tàu giã cào lấn ngư trường của mình, tại các buổi tiếp xúc cử tri đối thoại với đại biểu Quốc hội, lãnh đạo của tỉnh, huyện…bà con ngư dân các địa phương ven biển Mộ Đức thường xuyên phản ánh với cơ quan chức năng nhằm có hướng xử lý triệt để tình trạng này,giúp bà con ngư dân yên tâm bám biển mưu sinh. 
 
Kiên quyết xử lý hoạt động đánh bắt trái phép
 
Cùng với hoạt động trái phép của tàu giã cào, theo các cơ quan chức năng, hàng năm, khoảng thời gian từ tháng 3 đến tháng 8- đây là khoảng thời gian biển êm, nước trong, trên khu vực ven biển của huyện Mộ Đức còn xuất hiện tình trạng một số đối tượng sử dụng vật liệu nổ đánh bắt hải sản ven bờ, với thủ đoạn tinh vi luôn sẳn sàng tẩu tán tán tang vật xuống biển khi bị phát hiện. 
 
Khu vực hoạt động của các đối tượng này tại Cửa Lở (giáp ranh giữa xã Đức Lợi và xã Nghĩa An kéo dài đến xã Đức Phong). Trong khi đó, lực lượng chức năng thiếu phương tiện tuần tra, truy bắt trên biển nên hiệu quả của các biện pháp nghiệp vụ đấu tranh đối với các đối tượng này còn hạn chế. 
 
Trước tình trạng trên, UBND tỉnh cũng đã chỉ đạo Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, Sở NN& PTNT và chính quyền địa phương liên quan nghiêm túc, tăng cường triển khai thực hiện Chỉ thị số 01 của Thủ tướng Chính phủ về việc nghiêm cấm sử dụng chất nổ, xung điện, chất độc để khai thác thủy sản. Tổ chức tuyên truyền cho nhân dân hiểu rõ được tác hại của việc khai thác thủy sản mang tính hủy diệt. Đồng thời, để đấu tranh, ngăn chặn hành vi sử dụng chất nổ đánh bắt hải sản ven bờ, UBND tỉnh đã chỉ đạo các lực lượng chức năng xây dựng các kế hoạch rà soát đối tượng, tiến hành điều tra, xác minh, xử lý nghiêm các vụ việc sử dụng chất nổ đánh cá ven bờ.
 
Cần có những biện pháp xử lý triệt để tình trạng sử dụng thuốc nổ, tàu giã cào hoạt động sai tuyến để ngư dân bai ngang yên tâm bám biển
Cần có những biện pháp xử lý triệt để tình trạng sử dụng thuốc nổ, tàu giã cào hoạt động sai tuyến để ngư dân bai ngang yên tâm bám biển mưu sinh
 
Trong thời gian qua, lực lượng Đồn biên phòng Đức Minh đã phối hợp với UBND các xã ven biển Mộ Đức trong công tác tuần tra, kiểm soát và đã phát hiện, đấu tranh 2 vụ/5 đối tượng có hành vi sử dụng chất nổ; xử lý 5 vụ/5 chủ phương tiện hành nghề giã cào sai tuyến, phạt hành chính gần 50 triệu đồng, tạo niềm tin trong nhân dân, góp phần đảm bảo an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội trên khu vực biên giới biển của huyện Mộ Đức. Qua đó, tình hình sử dụng chất nổ trái phép để khai thác hải sản và hành vi vi phạm của các phương tiện giã cào trên địa bàn giảm đi rõ rệt nhưng vẫn chưa dứt điểm.
 
Để nâng cao chất lượng, hiệu quả thực hiện chức năng quản lý Nhà nước về tàu thuyền và ngư dân hoạt động trên biển; công tác đấu tranh, ngăn chăn tình trạng mua bán, sử dụng chất nổ khai thác thủy sản trái phép của ngư dân trên địa bàn, thời gian đến, UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ngành chức năng địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục làm chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức, hiểu biết các văn bản pháp luật về biển trong các tầng lớp nhân dân ven biển; bổ sung kinh phí cho các lực lượng chức năng để phối hợp thực hiện Kế hoạch tuần tra trên biển năm 2017 đối với hoạt động khai thác thủy sản của người và phương tiện hành nghề trên biển; đồng thời, kiên quyết xử  lý đối với các cá nhân, đơn vị tiếp tay, bao che cho các hành vi vi phạm….
 
HP
 

.