Tăng cường hội nhập để nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế

04:07, 03/07/2017
.

(Báo Quảng Ngãi)- Mục tiêu Kế hoạch thực hiện Chiến lược hội nhập quốc tế đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 của Quảng Ngãi là sẽ phát huy tối đa các lợi thế và tiềm năng sẵn có của tỉnh, đẩy mạnh phát triển công nghiệp theo chiều rộng và chiều sâu: Phấn đấu tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trong tỉnh (GRDP) bình quân 5 năm 6-7%/năm; đến năm 2020, GRDP bình quân đầu người khoảng 3.600-4.000 USD; kim ngạch xuất khẩu đến năm 2020 đạt 1 tỷ USD.

TIN LIÊN QUAN


Những thành quả ban đầu

Theo số liệu của UBND tỉnh, trong năm 2016, Quảng Ngãi đã cấp mới 8 giấy chứng nhận đầu tư dự án FDI, với tổng vốn đăng ký 72,05 triệu USD; vốn thực hiện ước đạt 70 triệu USD, đạt 100% kế hoạch. Riêng 6 tháng đầu năm 2017, đã cấp mới giấy chứng nhận đầu tư cho 2 dự án FDI, với tổng vốn đăng ký 100 triệu USD; vốn thực hiện ước đạt 20 triệu USD.

Lũy kế đến nay, toàn tỉnh hiện có 42 dự án FDI còn hiệu lực, với tổng vốn đăng ký trên 1.235 triệu USD; vốn thực hiện 689 triệu USD (55,8% vốn đăng ký). Trong đó có 26 dự án hoàn thành đi vào sản xuất kinh doanh, 14 dự án đang triển khai các hoạt động đầu tư và 2 dự án tạm dừng.

Phát triển cảng biển là một trong những ưu tiên thu hút đầu tư của Quảng Ngãi trong giai đoạn hiện nay.
Phát triển cảng biển là một trong những ưu tiên thu hút đầu tư của Quảng Ngãi trong giai đoạn hiện nay.


Đối với dự án đầu tư trong nước, 6 tháng đầu năm 2017 tỉnh đã cấp chủ trương đầu tư cho 19 dự án (tăng 6 dự án so với cùng kỳ), với tổng vốn đăng ký trên 62.556 tỷ đồng; vốn thực hiện ước đạt 796 tỷ đồng, hoàn thành đưa vào hoạt động 5 dự án. Đến nay, toàn tỉnh có 347 dự án đầu tư còn hiệu lực, với tổng vốn đăng ký trên 216.325 tỷ đồng; vốn thực hiện lũy kế đạt trên 91.500 tỷ đồng và đã có 222 dự án đi vào hoạt động.
 

“Thực hiện Chiến lược hội nhập quốc tế đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 Quảng Ngãi sẽ nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế, phát triển công nghiệp, nông nghiệp, dịch vụ theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, sản xuất gắn với thị trường. Xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ. Quản lý chặt chẽ tài nguyên, bảo vệ môi trường; chủ động phòng, tránh thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu”.
Chủ tịch UBND tỉnh TRẦN NGỌC CĂNG

Một kết quả nổi bật trong hội nhập kinh tế quốc tế của tỉnh trong thời gian gần đây nữa là hoạt động xuất nhập khẩu. Nếu như năm 2016, kim ngạch xuất khẩu của tỉnh 334,4 triệu USD, giảm 15% so với thực hiện năm 2015 và kim ngạch nhập khẩu đạt gần 300 triệu USD (giảm 0,5%), thì 6 tháng đầu năm 2017, kim ngạch xuất khẩu của tỉnh đạt gần 220 triệu USD, đạt 63,4% kế hoạch năm, tăng 21,3% so với cùng kỳ năm trước. Kim ngạch nhập khẩu gần 240 triệu USD, đạt 82,5% kế hoạch, tăng 120,3% so với cùng kỳ...

Định hướng chiến lược

Để thực hiện thắng lợi Chiến lược hội nhập quốc tế đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, tỉnh cần đẩy mạnh hoàn thiện thể chế, cải cách hành chính; tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 4, khóa X “Về một số chủ trương, chính sách lớn để nền kinh tế phát triển nhanh và bền vững khi Việt Nam là thành viên của Tổ chức Thương mại” trong tình hình mới gắn với việc thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội theo Nghị quyết Đại hội XI và XII của Đảng.

Theo đó, tiếp tục đẩy mạnh thực hiện cơ chế một cửa hiện đại, một cửa liên thông, nhằm tạo điều kiện cho người dân, doanh nghiệp, nhà đầu tư dễ tiếp cận, nắm bắt và thực hiện tốt; nâng cao hiệu quả kinh tế - xã hội - môi trường của đầu tư nước ngoài, tạo cơ hội để doanh nghiệp trong tỉnh tiếp cận thị trường quốc tế. Tập trung nguồn lực đầu tư hạ tầng KKT Dung Quất, các KCN. Thúc đẩy việc sớm hình thành trung tâm lọc hóa dầu và năng lượng của Quốc gia tại KKT Dung Quất. Đẩy nhanh tốc độ phát triển Khu công nghiệp, đô thị và dịch vụ VSIP Quảng Ngãi...

Bên cạnh đó, không ngừng cải thiện môi trường thu hút đầu tư nước ngoài. Ưu tiên thu hút những ngành nghề, lĩnh vực mà tỉnh có lợi thế cạnh tranh, nhất là dự án công nghiệp nặng, quy mô lớn gắn liền với sử dụng cảng biển nước sâu, dự án có giá trị tăng cao, các dự án hướng về xuất khẩu, phát triển cảng biển, phát triển năng lượng... Ngoài ra, gia tăng mức độ liên kết giữa các tỉnh, vùng miền; phát huy thế mạnh của từng địa phương. Chủ động khai thác tối đa các cơ hội thuận lợi, hạn chế thấp nhất các tác động tiêu cực khi Việt Nam gia nhập cộng đồng ASEAN, thực hiện các hiệp định tự do thương mại (FTA) song phương, đa phương...


Bài, ảnh: PHẠM DANH

 


.