Kỳ họp thứ 6, HĐND tỉnh khóa XII:
Đại biểu thảo luận, bàn giải pháp phát triển kinh tế - xã hội

10:07, 11/07/2017
.

(Baoquangngai.vn)- Tiếp tục Chương trình làm việc tại kỳ họp thứ 6, HĐND tỉnh khóa XII, chiều 11.7, đại biểu HĐND tỉnh thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh 6 tháng đầu năm và nhiệm vụ, giải pháp 6 tháng cuối năm 2017. 

TIN LIÊN QUAN

Trong không khí thảo luận sôi nổi, thẳng thắn và dân chủ, tại buổi thảo luận, hầu hết đại biểu khẳng định: Mặc dù còn nhiều khó khăn song được sự hỗ trợ của Trung ương, cùng sự chỉ đạo quyết liệt và bám sát chủ đề trọng tâm năm 2017 của tỉnh, kinh tế - xã hội của tỉnh trong 6 tháng đầu năm đã có chuyển biến tích cực.
 
Đại biểu cũng đánh giá cao sự chỉ đạo và điều hành linh hoạt của tỉnh trong thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, trong đó nhiều lĩnh vực có chuyển biến tích cực. Bên cạnh đó, một số đại biểu nêu thêm một số khó khăn và đưa ra các kiến nghị, đề xuất đến HĐND tỉnh về các lĩnh vực nông nghiệp- nông thôn, giáo dục, cải cách hành chính, công tác giảm nghèo… để tỉnh có những giải pháp khắc phục trong thời gian tới
 
Quan tâm đẩy mạnh tái cơ cấu ngành nông nghiệp
 
Mở đầu phiên thảo luận, đại biểu Nguyễn Tăng Bính- Bí thư Thành ủy Quảng Ngãi cho rằng, thời gian qua, lĩnh vực nông nghiệp, tỉnh Quảng Ngãi đã có những bước chuyển về nhận thức, khi chuyển từ nông nghiệp về lượng sang nông nghiệp về chất; đồng thời, tỉnh cũng đã tổ chức các đoàn đi tham quan học tập, các doanh nghiệp cũng đến Quảng Ngãi đăng ký đầu tư trong lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao, sản phẩm nông nghiệp hữu cơ, một số địa phương đã bắt đầu xuất hiện mô hình nông nghiệp chất lượng cao…Đây là một dấu hiệu tốt trong tái cơ cấu ngành nông nghiệp. 
 
Tuy nhiên, theo đại biểu Nguyễn Tăng Bính, chúng ta chỉ mới đạt được bước đầu trong chuyển biến về nhận thức trong lĩnh vực này chứ hành động chưa nhiều. Chính vì vậy, chúng ta cần phải có những giải pháp đồng bộ, đê làm thế nào thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nhất là sản xuất theo hướng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ. 
 
Cùng liên quan đến lĩnh vực này, đại biểu Nguyễn Thế Nhân- Hội Nông dân tỉnh nhận định, trong thời gian vừa qua, tỉnh ta có quan tâm triển khai đầu tư tái cơ cấu ngành nông nghiệp nhưng kết quả mang lại chưa rõ nét. Đời sống của bà con nông dân ở vùng nông thôn cũng có những khởi sắc, tuy nhiên chưa chuyển biến nhiều.
 
Trong khi đó, việc sản xuất và tiêu thụ sản phẩm vẫn ở mức độ tự phát là chủ yếu. Trong thời gian tới, đại biểu Nguyễn Thế Nhân đề nghị tỉnh cần đầu tư tập trung tái cơ cấu ngành nông nghiệp cụ thể hơn và sâu hơn, tránh tình trạng đầu tư dàn trải. 
 
Ủy viên Dự khuyết TƯ Đảng, Chủ tịch HĐND tỉnh Bùi Thị Quỳnh Vân chủ trì buổi thảo luận
Ủy viên Dự khuyết TƯ Đảng, Chủ tịch HĐND tỉnh Bùi Thị Quỳnh Vân chủ trì buổi thảo luận.
 
Vấn đề một số đại biểu cũng đặt ra là tại sao, thời gian qua,chúng ta có nhiều chính sách thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp nhưng vẫn chưa thu hút được nhiều doanh nghiệp vào đầu tư. Chúng ta cần xem xét lại cơ chế, chính sách thu hút của mình đã đủ mạnh chưa, để có hướng thay đổi phù hợp. 
 
Giám đốc Sở NN& PTNT tỉnh Dương Văn Tô cho biết, hiện nay, việc quan trọng nhất của chúng ta là tái cơ cấu ngành nông nghiệp, làm sao để chuyển đổi, xây dựng các mô hình mang lại nguồn thu nhập cao cho người dân. Tuy nhiên, hiện nay, tỉnh vẫn còn gặp khó trong việc thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp.
 
Thời gian qua, mặc dù lãnh đạo tỉnh cũng đã làm việc với các doanh nghiệp và đi tham quan các mô hình…; đồng thời, cũng thu hút, kêu gọi nhiều doanh nghiệp đến tỉnh để đầu tư lĩnh vực này, song, nhiều doanh nghiệp không mấy “mặn mà” nên hiệu quả của việc thu hút đầu tư lĩnh vực này chưa cao.
 
Ông Tô bày tỏ, để thu hút doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, thì chúng ta cũng cần quan tâm phát triển những Hợp tác xã kiểu mới. Hợp tác xã sẽ là đơn vị đứng trung gian để tổ chức sản xuất và liên kết với doanh nghiệp, chứ doanh nghiệp không thể liên kết được với từng người dân.
 
Liên quan đến vấn đề này, Chủ tịch HĐND tỉnh Bùi Thị Quỳnh Vân  cho rằng, vấn đề đặt ra là ngành nông nghiệp phải có một tầm nhìn chiến lược và những giải pháp đồng bộ hơn trong các khâu. Làm thế nào chúng ta đầu tư cho nông nghiệp chất lượng cao từ vấn đề nâng cao chất lượng sản phẩm đến tiêu thụ sản phẩm… để tạo ra những sản phẩm có chất lượng có giá trị trên thị trường. Qua đó, tạo động lực cho người dân sản xuất, phát triển nông nghiệp nhiều hơn. 
 
Cần có giải pháp để giảm nghèo bền vững miền núi
 
Trong công tác giảm nghèo ở khu vực miền núi, một số cũng bày tỏ nhiều băn khoăn và quan ngại về tính hiệu quả trong việc thực hiện các chính sách giảm nghèo. Đại biểu Nguyễn Tăng Bính băn khoăn, qua thông tin trên Báo Quảng Ngãi vừa qua phản ánh về thực trạng giảm nghèo bền vững ở miền núi, thì tôi thấy công tác giảm nghèo rất quan ngại. Từ thực tế, ai cũng thấy thực trạng này, nhưng liệu chúng ta có thực hiện được công tác giảm nghèo nhanh và bền vững hay không? Hay chúng giảm nghèo nhanh rồi lại tái nghèo.
 
Theo thống kê, hiện nay, một người dân ở miền núi thụ hưởng đến 14 chính sách hỗ trợ. Tuy nhiên, hiệu quả các chính sách tác động đến người dân chưa được mang lại hiệu quả như mong muốn. Tỷ lệ hộ nghèo ở miền núi còn khá cao, hiện, dao động ở con số gần 50%. 
 
Trong tình hình này, các đại biểu cho rằng nếu chúng ta không có những quyết sách quyết liệt hơn để giảm nghèo thì chúng ta sẽ khó khăn trong công tác giảm nghèo bền vững. Bởi với cách làm như hiện nay, một số đại biểu lo lắng, khoảng cách giàu nghèo giữa các vùng, miền sẽ ngày càng giãn ra chứ không được thu hẹp dần. 
 
Các đại biểu HĐND tỉnh tham gia góp ý kiến thảo luận
Các đại biểu HĐND tỉnh tham gia góp ý kiến thảo luận
 
Nguy cơ rớt chuẩn ở những trường đạt chuẩn
 
Tại buổi thảo luận, nhiều đại biểu cũng quan tâm đến nguy cơ rớt chuẩn tại các trường đã đạt chuẩn trên địa bàn tỉnh và đề nghị tỉnh quan tâm cân nhắc, cân đối ngân sách để đầu tư cho giáo dục nhiều hơn nữa. Đại biểu Trần Em- Chủ tịch UBND huyện Đức Phổ kiến nghị, hiện tại ở địa phương, cơ sở vật các trường học đạt chuẩn cũng đã xuống cấp, nhưng địa phương thiếu nguồn kinh phí để đầu tư xây dựng. Chính vì vậy, tỉnh cũng nên có những giải pháp để hỗ trợ nguồn kinh phí đầu tư cơ sở vật chất cho các trường, lớp học. Nếu không các trường sẽ có nguy cơ rớt chuẩn.
 
Theo thống kê của Sở Giáo dục đào tạo, hiện tại trên địa bàn tỉnh có 131/314 trường có khả năng rớt chuẩn. Chủ yếu tập trung rớt chuẩn về cơ sở vật chất. Trước tình hình trên, Sở Giáo dục đã có báo cáo gửi cho Chủ tịch UBND tỉnh và Chủ tịch UBND tỉnh đã có văn bản yêu cầu Sở Giáo dục tập hợp lại toàn bộ số liệu các trường có cơ sở vật chất bị xuống cấp để có phương án trình UBND tỉnh bố trí ngân sách, sửa chữa theo thứ tự ưu tiên.
 
 “Tuy nhiên, đến thời  điểm hiện tại, còn 5 huyện chưa có báo cáo cho Sở để Sở tổng hợp, báo cáo cho Chủ tịch UBND tỉnh. Đề nghị, đại biểu HĐND các huyện chưa có báo cáo quan tâm yêu cầu UBND huyện sớm báo cáo và bố trí kinh phí để sửa chữa các cơ sở giáo dục do cấp mình quản lý”- Giám đốc Sở Giáo dục Đỗ Văn Phu đề nghị. 
 
Liên quan đến vấn đề này, Chủ tịch HĐND tỉnh Bùi Thị Quỳnh Vân yêu cầu Sở Giáo dục tích cực rà soát, tham mưu cho UBND tỉnh để có hướng khắc phục. Có thể trước mắt, chưa thể đầu tư xây dựng cơ bản về trường lớp, thì chúng ta khắc phục từng bước, đầu tư những thiết bị thiết yếu như bàn, ghế, thiết bị điện…để đảm bảo nhu cầu học tập thiết yếu của các em. 
 
*Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 6, HĐND tỉnh khóa XII, sáng mai (12.7), HĐND sẽ thảo luận thông qua các đề án, dự thảo Nghị quyết do UBND tỉnh trình như: Đề án về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Quảng Ngãi đáp ứng yêu cầu đổi mới, hội nhập và phát triển bền vững; Quy định chính sách hỗ trợ chuyển đổi cơ cấu cây trồng cạn trên đất sản xuất kém quả trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi giai đoạn 2017- 2021; Chính sách hỗ trợ nâng cao chất lượng đào tạo nghề đối với các cơ sở đào tạo nghề thuộc tỉnh Quảng Ngãi quản lý; …
 
Bài, ảnh: M.Toàn. N. Đức

.