Hàng nghìn tỷ đồng đầu tư giảm nghèo về đâu (kỳ 3)

02:07, 16/07/2017
.

 


 Kỳ 3: Làm gì để đầu tư giảm nghèo hiệu quả

(Báo Quảng Ngãi)- Chính sách giảm nghèo được triển khai thời gian qua, đã và đang mang lại một diện mạo mới cho vùng cao Quảng Ngãi. Tuy nhiên, tỷ lệ hộ nghèo và cận nghèo hiện vẫn còn rất cao, cho thấy việc thực thi chính sách này ở cơ sở đang có nhiều bất cập.

Người nghèo không muốn... thoát nghèo

Theo báo cáo của Sở LĐ-TB&XH, đến cuối năm 2016 toàn tỉnh có 52.100 hộ nghèo, chiếm 15,19% tổng số hộ, trong đó hộ nghèo 6 huyện miền núi trên 46%. Có rất nhiều nguyên nhân làm cho tỷ lệ hộ nghèo ở các huyện miền núi còn cao ngất ngưỡng, như thiếu tư liệu sản xuất, thiếu vốn đầu tư, trình độ dân trí thấp... Và còn có một nguyên nhân đáng lưu ý là tâm lý không muốn thoát nghèo.

Bởi ở trong danh sách hộ nghèo, họ được hỗ trợ rất nhiều, còn khi thoát nghèo thì không được Nhà nước hỗ trợ. Vì thế, dù được cấp cây, con giống, những hộ dân này không trồng, chăm sóc mà bỏ vãi ra đó. Lại có tình trạng bán trâu, bò, dê, heo được Nhà nước cấp để lấy tiền tiêu xài, chứ không chịu đầu tư công sức chăm sóc, nhằm tiếp tục  được nằm trong danh sách hộ nghèo.

Con số hơn 46% hộ nghèo và 13% hộ cận nghèo ở các huyện miền núi hiện nay là vấn đề cần phải suy nghĩ. Và trên thực tế, con số ấy có thể còn lớn hơn. Tại xã Trà Khê (Tây Trà), toàn xã có 436 hộ thì có đến 84% là hộ nghèo và 2,5% hộ cận nghèo. Trong số ấy có cả cán bộ UBND xã cũng nằm trong diện hộ nghèo. Đơn cử như trường hợp của ông Hồ Thanh, công an viên; Hồ Văn Thức, phụ trách khuyến nông thú y; Hồ Văn Lý, cán bộ Văn phòng Đảng ủy xã; Hồ Văn Diệu, trưởng thôn Hà...

 Người dân huyện Sơn Hà nhận heo dự án với hy vọng thoát nghèo.
Người dân huyện Sơn Hà nhận heo dự án với hy vọng thoát nghèo.


Chủ tịch UBND xã Sơn Bao Đinh Văn Phèn cho biết, tình trạng ỷ lại vào trợ cấp của Nhà nước vẫn còn tồn tại trong một bộ phận người dân, nên nhiều hộ dù có điều kiện, nhưng không muốn thoát nghèo. Thậm chí mỗi khi xã họp thống nhất đưa ra khỏi danh sách hộ nghèo, là hộ dân ấy không đồng ý và lấy người này, người kia ra so sánh.

Còn ông Trần Văn Sương – Phó Chủ tịch UBND huyện Trà Bồng thì đặt câu hỏi: “Tại sao người dân nghèo? Tại sao họ không muốn thoát nghèo?” Và tự trả lời rằng, là vì họ không biết cách làm ăn nên nghèo. Lộ trình giảm nghèo vừa qua thực sự không hiệu quả. Người nghèo không có vốn, không có quyết tâm, không có kiến thức thì có cho trăm triệu, chục tỷ thì họ vẫn nghèo. Đối với những hộ có điều kiện, có kiến thức, nhưng cố tình nghèo cũng không hiếm, vì ở trong diện hộ nghèo, họ được hưởng quá nhiều ưu đãi, từ bữa ăn hằng ngày đến dịch vụ y tế, tiền học cho con...

Lộ trình giảm nghèo 4% liệu có về đích?

Theo chỉ đạo của UBND tỉnh, giai đoạn 2016 - 2020 Quảng Ngãi quyết tâm phấn đấu giảm tỷ lệ hộ nghèo bình quân hằng năm từ 1,5 - 2%/năm, riêng các huyện miền núi giảm 4%/năm, hộ nghèo đồng bào dân tộc thiểu số giảm 3-4%/năm theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều. Tổng vốn thực hiện chương trình giảm nghèo trong 5 năm khoảng 10.700 tỷ đồng, trong đó vốn ngân sách Trung ương 10.184 tỷ đồng, ngân sách địa phương 381 tỷ đồng và vốn huy động 140 tỷ đồng.

Quyết tâm là vậy, nhưng thực tế lại là một câu chuyện khác. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Trường Thọ đi kiểm tra thực tế ở nhiều địa phương, sau khi nghe báo cáo của xã, huyện đã đặt câu hỏi: “Liệu báo cáo giảm nghèo có đúng? Tỷ lệ hộ nghèo có thực tế như báo cáo, hay các địa phương chạy theo chỉ tiêu giảm nghèo, trong khi người dân vẫn nghèo và vốn đầu tư lại “chảy thẳng ra sông”. Cần thiết, phải thanh tra để thấy cái nào đúng, cái nào sai mà xử lý cho hiệu quả”.

Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Trường Thọ, tình trạng bò cấp 2 năm mà không sinh sản, ốm nhom; gà vịt thì chết, cây thì trồng không lên. Địa phương không biết nuôi ở đâu, trồng ở đâu... cho thấy câu chuyện giảm nghèo đang “có vấn đề”. Tiền của đầu tư như vậy, thì có nên làm hay không. Cấp gà, vịt cho người dân để họ ăn thịt thì có nên không. Tiền của Nhà nước đầu tư rất nhiều, nhưng không hiệu quả thì phải tính toán để sử dụng đồng tiền cho hiệu quả, chứ bỏ ra bao nhiêu tiền cũng hết, mà người dân vẫn nghèo, vẫn khổ là không được.

“Các địa phương cần xem lại quá trình đầu tư thời gian qua, không thể mang hàng trăm tỷ đồng “ném lên trời” như thế. Trách nhiệm của chính quyền địa phương, đơn vị cung cấp cây, con giống gần như là không có trong việc hỗ trợ kỹ thuật sau khi cấp giống, mà bỏ mặc cho người dân “tự biên tự diễn”, dẫn đến lãng phí tiền của đầu tư. Các địa phương phải xác định có làm được hay không, thì mới nhận tiền, chứ không thể nhận tiền về mà lãng phí như vậy. Cần phải xem xét trách nhiệm của các địa phương, cũng như đơn vị cung ứng con, cây giống trong thời gian qua.

Chương trình giảm nghèo thể hiện sự quan tâm của Đảng và Nhà nước đối với đồng bào dân tộc thiểu số. Do đó, khi sử dụng nguồn vốn đầu tư, huyện phải thực hiện sao cho hiệu quả nhất, bởi đó không chỉ thể hiện vai trò của Nhà nước đối với đồng bào dân tộc thiểu số, mà còn là trách nhiệm của cả cộng đồng để người nghèo thoát nghèo”, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Trường Thọ chỉ đạo.

Làm gì để tiền của đầu tư không lãng phí

Theo ông  Hồ Văn Thế - Trưởng Ban dân tộc tỉnh, người dân miền núi làm theo cảm tính, nên thích gì làm nấy, thể hiện điều này qua công tác rà soát lại hộ nghèo. “Người dân vốn tính tự ti, nên không muốn học hỏi, làm giàu mà lại dựa dẫm. Muốn giảm nghèo hiệu quả, tiền của đầu tư đi đúng hướng, thì cần phải gắn trách nhiệm của địa phương trong từng trường hợp góp phần phát triển sinh kế”, ông Thế nói.

Trong khi đó, Phó Chủ tịch UBND huyện Trà Bồng Trần Văn Sương cho rằng, ngoài những nguyên nhân trên thì một nguyên nhân khiến cho tỷ lệ hộ nghèo cao, tiền của đầu tư lãng phí, là do quy hoạch sản xuất hiện nay quá kém, nhất là quy trình khảo sát, đánh giá vị trí đất.

Cách làm thì mò mẫm, trên địa bàn đó có cây gì phát triển, thì hô hào phát triển cây đó, trong khi đầu ra thì... bí. “Mô hình thành công và tổ chức trình diễn nhiều, nhưng không nhân rộng được. Nguyên nhân là mô hình thì sử dụng tiền ngân sách, khi chuyển giao cho người dân thì cần vốn đầu tư nhiều quá, nên không phát triển được. Riêng Trà Bồng, để khắc phục tình trạng trên, huyện thành lập các tổ kiểm tra và hỗ trợ. Tuy nhiên, vẫn còn một số hạn chế dẫn đến kém hiệu quả. Do đó, phải nghiên cứu, tìm hiểu những mô hình đơn giản, sản phẩm dễ có đầu ra và người dân dễ dàng chăm sóc”, ông Sương chia sẻ.

Còn Phó Chủ tịch UBND huyện Sơn Hà Dương Viết Thanh dẫn chứng, để chất được cây rơm như đồng bào Hrê ở Sơn Ba phải mất... 20 năm. Điều này cho thấy, thay đổi nhận thức cho người dân là cần thiết nhất và đi kèm với đó là gắn trách nhiệm, như cấp một con bò dự án 10 triệu đồng, thì phải yêu cầu người dân mua thêm một con nữa để họ thấy trách nhiệm của mình cần phải thu hồi vốn. Đầu tư thoát nghèo là một quá trình lâu dài, chứ không phải ngày một, ngày hai. Sơn Hà có 38 mô hình, nhưng nhân rộng không hiệu quả. Để duy trì mô hình thì phải đầu tư vốn và con người.

Cùng chung quan điểm trên, Phó Chủ tịch UBND huyện Tây Trà Hoàng Như Lâm cho rằng, đến thời điểm này trồng cây gì, nuôi còn gì cũng chưa tìm ra, cái người dân cần là phải thực tế, họ cần được cầm tay chỉ việc, chứ nói qua thì họ không nhớ. Nhưng quan trọng hơn hết là phải tìm đầu ra cho sản phẩm.

Trong khi đó, Giám đốc Sở LĐ-TB&XH Lương Kim Sơn cho rằng, nhận thức thoát nghèo nhanh và làm giàu đối với người dân tộc thiểu số là rất khó. Trước hết phải nâng cao nhận thức cho người dân, còn không thì có cho họ tiền, thì họ vẫn nghèo. Chính quyền cơ sở phải gắn trách nhiệm chứ không thể chỉ đứng ra làm hợp đồng và cấp cho người dân xong rồi "phủi tay".


Bài, ảnh: LÊ ĐỨC

 


.