Hàng nghìn tỷ đồng đầu tư giảm nghèo về đâu (kỳ 2)

01:07, 14/07/2017
.

(Báo Quảng Ngãi)- Thành tựu về xóa đói giảm nghèo trong những năm qua là không thể phủ nhận. Tuy nhiên, những hạn chế và bất cập trong quá trình thực hiện ở cơ sở là không nhỏ. Hàng nghìn con heo, con gà, vịt và cây giống, với số tiền đầu tư lên đến hàng trăm tỷ đồng được cấp về tận tay người dân giờ tìm đỏ mắt không ra.

TIN LIÊN QUAN

Kỳ 2: Bất cập trong việc cấp cây, con giống

Đằng sau câu chuyện cấp cây con giống là những “mệnh lệnh bán hàng” được đưa ra, bất chấp cây, con giống có hiệu quả hay không. Và thực tế, những con cây giống cấp về cho người dân bằng nguồn tiền từ các chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo không phát huy hiệu quả như mong đợi.


Mô hình “chết yểu” hay sự tắc trách

Xã Ba Vinh (Ba Tơ) thực hiện việc cấp heo giống cho người dân vào cuối năm 2016, với mong muốn người dân sẽ có sinh kế phát triển và tăng nguồn thu cải thiện đời sống. Tuy nhiên, sau khi cấp heo giống đến nay, đàn heo đã không còn một con. Theo Phó Chủ tịch UBND xã Ba Vinh Nguyễn Thị Thanh Phước, lý do đàn heo “hao hụt” dần là do người dân giết thịt, đôi khi họ bán vì không có tiền tiêu hoặc chăm sóc không đúng kỹ thuật, nên heo bị chết. Đây là nguyên nhân chính, khiến cho mục tiêu tạo sinh kế cho người dân thất bại”.

Cấp heo giống cho người dân xã Sơn Cao (Sơn Hà) thuộc hợp phần phát triển sinh kế của Ban quản lý dự án giảm nghèo huyện Sơn Hà.
Cấp heo giống cho người dân xã Sơn Cao (Sơn Hà) thuộc hợp phần phát triển sinh kế của Ban quản lý dự án giảm nghèo huyện Sơn Hà.


Còn Chủ tịch UBND xã Ba Giang Trần Thanh Hòa thì cho rằng, đàn dê  cấp cho người dân địa phương khoảng 200 con, giờ còn 40 con là... chuyện bình thường. “Không chỉ ở xã Ba Giang mà toàn huyện, toàn tỉnh cũng xảy ra như vậy. Nguyên nhân là do ý thức và khả năng tiếp thu kiến thức truyền đạt của người dân còn hạn chế cùng với thời tiết bất lợi, con giống không thích nghi với khí hậu nên chết”, ông Hòa phân trần.

Hay tại xã Sơn Kỳ (Sơn Hà), sau nhiều lần Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Trường Thọ “truy”, cuối cùng ông Đinh Tấn Bắc – Chủ tịch UBND xã mới thừa nhận, đàn bò cấp phát cho dân từ Dự án giảm nghèo Tây Nguyên có 2 con chết và xã đang cố gắng giám sát cũng như hỗ trợ kỹ thuật để... không chết thêm nữa. Trong khi đó, Chủ tịch UBND xã Sơn Liên Trần Đông Phong cho rằng, việc cấp vịt xiêm cho dân để nhân đàn, nhưng tồn tại một số bất cập. Người dân chăn nuôi chỉ cải thiện đời sống hằng ngày, chứ không phát triển kinh tế được, nên hệ lụy là sau cấp phát người dân giết thịt hết.
 

Con giống… “đa cấp”

Thực tế hiện nay là nhiều địa phương cấp cây giống, bò, dê từ các chương trình cho dân xong là quyết toán, mà không có kiểm tra, giám sát. Ngay sau đó, tư thương đến mua và con bò dự án ấy lại tiếp tục “quay vòng” trở thành bò giống của một dự án khác. Trước thông tin trên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Trường Thọ yêu cầu các địa phương phải kiểm tra, rà soát và địa phương nào để xảy ra sai phạm sẽ xử lý nghiêm.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, hàng loạt mô hình phát triển sinh kế, nâng cao đời sống cho người dân trong 20 năm qua hầu hết không còn mô hình nào tồn tại. Có chăng là những mô hình vừa thực hiện cách đây chưa đầy một năm, nhưng cây, con vật nuôi lại què quặt, ốm yếu.

Nghịch lý cấp cây con giống

Bên cạnh sự tắc trách của chính quyền cấp cơ sở, thời tiết bất lợi, thì một trong những nguyên nhân khác “góp phần” đẩy các dự án giảm nghèo đi chệch hướng là việc cấp cây, con giống không phù hợp với lịch thời vụ. Dẫn chứng bất cập này, Bí thư Huyện ủy Trà Bồng Hồ Ngọc Thịnh cho rằng, với các nguồn vốn hỗ trợ sản xuất, đa số người dân ở địa phương đăng ký trồng cây quế. Cây quế chỉ trồng từ tháng 8 đến tháng 10 âm lịch, nhưng việc hỗ trợ vốn quá chậm. Đến tháng 8 âm lịch vẫn chưa có vốn, nên không thể chuẩn bị giống kịp. Khi cây giống về thì bước vào mùa mưa, nên trồng xuống tỷ lệ sống đạt thấp. Rồi con dê, con heo cũng vậy, vốn về quá chậm, nên đến mùa mưa mới cấp cho dân, dẫn đến không hiệu quả.

Trong khi đó, qua kiểm tra tại các huyện miền núi, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Trường Thọ cho rằng, một nguyên nhân gây nên hiệu ứng ngược khi thực hiện công tác giảm nghèo là các địa phương không khảo sát cặn kẽ, chỉ hỏi ý kiến người dân qua loa hoặc đôi khi là “cào bằng” trong việc cấp phát. Nhiều hộ không có điều kiện chăn nuôi vẫn cấp con giống, không có đất trồng rừng vẫn cấp cây... Và hệ quả xảy ra như chuyện cấp gà, vịt xiêm tại các xã ở huyện Sơn Tây. Đến nay, tại xã Sơn Liên không còn con nào trong số 200 con được cấp; xã Sơn Long còn 200/920 con. Riêng đàn vịt xiêm ở xã Sơn Tinh chỉ còn chưa đến 300/600 con. Dù vậy, mô hình tại xã Sơn Tinh vẫn được đánh giá... hiệu quả (!?).

Nhà cung cấp giống cũng... than

Hàng trăm tỷ đồng dành cho hợp phần phát triển sinh kế trong 20 năm qua không phát huy tác dụng, chính quyền các cấp “đổ” một phần trách nhiệm cho doanh nghiệp cung cấp cây, con giống không hiệu quả. Trong khi đó, các doanh nghiệp lại “thở dài”, bởi khi ký hợp đồng cung ứng con giống họ phải trải qua nhiều “thử thách”.

Người dân xã Ba Bích (Ba Tơ) nhận gà từ chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo.
Người dân xã Ba Bích (Ba Tơ) nhận gà từ chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo.


Ông P, chủ một doanh nghiệp nhiều năm cung ứng cây, con giống cho các dự án giảm nghèo ở 6 huyện miền núi cho biết, “cái khó” mà họ đụng phải khi ký hợp đồng là thường phải chấp nhận một số điều kiện, nếu muốn trúng hợp đồng. Ông P kể, mỗi khi có hợp đồng cung ứng dê, công ty phải đưa dê về trại nuôi chu đáo và được tổ kỹ thuật của Sở NN&PTNT giám định theo đúng quy định hợp đồng, chủng loại, kỹ thuật. Sau đó, tổ giám định địa phương kiểm tra lần nữa rồi mới cấp phát cho dân. Nếu không đảm bảo thì không nhận, chứ làm gì có việc giao con, cây giống không đảm bảo chất lượng được.

“Nếu địa phương quản lý chặt, giám sát kỹ thì đâu đến nỗi. Cần phải hỗ trợ người dân hậu cấp phát, chứ cấp cho dân xong bỏ đó, sẽ không hiệu quả. Gần như bên A chỉ chăm chăm vào việc ký hợp đồng”, ông P bức xúc.

Nhiều doanh nghiệp còn cho biết, có trường hợp chủ đầu tư bắt buộc trong việc cấp heo là ký hợp đồng tuần trước, tuần sau phải cấp ngay, còn không thì hủy hợp đồng. Làm vậy thì sẽ không hiệu quả, nhưng khi doanh nghiệp kiến nghị cần có thời gian chăm sóc từ heo giống đúng quy cách hợp đồng, đáp ứng yêu cầu của dự án, thì lãnh đạo địa phương có "ý kiến" ngay.


Bài, ảnh: LÊ ĐỨC

-------------------------------------
*Kỳ 3: Làm gì để đầu tư giảm nghèo hiệu quả


 


.