Phát triển CN-TTCN ở Bình Sơn: Phát huy lợi thế so sánh

09:06, 04/06/2017
.

(Báo Quảng Ngãi)- Nằm dọc theo trục Quốc lộ 1 và có KKT Dung Quất với hệ thống hạ tầng giao thông, cảng biển thuận lợi, những năm qua huyện Bình Sơn đã phát huy thế mạnh trong phát triển công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp (CN-TTCN), mang lại giá trị kinh tế cao, đóng góp quan trọng cho phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Những thành tựu bước đầu

Giám đốc Ban Quản lý các cụm CN huyện Bình Sơn Võ Thanh Tuấn cho biết, nhờ tập trung đầu tư và có những định hướng chiến lược của huyện, nên những năm gần đây Cụm CN Bình Nguyên đã từng bước phát huy lợi thế của mình trong thu hút đầu tư, phát triển sản xuất kinh doanh.

 Sản xuất gạch tuynen ở Cụm CN Bình Nguyên.
Sản xuất gạch tuynen ở Cụm CN Bình Nguyên.


Đến nay, Cụm CN Bình Nguyên đã thu hút được 14 dự án đăng ký đầu tư với tổng vốn đăng ký gần 312 tỷ đồng, với tổng diện tích đất cho thuê trên 16,1ha (tỷ lệ lấp đầy đất quy hoạch công nghiệp 76,8%). Trong đó có 9 dự án đang hoạt động, 3 dự án đang triển khai xây dựng, 1 dự án đang trình UBND tỉnh cấp quyết định chủ trương đầu tư và 1 dự án dừng hoạt động. Giá trị sản xuất sản phẩm của các doanh nghiệp trong năm 2016 đạt gần 310 tỷ đồng; tạo việc làm cho gần 1 nghìn lao động, với mức lương bình quân từ 4 - 5 triệu đồng/người/tháng.

Ngoài Cụm CN Bình Nguyên, hiện nay các nhà máy, xí nghiệp và cơ sở sản xuất thuộc lĩnh vực CN-TTCN trên địa bàn huyện Bình Sơn hoạt động khá hiệu quả. Năm 2016, giá trị sản xuất CN-TTCN trên địa bàn huyện trên 1.730 tỷ đồng, tăng 9,06% so với năm 2015. Các ngành nghề sản xuất tăng trưởng khá là khai thác đất, đá xây dựng, may gia công, sản xuất đá lạnh.

Đặc biệt, ở huyện có 2 sản phẩm đạt sản phẩm CN nông thôn tiêu biểu cấp tỉnh năm 2016 là bộ sản phẩm gốm Mỹ Thiện của hộ anh Đặng Văn Trịnh, ở thị trấn Châu Ổ và sản phẩm tỏi đen của Công ty TNHH Ngọc Tháp Cầu, ở thôn An Lộc, xã Bình Trị. Sản phẩm tỏi đen Ngọc Tháp Cầu cũng đã được công nhận sản phẩm CN nông thôn tiêu biểu khu vực miền Trung - Tây Nguyên năm 2016. Riêng 6 tháng đầu năm 2017, tổng giá trị sản xuất CN-TTCN của huyện ước đạt 1.094 tỷ đồng (58% KH năm), tăng 122 tỷ đồng so với cùng kỳ năm 2016. Các sản phẩm có giá trị tăng là các loại nguyên, vật liệu xây dựng; dăm gỗ, xay xát lương thực, may mặc, chế biến hải sản.
 

Các loại hình CN ưu tiên khuyến khích, thu hút đầu tư trên địa bàn huyện Bình Sơn hiện nay là CN có hàm lượng công nghệ cao, CN sạch; CN hỗ trợ, dệt may, da giày; CN chế biến các sản phẩm nông, lâm, thủy sản; CN điện tử; CN phụ trợ phục vụ các ngành dệt may, điện tử, lọc dầu; CN sản xuất các sản phẩm thay thế hàng nhập khẩu...

Định hướng chiến lược

Để đẩy mạnh phát triển CN-TTCN trên địa bàn huyện, đồng thời thực hiện Kết luận 18 của Tỉnh ủy về đẩy mạnh phát triển CN giai đoạn 2016 – 2020, mới đây huyện Bình Sơn đã ban hành Kế hoạch phát triển CN- TTCN trên địa bàn huyện giai đoạn 2017 – 2020.

Theo đó, Bình Sơn sẽ đẩy mạnh phát triển CN theo hướng bền vững, thân thiện với môi trường; phát triển các ngành công nghiệp có lợi thế... Đồng thời tạo điều kiện tối đa để thu hút các nguồn lực, đa dạng hóa nguồn vốn đầu tư và thành phần kinh tế; khuyến khích doanh nghiệp ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ vào sản xuất để phát huy tối đa công suất của các cơ sở công nghiệp hiện có và đưa CN-TTCN phát triển theo chiều sâu.

Phó Chủ tịch UBND huyện Đoàn Hà Yên cho biết, huyện sẽ kêu gọi đầu tư hoàn thiện kết cấu hạ tầng, tiếp tục thu hút đầu tư lấp đầy diện tích đất CN tại các cụm CN trên địa bàn huyện; đồng thời tạo điều kiện thuận lợi và khuyến khích các doanh nghiệp, các nhà đầu tư tiếp tục triển khai thực hiện các dự án đầu tư phát triển sản xuất CN trên địa bàn huyện, nhất là tại các cụm CN.

Huyện sẽ tập trung quy hoạch chi tiết, đầu tư hạ tầng kỹ thuật các cụm CN: Bình Nguyên, Bình Long. Đồng thời thu hút đầu tư lấp đầy 100% diện tích đất CN ở Cụm CN Bình Nguyên, trên 60% ở Cụm CN Bình Long. Lập thủ tục thành lập Cụm CN Bình Mỹ và kêu gọi nhà đầu tư kinh doanh hạ tầng Cụm CN này. Phấn đấu đến năm 2020, giá trị sản xuất CN-TTCN của huyện đạt 2.457 tỷ đồng, tương ứng giá hiện hành là 2.702 tỷ đồng. Tốc độ tăng trưởng bình quân ngành CN- xây dựng từ 11 – 12%/năm và đến năm 2020 tỷ trọng ngành CN trong cơ cấu kinh tế chiếm 14 – 15%.


Bài, ảnh: PHẠM DANH


 


.